Vượt “hái lượm”

Chưa có đánh giá về bài viết

Bộ NN&PTNT khuyến khích nuôi cá rô phi để phát huy tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm thủy sản. Thế nhưng thực tế chưa phải muốn là được. Lãnh đạo một doanh nghiệp thủy sản lớn phải than: “Chúng tôi nuôi cá rô phi cho công nhân ăn không xuể”.

Nguyên do giống xấu. Cá rô phi để làm fillet đông lạnh xuất khẩu, một con phải lớn cỡ 0,8 kg. Với giống trong nước cần nuôi 8 tháng, còn giống của thế giới chỉ nuôi 4 tháng. Cá rô phi bố mẹ ở nước ta lạc hậu, phía Nam còn chủ yếu “hái lượm” từ cá thương phẩm đã thoái hoá nên nuôi chậm lớn và nhiều con không lớn nổi. Vì thế, doanh nghiệp đó khi nuôi ghép với tôm, chỉ số ít đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu, còn lại quá nhỏ “cho công nhân ăn không xuể”.Không chỉ giống cá rô phi mà giống cá tra và tôm cũng chưa thoát khỏi tình trạng “hái lượm”. Giống cá tra hiện nay chủ yếu vẫn sản xuất từ giống cá bố mẹ khai thác tự nhiên lại cho lai cận huyết nên đã thoái hóa; tôm sú bố mẹ cũng còn phụ thuộc khai thác tự nhiên; còn tôm thẻ chân trắng bố mẹ đang phải nhập khẩu hoàn toàn, nhiều khi không kiểm soát được nguồn gốc.

Thủy sản năm 2014 xuất khẩu gần 8 tỷ USD, trong đó sản phẩm nuôi trồng đóng góp phần lớn. Như thế, sản phẩm thủy sản không còn phụ thuộc khai thác tự nhiên, nhưng vì chưa chủ động được giống nên chưa vượt hẳn qua “hái lượm” để xây dựng thương hiệu.

Thời bao cấp để lại ở các địa phương nhiều trung tâm giống, nay hầu hết khó tự sống, càng khó hy vọng sản xuất giống tốt. Tổng cục Thủy sản đánh giá, thất bại chính là do cách làm giống theo “đề tài” ngắn hạn chỉ vài ba năm; trong lúc, kinh nghiệm những nước có giống thủy sản tốt đều đầu tư lớn, dài hạn, nhất là phải thu hút đầu tư tư nhân.

Tiến sỹ Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông – Khuyến lâm,  cho biết ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ hiện tại một năm 350 tỷ đồng “không hiệu quả”, vì “chủ yếu dành để nuôi bộ máy hoạt động của các đơn vị nghiên cứu là hết”. Theo ông Quốc, cần mạnh dạn rút bớt khoảng 1/2 nguồn kinh phí ấy để dồn cho các nhà khoa học kết hợp với doanh nghiệp, “ông nào nghiên cứu gắn với doanh nghiệp thì chi, không thì cắt, chứ không cần kiểu ngồi hội đồng, phân chia đề tài gì nữa”.

Bộ NN&PTNT cũng đã có chủ trương, thay đổi tư duy nghiên cứu sản xuất giống, tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân để có giống thủy sản tốt. Ngân sách dù còn hạn hẹp nhưng không rải mành mành chia đều cho các địa phương, mỗi nơi một ít, mà tập trung vào sản phẩm thủy sản chủ lực và nơi có năng lực, kiên trì một số năm sẽ hy vọng có giống tốt. Chủ động được nguồn giống sẽ chủ động được nuôi trồng, chủ động chiến lược nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam. Khi đó, ngành thủy sản thật sự vượt qua thời kỳ “hái lượm”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!