T2, 06/07/2020 01:02

“Vua Tôm” Lê Văn Quang: “Tôi chưa phải là doanh nhân kiệt xuất”

Đánh giá bài viết

Nhắc đến ông Lê Văn Quang (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là nhắc đến một doanh nhân thành công của ngành tôm Việt. Qua 1/4 thế kỷ chèo lái, ông đã đưa Minh Phú trở thành nhà sản xuất – chế biến – xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, là niềm tự hào của thủy sản Việt Nam. Nhưng khi được hỏi về những thành công của mình, ông khá kiệm lời và khiêm tốn…

Thưa ông, qua 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu tôm tầm vóc thế giới. Là người đứng đầu, ông có bí quyết gì để tạo dựng vị thế của Minh Phú ngày hôm nay?

Bí quyết của Minh Phú thật ra xuất phát từ ba nguyên tắc rất cơ bản trong kinh doanh.

Một là “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp”, Minh Phú là ngôi nhà thứ hai của toàn bộ công nhân viên. Ngay từ những ngày đầu tiên, chính những giá trị văn hóa được tinh lọc và đúc kết qua thời gian sẽ là những viên gạch xây dựng nền tảng lịch sử của Công ty, tạo sự gắn kết chặt chẽ và biến tất cả cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn trở thành những thành viên của một đại gia đình, cùng nhau đoàn kết, cùng nhau phấn đấu và cùng nhau đi lên.

Nguyên tắc thứ hai đó là “Hài hòa lợi ích”, không chỉ giữa các khâu trong toàn bộ chuỗi giá trị của Tập đoàn; mà còn giữa Minh Phú và các đối tác, khách hàng của mình. Công ty có lợi nhuận tốt, thì đời sống cán bộ công nhân viên cũng phải tốt hơn; Minh Phú đạt được những thành tựu trong kinh doanh, thì đối tác, khách hàng của Minh Phú cũng được nâng tầm vóc và vị trí của mình trên thị trường. Ở một góc nhìn khác, khi Minh Phú và các doanh nghiệp bạn cùng phát triển, cùng có sự cạnh tranh lành mạnh, thì mặt bằng chất lượng chung của toàn ngành tôm Việt Nam sẽ được nâng cao đáng kể, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên liên quan.

Nguyên tắc thứ ba chính là xem “Khách hàng như tri kỷ”. Chúng ta phải hiểu khách hàng như chính khách hàng hiểu bản thân họ và ngược lại. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong kinh doanh hiện nay, hầu như ở tất cả các lĩnh vực, thời đại của mối quan hệ “Kẻ bán – Người mua” đã không còn nữa, mà bây giờ là thời đại của mối quan hệ đối tác và hơn nữa là đối tác chiến lược. Chỉ có cùng chia sẻ, cùng hợp tác và cùng tầm nhìn, thì mới tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đột phá, và bền vững hơn.

Chắc rằng lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, bản thân ông cũng chưa thể hình dung ra tầm vóc của Minh Phú ngày hôm nay. Theo ông, tầm của một doanh nghiệp dẫn đầu ngành thủy sản Việt Nam như Minh Phú thể hiện rõ nhất ở điều gì?

Từ những ngày đầu khởi nghiệp, thật sự tôi chưa thể và chưa dám đặt mục tiêu đạt vị trí hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bản thân tôi cho đến tận ngày hôm nay, luôn nung nấu một hoài bão, một khát khao cháy bỏng, đó chính là làm sao để mang con tôm Việt Nam vươn tầm thế giới và ở chiều ngược lại, để người tiêu dùng trên toàn cầu có cơ hội được thưởng thức sản phẩm tôm chất lượng, mang hương vị, giá trị và bản sắc rất riêng của đất nước Việt Nam.

Để đạt được điều đó, ngoài những nguyên tắc đã nêu trên, Minh Phú luôn không ngừng học hỏi; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; xây dựng đội ngũ vững mạnh, nhà máy hiện đại, sẵn sàng đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng, đồng thời phải thỏa mãn được những yêu cầu khắt khe từ thị trường thế giới.

Lớn mạnh cùng sự phát triển thần kỳ của tôm Việt, sau 25 năm, Minh Phú đã có những “cú nhảy” mang tính bước ngoặt ở các thời điểm nào, thưa ông?

Chế biến tôm tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phú    Ảnh Tập đoàn cung cấp

Chế biến tôm tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phú Ảnh Tập đoàn cung cấp

Trong 25 năm hình thành và phát triển, cùng với những thăng trầm của ngành tôm Việt Nam, Minh Phú cũng đã tự tạo cho mình những cột mốc đáng nhớ như:

• Năm 2002 và 2006: Đưa vào vận hành nhà máy Minh Quí và Minh Phát, hoàn thành cụm nhà máy thủy sản lớn nhất Cà Mau.

• Năm 2006: Chuyển đổi thành công sang mô hình công ty đại chúng, niêm yết cố phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán Hà Nội.

• Năm 2010: Đổi mới công nghệ chế biến, tập trung mạnh sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng và hàng cao cấp.

• Năm 2011: Hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy Minh Phú Hậu Giang, với công suất thiết kế 40.000 tấn thành phẩm/năm, là nhà máy chế biến tôm lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

• Năm 2014: Nhờ sự mạnh dạn của Ban lãnh đạo, Minh Phú tăng tốc đẩy mạnh sản lượng, giảm giá thành sản xuất, làm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm Minh Phú. Từ đó, giúp các khách hàng mở rộng đáng kể thị phần. Đây cũng là năm Minh Phú đạt mức doanh thu 730 triệu USD, cao nhất từ ngày đầu thành lập đến nay.

Cảm nghĩ cô đọng nhất của ông sau 1/4 thế kỷ gắn bó cùng thương hiệu Minh Phú là gì?

Điều tôi vẫn băn khoăn và đang từng ngày cùng tập thể Minh Phú phấn đấu đó chính là xây dựng được một chuỗi giá trị tôm bền vững, có trách nhiệm và có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Trải qua 1/4 thế kỷ, tuy vẫn còn nhiều thách thức, nhưng Minh Phú cũng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào: Là nhà sản xuất – chế biến – xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới (Tạp chí Undercurrent News 2016); Top 50 Doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới 3 năm liền (Tạp chí Undercurrent News 2014 – 2016). Đây là nguồn động lực to lớn để tôi cùng tập thể Minh Phú nỗ lực phát triển hơn nữa, biến thách thức thành cơ hội, đạt được những mục tiêu cao và xa hơn.

Nhắc đến Minh Phú là nhắc đến một doanh nghiệp biểu tượng của ngành tôm Việt. Nhắc đến ông là nhắc đến một doanh nhân kiệt xuất trong ngành thủy sản Việt. Theo ông, để gìn giữ bền vững những giá trị này, Tập đoàn Minh Phú và ông phải luôn nhắc nhớ và thực hiện những bước đi cụ thể như thế nào?

Tôi xin phép không nhận chữ “kiệt xuất”, mà chỉ nhận mình là một doanh nhân Việt Nam mang trong mình hoài bão không ngừng lao động, sáng tạo, tìm kiếm lối đi mới và xây dựng vị thế riêng cho doanh nghiệp của mình trong cuộc chơi chung toàn cầu. Đó cũng chính là những điều mà tôi và tập thể Minh Phú luôn nhắc nhở bản thân mình từng ngày, từng giờ, để khách hàng và người tiêu dùng của chúng tôi được hưởng lợi ích từ các sản phẩm không chỉ mang những giá trị thương mại đơn thuần, mà còn bao hàm cả những giá trị nhân văn, vì môi trường, vì xã hội và vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Sau hai năm vắng bóng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Minh Phú chính thức lên sàn UPCOM từ 16/10/2017. Sự trở lại ngoạn mục này của Minh Phú phải chăng đang báo hiệu một chiến lược dài hơi, nâng tầm phát triển của Tập đoàn lên một diện mạo mới, thưa ông?

Việc niêm yết trở lại trên sàn UPCOM nằm trong lộ trình phát triển của Tập đoàn. Cùng đó, cũng thể hiện mong muốn và quyết tâm của chúng tôi trong việc giữ gìn hình ảnh một công ty đại chúng hoạt động minh bạch và hiệu quả.

Tầm vóc dẫn đầu của một Tập đoàn không chỉ thể hiện đơn thuần ở những con số thống kê. Nó còn hiện rõ ở trách nhiệm xã hội, ở tầm nhìn, ở tính tiên phong. Ông hình dung ra sao về Tập đoàn Minh Phú trong 5 – 10 năm tới và những năm tiếp theo?

Minh Phú sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị tôm khép kín toàn diện, ổn định nguyên liệu đầu vào, cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, mang tính cạnh tranh cao bằng những giá trị bao hàm khác biệt, hướng đến 4 mục tiêu: an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và quyền lợi vật nuôi.

Thưa ông, 10 tỷ USD xuất khẩu tôm vào năm 2025 là một đích đến đáng kỳ vọng của ngành tôm Việt Nam. Để hiện thực hóa con số này, Tập đoàn Minh Phú sẽ làm như thế nào để đóng góp cho mục tiêu lớn này?

Để hiện thực hóa điều này, Minh Phú sẽ tập trung đầu tư phát triển và áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào toàn bộ chuỗi giá trị của mình, từ nghiên cứu phát triển dòng tôm kháng bệnh từ trại giống đến vùng nuôi; xây dựng vùng nuôi thông minh với công nghệ quan trắc IOT; xây dựng nâng cấp nhà máy chế biến theo hướng tự động hóa – robot hóa, hướng đến tiêu chuẩn 4.0; Tích hợp mô hình quản trị hiện đại vào doanh nghiệp

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Nhân dịp năm mới Mậu Tuất, tôi xin thay mặt đại gia đình Minh Phú kính chúc Tạp chí Thủy sản Việt Nam, các đối tác, khách hàng cùng quý bạn đọc một năm 2018 thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công rực rỡ!


Nguyệt Nga (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!