T2, 06/07/2020 12:38

Xác định kích thước mắt lưới rê phù hợp để khai thác cá ngừ chấm tại miền Trung và Đông Nam bộ

Chưa có đánh giá về bài viết

Lưới rê là loại ngư cụ có từ rất lâu đời và được sử dụng rộng rãi ở các vùng nước khác nhau, kỹ thuật khai thác đơn giản, đối tượng đánh bắt có chọn lọc theo kích cỡ mắt lưới. Lưới đánh bắt theo nguyên lý mắc hay nguyên lý đóng, lưới được thả trong nước tạo thành bức “tường” lưới chặn ngang đường di chuyển của cá.

Năng suất đánh bắt

Năng suất khai thác cá ngừ chấm của các loại lưới khác nhau trình bày như ở hình 7. Kết quả phân tích (Anova: single factor), các loại lưới khác nhau có năng suất khai thác chưa có sự khác biệt (p > 0,05). Năng suất đánh bắt trung bình cao nhất là loại lưới 2a = 85 mm và 2a = 100 mm, đạt 5,5 kg/km và 4,7 kg/km lưới; Năng suất thấp nhất là loại lưới 2a = 123 mm, chỉ đạt 3,0 kg/km lưới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự khác biệt về năng suất khai thác giữa các loại kích thước mắt lưới không có ý nghĩa thống kê.

Phân bố tần suất chiều dài và chiều dài trung bình của cá thể đánh bắt được

Phân bố tần suất chiều dài cá thể cá ngừ chấm đánh bắt được thể hiện qua hình 8. Cá ngừ chấm đánh bắt bằng loại lưới 2a = 73 mm và 2a = 85 mm gồm 2 nhóm chính: nhóm cá thể có chiều dài nhỏ dao động 30 – 36 cm và nhóm cá thể có chiều dài lớn dao động 44 – 48 cm. Cá ngừ chấm đánh bắt bằng loại lưới có kích thước mắt lưới 2a = 100 mm và 2a = 123 mm có kích thước khá lớn, chủ yếu dao động 41 – 48 cm.

Số lượng cá thể cá ngừ chấm có chiều dài nhỏ hơn 40 cm chủ yếu được đánh bắt bằng loại lưới 2a = 73 mm và lưới 2a = 85 mm, chiếm 66% và 60,5% tổng số cá thể đánh bắt được. Loại lưới 2a = 100 mm và lưới 2a = 123 mm chủ yếu đánh bắt được các cá thể có chiều dài lớn hơn 40 cm, lần lượt chiếm 57,1% và 90,3% tổng số cá thể đánh bắt được.

Chiều dài trung bình cá ngừ chấm đánh bắt được bằng các loại lưới 2a = 73 mm đạt được là 37,3 + 2,2 cm; loại kích thước mắt lưới 2a = 85 mm là 38,5 + 1,6 cm; loại kích thước mắt lưới 2a = 100 mm là 40,8 + 1,5 cm và loại kích thước mắt lưới 2a = 123 mm là 43,9 + 1,7 cm. Kết quả phân tích (Anova: single factor), chiều dài cá ngừ chấm đánh bắt được bằng các loại mắt lưới khác nhau (p < 0,05) và chiều dài cá bị đánh bắt tăng dần theo kích thước mắt lưới.

Tính lựa chọn của ngư cụ

Xác định chiều dài cá thể tối ưu cho các kích thước mắt lưới




Kích thước cá khai thác tối ưu của loại lưới 2a = 73 mm là 27,5 cm; Với loại lưới 2a = 85 mm là 32,0 cm; Với loại lưới 2a = 100 mm là 37,7 cm và với loại lưới 2a = 123 mm là 46,3 cm.

Tỷ lệ cá thành thục sinh dục và chiều dài sinh sản lần đầu

Các chuyến điều tra nguồn lợi cá nổi lớn bằng nghề lưới rê trôi ở vùng biển miền Trung và Đông Nam bộ đã phân tích tuyến sinh dục của 220 cá thể cá ngừ chấm. Trong đó, 124 cá thể chưa thành thục và 96 cá thể đã thành thục.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ cá đánh bắt được đến tuổi thành thục ở loại lưới 73 và 85 là khá thấp (dưới 50% tổng số cá thể), chỉ có 2 loại lưới 2a = 100 và 123 là có tỷ lệ cá thành thục trên 50%.

Điều này cho thấy nếu xét về góc độ sinh học, để đảm bảo nguồn lợi bền vững thì chỉ có loại lưới 2a = 100 và 123 là phù hợp để khai thác cá ngừ chấm.

Kết quả phân tích cho thấy, đường cong sinh sản của cá ngừ chấm có dạng:

Như vậy, chiều dài mà ở đó 50% số lượng cá thể tham gia vào quần đàn cá sinh sản của cá ngừ chấm là 400 mm và đường cong sinh sản được biểu diễn ở hình 10.

Kích thước mắt lưới phù hợp

Dựa trên kết quả tính toán hệ số lựa chọn chung (SF) và chiều dài mà ở đó 50% số lượng cá thể tham gia vào quần đàn cá sinh sản (Lm50) ta tính được kích thước mắt lưới rê phù hợp để khai thác cá ngừ chấm:

Theo kết quả phân tích sinh học thì tỷ lệ cá đánh bắt được đã đến tuổi thành thục của loại lưới 2a = 73 mm và 2a = 85 mm là khá thấp (dao động 30 – 40% tổng số cá thể đánh bắt được), chỉ có loại lưới 2a = 100 mm và 2a = 123 mm là có tỷ lệ trên 50% cá thể đánh bắt được. Do đó, nếu xét về khía cạnh sinh học thì loại lưới có kích thước mắt lưới 2a = 100 mm và 2a = 123 mm là phù hợp nhất để khai thác cá ngừ chấm ở vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam bộ.

Theo Thông tư 02/2006/TT-BTS, kích thước khai thác cho phép của cá ngừ chấm là 360 mm. So sánh với kích thước khai thác tối ưu của các loại mắt lưới thì có 2 loại lưới 2a = 100 mm và 2a = 123 mm là phù hợp.

Kết quả tính toán năng suất khai thác cho ta thấy, loại lưới 2a = 85 mm có năng suất khai thác cao nhất (5,5 kg/km lưới), tiếp theo là lưới 2a = 100 mm (4,7 kg/km lưới) và 2a = 73 mm (3,3 kg/km lưới), thấp nhất là loại lưới 2a = 123 mm (3,0 kg/km lưới).

Theo kết quả tính toán, kích thước mắt lưới rê phù hợp nhất để khai thác cá ngừ chấm là 2a = 106 mm. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất thì đối tượng đánh bắt chính của lưới rê thu ngừ không chỉ là cá ngừ chấm mà còn rất nhiều loại cá khác, như: ngừ chù, ngừ vằn, cá thu… Theo nghiên cứu của Vũ Việt Hà (2005) và Nguyễn Văn Hải, (2011), xét theo khía cạnh sinh học loại lưới rê có kích thước mắt lưới 2a = 100 mm là phù để khai thác cá ngừ vằn và ngừ chù. Do đó, nếu xét về thực tế sản xuất của ngư dân thì loại lưới 2a = 100 mm sẽ là phù hợp hơn để vừa khai thác cá ngừ chấm vừa khai thác hiệu quả được các đối tượng đánh bắt khác.

Kết hợp các kết quả phân tích sinh học, hiệu quả khai thác, thực tế sản xuất của ngư dân và quy định quản lý ngành có thể kết luận loại lưới 2a = 100 mm là phù hợp để khai thác, đảm bảo hiệu quả đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi cá ngừ chấm.

ThS. Phạm Thị Hiền (Viện Sinh nông - ĐH Hải Phòng)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!