Xuất hiện một số loài tảo gây hại tôm, cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Kết quả phân tích chỉ tiêu môi trường tại vùng nuôi trồng thủy sản tại Phú Yên cho thấy nguồn nước có biểu hiện tích lũy các chất hữu cơ và xuất hiện một số loài tảo gây hại cho tôm, cá nuôi.

Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Trung, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi và sản xuất giống tôm nước lợ, nuôi tôm hùm và cá biển các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, TX Sông Cầu (Phú Yên), thời gian quan trắc từ ngày 21-22/9 cho thấy: Hầu hết các thông số chất lượng nước cơ bản đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép đối với nuôi trồng thủy sản; một số yếu tố môi trường (NH3, COD) có xu hướng tăng và DO có xu hướng giảm so với thời điểm quan trắc đầu tháng 9/2019.

Môi trường nuôi tôm hùm tại Phú Yên trong những ngày tới gặp bất lợi

Đáng chú ý phát hiện một số loài tảo trong đầm Cù Mông như Peridinium sp., Pseudo-nitszchia sp. và Gymnodinium sp. có mật độ từ 550-1.250 tế bào/lít. Ngoài ra, một số yếu tố môi trường vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể như hàm lượng DO (4,70 mg/l) tại thôn 1, xã Xuân Hải (đỉnh đầm Cù Mông) chưa phù hợp QCVN 10-MT: 2015/BTNMT đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh (DO>5,0 mg/l), nhưng đạt yêu cầu đối với chất lượng nước cấp vào ao nuôi tôm nước lợ theo QCVN 02-19:2014-BNNPTNT (DO≥3,5 mg/l).

Còn mật độ vi khuẩn vibrio tổng số vượt ngưỡng cho phép tại điểm Vịnh Hòa (1,4×103 cfu/ml), gần chân Cầu Bình Phú (3,7×103 cfu/ml) và thôn 1, xã Xuân Hải (4,2×103 cfu/ml). Đồng thời, đã phát hiện vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trong mẫu nước quan trắc ở thôn 1, xã Xuân Hải.

“Kết quả phân tích chỉ tiêu môi trường tại các vị trí quan trắc cho thấy nguồn nước có biểu hiện tích lũy các chất hữu cơ và xuất hiện một số loài tảo gây hại cho tôm, cá nuôi; mật độ vi khuẩn Vibrio vượt ngưỡng cho phép và đã phát hiện Vibrio parahaemolyticus gây bệnh AHPND. Trong khi theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết trong những ngày tới sẽ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to trong khu vực có thể làm biến động các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, pH, độ mặn, DO, các muối dinh dưỡng… Đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh trên tôm, cá nuôi phát triển”, báo cáo Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Trung nêu rõ.

Do đó để ổn định môi trường nuôi, chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Trung khuyến cáo người nuôi cần áp dụng các biện pháp. Trong đó, đối với tôm nước lợ tại các vùng nuôi trong đầm Cù Mông (nhất là thôn 1, Xuân Hải) nên hạn chế lấy nước vào thời điểm này.

Nếu thật cần thiết, người nuôi cần lấy nước qua túi lọc nhiều lớp, xử lý nước bằng chlorine trước khi cấp vào ao nuôi nhằm loại bỏ tảo gây hại, Vibrio sp. và Vibrio parahaemolyticus; Cần chú ý xử lý nguồn nước thải trong quá trình sản xuất bằng các phương pháp thân thiện môi trường; Nên tuân thủ lịch thời vụ năm 2019, không thả giống nuôi trái vụ.

Bên cạnh đó, người nuôi cần theo dõi thường xuyên các yếu tố môi trường nước ao nuôi (DO, NH3) để có biện pháp xử lý kịp thời như: tăng cường chạy quạt nước, sục khí để cải thiện oxy hòa tan trong nước ao nuôi (≥ 5,0 mg/l); sử dụng Zeolite để hấp thụ, chế phẩm sinh học để giảm lượng NH3 trong ao.

Để phòng bệnh cho tôm nuôi trong điều kiện thời tiết thay đổi, người nuôi cần thường xuyên theo dõi tôm nuôi (quan sát trạng thái vỏ, gan tụy, ruột và phân tôm, đặt biệt EHP); bổ sung chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.

Đối với nuôi tôm hùm, cá biển: Không đặt lồng nuôi tôm hùm gần bờ, gần đáy; lưu ý nên theo dõi, kiểm tra sự phân tầng nước (nhiệt độ, độ mặn và oxy hòa tan) để điều chỉnh lồng nuôi phù hợp; thường xuyên vệ sinh lồng nuôi; tách riêng những cá thể tôm yếu, tôm nhiễm bệnh để điều trị tích cực nhằm hạn chế lây nhiễm trong đàn tôm; thực hiện các giải pháp phòng ngừa và điều trị bệnh sữa, đỏ thân đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành (TBKT 03-02:2017/BNNPTNT). Thả cá nuôi với mật độ hợp lý, thường xuyên kiểm tra, loại bỏ cá yếu, cá nhiễm bệnh ra khỏi lồng nuôi; lựa chọn thức ăn đảm bảo chất lượng, cung cấp đầy đủ các vi chất cần thiết (khoáng, vitamin) cho cá nuôi.

>> Ngoài ra, người nuôi cần gia cố lồng bè nuôi, hệ thống dây neo, phao lồng, lưới để đảm bảo an toàn cho tôm trong mùa mưa bão. Đồng thời thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, các thông báo của chính quyền địa phương để chủ động trong việc ứng phó với sự thay đổi thời tiết trong thời gian tới.

Kim Sơ

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!