Xác xơ vùng tâm bão

Chưa có đánh giá về bài viết

Bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) là cơn bão tàn phá khủng khiếp nhất trong vòng hơn 20 năm qua ở Việt Nam. Sau bão, hàng nghìn người dân Nam Trung bộ lâm vào cảnh mất nhà, trắng tay; những vùng nuôi trồng thủy sản tan hoang, xơ xác.

Thiệt hại nuôi lồng bè tôm hùm tại Phú Yên

Bão số 12 đổ bộ vào Nam Trung bộ và quét qua một phần nam Tây Nguyên ngày 4/11; với sức gió mạnh nhất đạt cấp 13, bão quần thảo liên tiếp nhiều giờ, rồi mạnh lên cấp 10, giật cấp 12 ở vùng bắc Khánh Hòa, nam Phú Yên, tung hoành suốt gần 2 giờ, sau đó yếu dần. Bão số 12 đã gây tổn thất rất nặng nề về người, tính tới ngày 7/11 đã làm 69 người chết, 30 người mất tích; 1.484 nhà sập đổ, 119.222 nhà tốc mái, hư hỏng; gần 8.000 ha lúa bị ngập; 14.559 ha rau, hoa màu cùng 24.942 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị ngập, thiệt hại.

Bình Định

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 12, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa to và rất to gây ngập tại sâu tại nhiều vùng. Do mưa lớn, mực nước tại hồ thủy lợi Bình Định lên cao, theo đó để đảm bảo an toàn hồ thủy lợi đã tiến hành xả điều tiết lũ.

Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định đến ngày 6/11, cơn bão số 12 đã làm 3 người chết, 5 người mất tích; 117 nhà sập, 513 nhà hư hỏng, tốc mái, 1.002 nhà ngập nước; 866 ha lúa, 440 ha hoa màu bị ngã đổ, ngập nước, 100 con gia cầm bị chết, 27 lồng bè nuôi thủy sản bị cuốn trôi; 18 tàu đánh cá bị chìm, 1 tàu bị cuốn trôi, 8 tàu hàng bị chìm, 2 tàu hàng mắc cạn, 11.200 m3 đất trên các tuyến đường bị sạt lở, 6 cầu bị như hỏng, nước ngập chia cắt một số khu vực, ngã đổ nhiều cây xanh, cột điện. Tại An Nhơn: có 4 tấn cá bị cuốn trôi; Tại Phù Cát: 1 tàu cá bị chìm; 5 ha đìa nuôi trồng thủy sản bị vỡ; 1 cầu bị sập (cầu Trắng thuộc đường phía Tây tỉnh); Tại Hoài Nhơn: 8 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; 5 tàu bị chìm, 1 tàu bị trôi…

Tàu thuyền, cây cối bị bão vùi xuống cát Ảnh: Hoài Nam

Phú Yên

Được xem là “vương quốc tôm hùm”, thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu hoang tàn, xơ xác sau khi bão số 12 đi qua. Những lồng tôm bị sóng đánh, quăng quật đang nằm chồng chất, lộn xộn lên nhau. Hàng chục phụ nữ, trẻ em ra đứng trước bãi biển, ngóng trông theo thuyền thúng của các thanh niên trai tráng trong làng đang tìm kiếm những lồng tôm còn sót lại. Toàn thôn có 60 hộ dân nuôi, mỗi hộ hơn 100 lồng, mỗi lồng khoảng 200 con tôm, gần như mất trắng, thiệt hại ước khoảng 9,5 tỷ đồng. Vùng nuôi tôm hùm tại Thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh cũng bị thiệt hại không kém; với khoảng 281 hộ dân nuôi tôm hùm và cá bằng lồng bè trên biển thì có đến 99% số hộ nuôi bị thiệt hại. Theo ghi nhận của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 12.400 lồng bè nuôi thủy sản và sau cơn bão số 12 gần như toàn bộ đều mất trắng. Ước thiệt hại nuôi thủy sản là 27.280 tỷ đồng. Đây là tài sản người dân cầm cố vay mượn ngân hàng, nên giờ hoàn toàn trắng tay.

Khánh Hòa

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 27 người chết, 133 người bị thương và 5 người mất tích. 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà tốc mái, trong đó tập trung chủ yếu ở TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Về chăn nuôi, có nhiều chuồng trại bị sập, tốc mái, dẫn đến bị cuốn trôi và chết khoảng 241.000 gia cầm, 400 con lợn và 130 con bò. Về thủy sản, có hơn 1.200 ha đìa tôm, cá bị vỡ, 24.320 lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi, hơn 1.000 tàu thuyền bị đánh chìm…

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là huyện Vạn Ninh, với hàng loạt diện tích nuôi thủy sản đã bị cuốn trôi sau bão. Ông Trần Văn Thiên (63 tuổi), nhà ở tổ 8, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh như người mất hồn sau thiệt hại cực lớn do cơn bão số 12 gây ra. Ông Thiên ngậm ngùi, ông có 185 ô với 11.000 con tôm hùm sắp tới mùa thu hoạch, giá trị tới 11 tỷ đồng trôi xuống biển hết. Tình cảnh trắng tay sau bão như ông Thiên cũng là hoàn cảnh chung của nhiều bà con ngư dân ở thị trấn Vạn Giã. Thống kê sơ bộ, chỉ một đoạn ngắn ven biển trên đường Trần Hưng Đạo đã có gần 500 bè nuôi cá, tôm của người dân bị đánh chìm. Người thiệt hại nặng như ông Thiên mất tới hơn chục tỷ đồng, người nhẹ nhất cũng thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Quảng Ngãi

Chỉ sau đợt mưa lũ trên địa bàn Quảng Ngãi kết thúc, trời đã hửng nắng, nhưng đi dọc qua vùng nuôi cá lồng bè ở khu vực cảng biển giữa xã Bình Đông và Bình Thạnh (huyện Bình Sơn)… chỉ còn là cảnh hoang tàn; những hộ nuôi đang dọn dẹp lại lưới, thùng phin, gỗ ván…

Khu vực này người dân nuôi cá bớp, cá chim, cá mú… khi nước lũ dâng, những chủ nuôi này đã cố gắng cứu lấy cá, họ tìm đủ cách đưa lồng nuôi bị nước ngọt xâm lấn xuống khu vực an toàn hơn, hoặc chèo thuyền vớt vát số cá còn sống cho vào kho đông bảo quản. Họ đánh đổi cả sinh mạng, cố gắng cứu lấy chút vốn, vì đó là cả gia sản của họ, nhưng rồi đã không thể vượt qua. Ông Nguyễn Đức Tuyên (xã Bình Đông) có 30 lồng cá, thả 2.500 cá gồm cá mú, cá bớp… đang đến kỳ thu hoạch, tính ra gần 10 tấn, nhưng khi lũ đến, nước ngọt xâm nhập, dù nổ lực túc trực, kiểm tra neo đậu, lưới cá, nhưng vẫn không có cách nào cứu hết số vốn bỏ ra. Cùng cảnh ngộ, ông Trần Thiện Dũng (thôn Hải Nam, xã Bình Thạnh) đầu tư 16 lồng bè, thì sóng đánh hư hại đến 8 lồng. Ông Dũng cố gắng vớt được 4 tấn cá, nhưng rồi chỉ bán được cho các chủ mua về làm thức ăn gia súc với giá 3.500 đồng/kg, trong khi giá cá bớp là 150.000 đồng/kg, cá chẽm giá 80.000 đồng/kg.

Theo BCH PCTT&TKCN Quảng Ngãi, thiệt hại về thủy sản, lồng bè là 23 lồng (huyện Lý Sơn, nuôi tôm hùm, cá bớp), diện tích nuôi trồng thủy sản (tôm) bị thiệt hại là 85,92 ha (Bình Sơn: 4,92 ha, TP Quảng Ngãi: 81 ha); ngoài ra số lồng bè nuôi cá ở gần biển xã Bình Đông, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, cũng thiệt hại nặng, giá trị thiệt hại ước khoảng 20 tỷ đồng.

>> Ngày 7/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chi 5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả do cơn bão số 12. Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định hỗ trợ hơn 100 thiết bị lọc nước cho người dân 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam; Mỹ hỗ trợ hơn 1 triệu USD; Hàn Quốc 1 triệu USD…

Nhóm PV (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!