Vùng nước nuôi tôm Phước Thuận đột ngột giảm độ mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

Xã Phước Thuận là vùng nuôi tôm công nghiệp của huyện Xuyên Mộc với tổng diện tích khoảng 120ha, nằm sát lưu vực sông Ray. Vài năm trở lại đây, việc lấy nước mặn vào hồ khi thả giống gặp khó khăn, nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc nuôi tôm tại địa phương.

Ông Vũ Đức Chính (bìa trái) lấy mẫu kiểm tra độ mặn của nước.

Ông Vũ Đức Chính (bìa trái) lấy mẫu kiểm tra độ mặn của nước.

Sáng 28-7, kỹ sư Vũ Đức Chính lấy dụng cụ kiểm tra độ mặn trước thời điểm thả giống tại các hồ nuôi tôm của ông Ngô Văn Thức (ấp Ông Tô, xã Phước Thuận). Sau kiểm tra, anh Chính cho biết: “Độ mặn phù hợp để nuôi tôm sú là 7-8 phần ngàn (gam muối/kg nước), tôm thẻ là 12-15 phần ngàn.

Dù đã cố gắng đợi những đợt thủy triều đẩy nước mặn lên nhiều nhất, tuy nhiên, nước lấy vào vẫn quá “ngọt”, độ mặn chỉ có khoảng 2-3 phần ngàn. Như vậy độ khoáng trong nước không đủ, tôm sẽ khó sinh trưởng và phát triển tốt, dễ mắc dịch bệnh”. Do độ mặn không đủ để thả tôm nên trại tôm giống của ông Ngô Văn Thức chỉ thả nuôi 1ha tôm thẻ/6ha diện tích nuôi.

Ông Lê Kim Thanh (ấp Ông Tô, xã Phước Thuận) đang thả nuôi 1,5ha tôm sú. Ông Thanh cho biết, do diện tích nuôi tôm của ông ở hạ nguồn kênh dẫn nước, lấy nước mặn sau các hộ khác nên rất khó khăn, có những thời điểm độ mặn gần như xuống bằng 0. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm, 2 hồ tôm 45 ngày tuổi của ông đã có hiện tượng bệnh phân trắng, tôm óp vỏ khiến ông rất lo lắng.

Theo ông Huỳnh Minh Trung, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phước Thuận cho biết, hiện toàn xã có hơn 120ha diện tích nuôi tôm công nghiệp. Thời gian qua, nghề nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, việc lấy nước mặn vào ao tôm gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do kênh dẫn nước mặn vào ao nuôi tôm cũng là kênh thủy lợi dẫn nước nông nghiệp từ hồ Sông Ray về. Mùa thả giống tôm lại trùng mùa xả nước phục vụ tưới tiêu cho lúa nên nước mặn không vào được các hồ tôm. Bên cạnh đó, hệ thống kênh dẫn nước thải cũng đã cũ, xuống cấp, chất thải bồi lắng gây ứ đọng dẫn đến hình thành các ổ dịch bệnh, sau đó xâm nhập trở lại ao nuôi. Ông Trung cho biết: “Do nguồn nước không đủ, lại còn nhiễm bẩn nên rủi ro khi thả nuôi tôm cao hơn, ngư dân cũng không mặn mà như trước. Hiện nay, tổng diện tích thả nuôi đã giảm mạnh, chỉ còn 70-80ha trên tổng 120ha diện tích mặt nước”.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn nước mặn, tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, nhiều hộ đã đầu tư công nghệ cao trong nuôi tôm. Ông Nguyễn Hiệp Thành (ấp Ông Tô, xã Phước Thuận) đã đầu tư nuôi 4ha tôm theo mô hình công nghệ sinh học. Theo đó, ông không sử dụng kháng sinh thông thường, gây ô nhiễm nguồn nước mà sử dụng các chế phẩm vi sinh khống chế lượng khuẩn độc gây bệnh cho tôm trong ao nuôi.

Ông Thành cũng đầu tư công nghệ trong nuôi tôm như máy lọc nước siêu âm, máy cho ăn tự động… để giảm ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó ông cũng giãn mật độ thả nuôi xuống 50 con/m2 thay vì 100-150 con/m2 như trước đây. Nhờ đó hạn chế được dịch bệnh trên tôm.

Nhiều hộ nuôi tôm tại Phước Thuận cũng đã đầu tư hệ thống lưới màn nhằm kiểm soát nhiệt độ của hồ. Sau khi thu hoạch, các hộ nuôi cũng không vội vàng tái thả giống ngay mà vệ sinh kỹ hồ nuôi. Nhiều hộ còn xen canh bằng cách thả nuôi 1 đến 2 vụ cá rô phi để làm sạch hồ rồi mới thả nuôi vụ tôm mới. Để khắc phục tình trạng sụt giảm độ mặn, người nuôi tôm mua muối bỏ thêm vào hồ nuôi.

Ông Thành cho biết thêm: “Việc đầu tư công nghệ trong nuôi tôm góp phần giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm rủi ro. Tuy nhiên, nguồn nước vẫn đóng vai trò quan trọng nhất quyết định thành công của vụ nuôi. Do vậy, các hộ nuôi tôm kiến nghị tỉnh cần có giải pháp kịp thời để bảo vệ vùng nuôi tôm”.

Tuy nhiên, nhằm khắc phục triệt để tình trạng thiếu nước mặn, ông Mai Anh Tuấn, chuyên viên phụ trách thủy sản Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, ngành nông nghiệp thường xuyên vận động hộ nuôi tổ chức các đợt nạo vét kênh dẫn, thoát nước nhằm bảo đảm nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, phòng cũng đã kiến nghị, đoàn của Sở NN-PTNT cũng đã về khảo sát thực địa nhằm xây dựng dự án kênh dẫn nước mặn riêng từ biển vào vùng nuôi tôm Phước Thuận.

Quang Vinh

Báo Bìa Rịa - Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!