T2, 06/07/2020 11:13

Vượt sóng trên đôi chân tật nguyền

Chưa có đánh giá về bài viết

Bị cắt cụt đôi chân sau những ngày vật lộn với bệnh tật, hậu quả từ một tai nạn trong những ngày lênh đênh trên sóng nước, nhưng anh Lê Văn Xuân (khối Hồng Hải, phường Quỳnh Phương, thị trấn Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) vẫn không chịu bỏ tàu, bỏ biển. Trên đôi chân tật nguyền, anh từng bước vươn lên trở thành thuyền trưởng một tàu hơn 10 thuyền viên.

Bi kịch cuộc đời

Đón chúng tôi trong căn nhà khang trang mới xây dựng, nằm cạnh bến tàu cá của phường Quỳnh Phương, anh Lê Văn Xuân vừa lắc lắc đôi chân cụt lủn vừa trần tình: “May hôm nay biển động, nhà báo đến mới gặp, chứ không tôi lại đi với anh em ra khơi rồi”. Câu chuyện giữa tôi và anh bắt đầu bằng những hồi ức đau đớn mà như anh nói: “Chỉ nghĩ lại, nước mắt đã muốn rơi ra”.

Đó là năm 1986, khi đang là thuyền viên trên một tàu đánh cá, chân anh bị xóc vào cát, do điều kiện trên tàu không đảm bảo, vết thương lại dính dầu mỡ nên khi được đưa vào đất liền đã nhiễm trùng. Đây cũng là dấu hiệu cho những ngày vật lộn với khó khăn của chàng ngư dân vừa sang tuổi 24.

Được chẩn đoán đã bị viêm tắc động mạch, anh liên tục được chuyển đi mấy bệnh viện, có những lúc bác sĩ đã phải lắc đầu trước sự chông chênh sống chết của anh. Anh nhớ lại: “Có bác sĩ đòi phải cắt hết chân tôi, nhưng cũng may có một bác sĩ nữ can thiệp, nói rằng nên cố gắng giữ được chừng nào tốt chừng ấy… Khi tỉnh dậy, tôi thấy chân trái mình đã bị cắt cụt đến gần đầu gối”. Tưởng thế là xong những ngày đau đớn, thế nhưng không lâu sau đó anh tiếp tục phải chứng kiến một phần chân trái bị cắt lìa khỏi cơ thể.

Bi kịch chưa dừng ở đó. Trong những ngày tháng chiến đấu với bệnh tật ấy, có những lúc chứng kiến cơn đau dày vò anh, nhiều lần bác sĩ đã tiêm Morphine (một thuốc giảm đau gây nghiện) vào cơ thể. Nhiều lần như thế, anh nghiện khi nào chẳng hay. Bốn năm anh nghiện ngập là chừng ấy thời gian gia đình anh lâm cảnh túng bần cơ cực. Lúc tỉnh táo, nhìn con cái nheo nhóc, vợ gầy rộc, anh lại đấm vào cơ thể mình, tự trách; nhưng khi cơn nghiện giày vò thì anh lại tìm đến ma túy như một phương thuốc thần hiệu để giảm đau. “Thấy anh ấy dùng ma túy hết đau nên tôi cũng không dám khuyên bảo nhiều, chỉ thỉnh thoảng động viên. Cuối cùng anh ấy cũng nghe, quyết tâm cai nghiện” – Vợ anh Xuân kể.

Những khi rời tàu, Lê Văn Xuân vẫn không cho đôi tay mình nghỉ ngơi

Nỗi đau tinh thần quá lớn, nỗi đau thể xác cũng dày vò anh hằng ngày. Anh kể, có những lúc lên cơn đau, anh chỉ muốn đập đầu vào tường để chết cho xong. Từ đó, anh hạ quyết tâm phải cai nghiện bằng được. Không đến trung tâm cai nghiện, anh Xuân quyết tâm cai tại nhà. Mỗi lúc cơ thể lên cơn đau, anh lại kêu mấy đứa con giậm nhẹ lên lưng để quên đi sự giày vò của cơ thể. “Cứ nhìn tình cảnh trong nhà không còn một xu, tôi lại thêm quyết tâm cai bằng được. Một tháng sau, tôi cai nghiện thành công” – Anh Xuân kể.

 

Vượt qua số phận

Dứt được ma túy, quyết tâm trở lại với tàu với biển lại thôi thúc anh. Để hiện thực hóa điều này, anh bắt đầu đặt đôi chân đã bị cưa cụt của mình xuống đất tập đi. Ký ức của anh nhớ như in những lần bàn chân ngắn cũn ấy tấy lên, bầm đi, ứa máu vì cường độ tập luyện của anh. Bắt đôi chân tật nguyền phải làm việc chưa đủ, anh còn bắt đôi tay làm thêm phần việc của đôi chân. Như để minh chứng cho điều này, anh thả người mình xuống đất, đôi tay gồng lên nâng nổi cả cơ thể, rồi cứ thế anh di chuyển trên nền đất nhanh nhẹn chẳng khác người lành lặn.

Luyện tập xong, anh mạnh dạn xin với chủ tàu được trở lại công việc của mình. Nhìn đôi chân cụt lủn của anh, nhiều chủ tàu muốn từ chối, nhưng thương cảnh anh tật nguyền, vợ trẻ con thơ… nên đành chấp nhận để anh vào đứng buồng lái.

Được nhận vào làm việc, Xuân tự hứa với mình, nhất định không để người ta coi mình là người thừa hay việc ban ơn. Anh lăn vào làm hết mọi việc, từ lái tàu đến kéo lưới, thậm chí cả việc sửa máy anh cũng nhúng tay vào và đều làm được việc. Người dân phường Quỳnh Phương khi ấy vẫn không quên hình ảnh những ngày mưa, đường đất lầy lội, vợ anh – chị Hồ Thị Linh lại cõng chồng chậm bước trên đường làng hướng ra khơi.

Vợ trở thành trợ thủ đắc lực của Lê Văn Xuân

Sau một thời gian làm thuyền viên, khi cuộc sống đã dần ổn định, khát vọng được làm chủ con tàu của chính mình lại trỗi dậy trong anh. Đến năm 1992, sau khi cật lực vay mượn thêm mọi người, con tàu mang số hiệu NA 94009 TS của chủ tàu Lê Văn Xuân được hạ thủy, hướng ra khơi xa.

Thành đạt trong cuộc sống, nhưng bệnh tật vẫn chưa chịu buông tha anh. Đã nhiều năm anh chưa được ăn một cái Tết trọn vẹn ở gia đình, bởi cứ mùa lạnh vết thương cũ lại sưng tấy, các ngón tay lại rụt dần vào trong, gia đình lại phải đưa anh ra Hà Nội chữa trị. Vất vả thế nhưng gương mặt người chủ tàu này giờ đã luôn rạng rỡ.

>> Bây giờ, tàu Lê Văn Xuân đã trở thành thương hiệu đáng nể ở phường Quỳnh Phương, với người chủ tàu tàn tật và hơn 10 thuyền viên. Đó là phần thưởng cho những nỗ lực không ngừng của một người biết vượt lên số phận.

Viết Thịnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!