T2, 06/07/2020 01:28

“Vua tôm” Minh Phú: Để đi xa và đi nhanh phải luôn biết học hỏi

Chưa có đánh giá về bài viết

Kinh tế thị trường ngày một cạnh tranh khốc liệt, thời tiết biến đổi khắc nghiệt, nếu không thay đổi phương pháp nuôi truyền thống, tìm cách nuôi mới, giải quyết khâu nhân lực… thì ngành tôm Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ thất bại.

Chủ tịch Lê Văn Quang

Ở vị trí đứng đầu ngành tôm, Tập đoàn Minh Phú đã luôn tiên phong học hỏi, áp dụng công nghệ để tiếp tục dẫn dắt, đồng hành cùng người nuôi tôm, giúp ngành tôm Việt Nam phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.

Vì sao tôm Việt Nam khó cạnh tranh?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khả năng kém cạnh tranh của tôm Việt. Thứ nhất là về chi phí kiểm tra dư lượng kháng sinh. Các thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… kiểm soát rất gắt gao về vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm. Để kiểm soát được vấn đề về kháng sinh, Minh Phú đã và đang phải đầu tư phòng lab ở các vùng nuôi với chi phí bình quân 10 tỷ đồng/phòng và chi phí kiểm kháng sinh cho 1 kg tôm nguyên liệu khoảng 6.000 đồng, quy ra 1 kg thành phẩm tốn khoảng 9.000 đồng. Chi phí cao như vậy đã làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam với các quốc gia khác.

Thứ hai là về màu sắc tôm. Hiện nay, các thị trường nhập khẩu rất ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc tôm. Họ cần tôm khi luộc lên có màu đỏ, trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau luộc phần lớn mang màu hồng nhạt và trắng nên không phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Đây là hạn chế của sản phẩm tôm nuôi Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh khi ra thị trường thế giới.

Chế biến tôm tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phú

Thứ ba là về size/cỡ tôm khi thu hoạch. Người nông dân thường nuôi tôm và chỉ thu hoạch tập trung một lần khi tôm đạt kích cỡ 30 – 50 con/kg. Với cách thức nuôi này, tôm vừa chậm lớn lại hạn chế khả năng cạnh tranh do nguồn cung không phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Mặt khác, khi người nuôi thu hoạch đồng loạt, tập trung ở cùng một size thì size đó dư thừa còn size khác không có, như vậy thị trường “thiếu mà thừa”, dẫn đến giá tôm của size “thừa” thì giảm, trong khi các size khác lại không có để bán. Trên thực tế, các thị trường đều có nhu cầu mạnh và đa dạng các size. Nhưng được ưa chuộng là: 20 – 30 con/kg; 40 – 60 con/kg, 60 – 80 con/kg…

Thị trường châu Âu và Nhật Bản chuộng các size nhỏ. Do vậy, nếu chỉ nuôi một size vừa rất khó cạnh tranh vừa khó tìm kiếm khách hàng.

Giải pháp công nghệ 234

Đây là giải pháp đột phá của Minh Phú. Quy trình công nghệ này vừa mang lại hiệu quả cho người nuôi, vừa nâng cao hiệu quả trong sản xuất đối với các nhà máy/đơn vị chế biến và đặc biệt tăng tính cạnh tranh của sản phẩm tôm nuôi Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sau quá trình thử nghiệm, Minh Phú đã thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công nâng từ 40 – 50% lên 90 – 100%; số vụ nuôi tăng từ 1 – 2 vụ/năm lên 4 – 5 vụ/năm. Với tỷ suất lợi nhuận ước đạt 40 – 60%/vụ, người nuôi sẽ có lãi cho dù giá nguyên liệu tôm trên thị trường xuống thấp do ảnh hưởng từ giá tôm thế giới. Theo Minh Phú, công nghệ này sẽ được áp dụng cho khoảng 100% diện tích vùng tự nuôi của Minh Phú và tại 50.000 ha vùng nuôi liên kết các hộ nông dân, tỷ lệ áp dụng lên tới 20 – 50%. Công nghệ 234 đã cho thấy vai trò tích cực trong tiết giảm chi phí nguyên liệu. Vì vậy, dựa trên những thành công bước đầu, Minh Phú sẽ nhân rộng và áp dụng mô hình nuôi tôm bền vững này trong những năm tiếp theo.

Ứng dụng senser, AI va IoT

Trong nuôi tôm công nghệ cao, senser va trí tuệ nhân tạo (AI) giữ một vai trò quan trọng. Nhằm từng bước giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, đồng thời hạn chế rủi ro và tăng năng suất nuôi trồng và chế biến, từ cuối năm 2018, Minh Phú đã ứng dụng AI cho các vùng tự nuôi. Tiến tới, AI sẽ được thử nghiệm trong các nhà máy chế biến. Hiện, nuôi theo cách thông thường, Công ty cần đến 2.000 người để quản lý 2.000 ao tôm. Với AI, 1 người có thể quản lý 10 ao, 200 người quản lý 2.000 ao, áp lực về nhân sự sẽ giảm hẳn. Nhờ senser va AI, lao động dôi dư từ các vùng nuôi hiện tại sẽ được điều chuyển đến xây dựng và phát triển các vùng nuôi mới. Trong nhà máy, AI ứng dụng vào các dây chuyền chế biến sẽ giúp giảm thời gian ở các khâu phân loại tôm, tính toán các nguyên liệu kèm theo và lên kế hoạch sản xuất.

Công ty cũng đang hợp tác với UBND tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng Khu phức hợp công nghệ cao về tôm. Đại dự án này bao gồm 10.000 ha vùng nuôi liên kết trên địa bàn thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, Giang Thành, có 5 nhà máy chế biến với công suất 40.000 tấn/nhà máy/năm, sàn giao dịch tôm, thức ăn, thuốc, con giống, khu nhà ở xã hội cho công nhân và các tiện ích xã hội khép kín kèm theo. Trong Khu phức hợp, nông dân sẽ được hướng dẫn ứng dụng công nghệ vào vùng nuôi và Minh Phú cam kết bao tiêu sản phẩm.

Theo tính toán, chi phí xây dựng 5 nhà máy ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng sẽ được lấy từ nguồn vốn điều lệ tăng thêm trong năm 2018 và lợi nhuận giữ lại các năm sau của Minh Phú. Các công trình còn lại sẽ được tài trợ từ nguồn vốn nhà nước. Hiện, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Kiên Giang và Tập đoàn Minh Phú đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để triển khai dự án này.

Theo Chủ tịch Lê Văn Quang, năm 2019, nếu Minh Phú đưa công nghệ 234 và ứng dụng AI trên toàn bộ 900 ha vùng nuôi, tỷ lệ tự chủ nguyên liệu của Tập đoàn sẽ đạt 30%. Khi các công nghệ mới được triển khai trên vùng nuôi 10.000 ha ở Khu phức hợp, tỷ lệ tự chủ nguyên liệu dự kiến lên tới 50%.

Vốn là người bận rộn, để gặp được Chủ tịch Lê Văn Quang, phải xếp lịch trước vài tuần, thậm chí cả tháng. Nhưng may mắn có dịp được ông chia sẻ, chủ đề chính mà ông xoay quanh luôn là những câu chuyện về làm thế nào để nuôi tôm thành công, áp dụng mô hình mới, ứng dụng mới nào để Minh Phú tiếp tục dẫn dắt và thay đổi cục diện ngành tôm, giúp bà con nuôi tôm hiệu quả, đạt lợi nhuận cao hơn, sản phẩm tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Là người lãnh đạo một đơn vị dẫn đầu ngành tôm của Việt Nam và cả thế giới, chúng ta hiểu và chia sẻ sức nặng áp lực ông đang hàng ngày phải gánh vác. Làm thế nào để trọn vẹn, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích của người nuôi và lợi ích của doanh nghiệp là câu hỏi mà có lẽ ông phải dành cả cuộc đời để tìm kiếm câu trả lời. Xin chúc những dự định của ông cùng Tập đoàn luôn được hoàn thành một cách xuất sắc, để Minh Phú luôn là cánh chim đầu đàn dẫn dắt ngành tôm Việt Nam vươn tầm thế giới và phát triển ngày một mạnh mẽ.


Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú: “Tôi làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của người nuôi. Bởi vì sao, vì nếu nuôi không hiệu quả thì bà con sẽ bỏ ao chuyển nghề khác, cuộc sống lại bị đảo lộn, chật vật. Chính vì vậy, khi tìm được giải pháp nuôi tôm 234 này tôi vui lắm. Đã có cách giúp bà con nuôi tôm vừa hiệu quả mà bán giá lại được cao”.

Nguyệt Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!