Xây dựng đề án phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi giai đoạn 2016 – 2020

Chưa có đánh giá về bài viết

Đa dạng hóa đối tượng, mở rộng mặt hàng xuất khẩu dựa trên lợi thế tự nhiên, diện tích sẵn là chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản tại hội thảo “Xây dựng đề án phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi giai đoạn 2016 – 2020” sáng 21/1.

Đại diện Vụ Nuôi trồng Thủy sản đã trình bày Dự thảo “Xây dựng đề án phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi giai đoạn 2016 – 2020”, về hiện trạng, khó khăn và giải pháp phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi những năm qua.

Ông Phạm Anh Tuấn nhận định, cá rô phi là một đối tượng có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam, có thể nuôi được ở cả vùng nước lợ, nước mặn với nhiều hình thức khác nhau (đặc biệt, có thể phát triển cá rô phi ở vùng ven biển). Hiện, có hai đối tượng nuôi chính, cá rô phi đen ở miền Bắc và cá rô phi đỏ ở miền Nam. Nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lớn.

Cá rô phi là đối tượng có tiềm năng phát triển lớn – Ảnh: Phan Thanh Cường

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu hình thành sau các nước. Chất lượng con giống đưa vào nuôi thương phẩm chưa thật sự tốt, nuôi theo hướng tự phát, khó kiểm soát; chịu ảnh hưởng bởi mùa vụ (như miền Bắc có không khí lạnh). Hơn nữa, ở khu vực phía Bắc không có doanh nghiệp sản xuất có đủ năng lực chế biến xuất khẩu cá rô phi.

Chính vì vậy, cần đưa các rô phi vào danh mục đề án phát triển giống thủy sản và xây dựng “Dự án nhập giống cá rô phi bố mẹ” từ các nước có giống cá rô phi bố mẹ nhiều phẩm chất tính trạng tốt. Một phần hỗ trợ cho một số doanh nghiệp lớn nhân giống và cung cấp cho các vùng nuôi. Một phần cung cấp đàn cá rô phi bố mẹ làm vật liệu di truyền cho các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản để chọn tạo những dòng rô phi có tính trạng phát triển tốt trong điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Ngoài ra, cần có quy hoạch, xây dựng vùng nuôi, vùng sản xuất đặc trưng cho từng miền, xây dựng dự án phát triển thị trường cá rô phi. Miền Bắc tập trung vào sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa. Miền Nam tổ chức vùng sản xuất, chế biến xuất khẩu gắn với một số doanh nghiệp có năng lực cụ thể.

Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!