Xuất khẩu cá tra có thể vượt qua 2 tỷ USD

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 21/8 tại An Giang, Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị

Theo Tổng cục Thủy sản, 8 tháng đầu năm ngành hàng cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt ngày 17/3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố 9 doanh nghiệp phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục (từ 3,87 – 7,74 USD/kg), gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã rút ngắn thời hạn đánh giá tương đương, tổ chức thanh tra thực địa. Tuy nhiên, do thời tiết khá thuận lợi, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các địa phương, sự vào cuộc của người dân, cộng đồng doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra phát triển rất tốt. Các tháng đầu năm 2018, giá cá giống, giá cá nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao. Mặc dù hiện có giảm nhưng người sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này ĐBSCL thả nuôi cá tra đạt 4.033 ha, sản lượng thu hoạch 814.086 tấn. Giá cá nguyên liệu nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng 4.500 – 7.000 đồng/kg, hiện dao động 25.000 – 27.000 đồng/kg tùy theo chất lượng và hình thức thanh toán.

Cá tra Việt Nam năm 2018 xuất khẩu sẽ đạt trên 2 tỷ USD

Ông Quốc cho rằng, cá tra thương phẩm tăng giá đã kích thích các cơ sở và người dân phát triển nghề ương cá tra giống. Từ đầu năm đến nay, diện tích ương cá tra giống ở ĐBSCL đạt khoảng 3.587 ha, tăng khoảng 800 ha so với cùng kỳ 2017, tập trung ở 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Long An… Ba tháng đầu năm 2018, giá cá tra giống trung bình 60.000 – 70.000 đồng/kg đối với cỡ 30 con/kg và 70.000 – 80.000 đồng/kg đối với cỡ 50 con/kg. Từ đầu tháng 5 đến nay giá cá tra giống giảm, hiện tại cỡ cá 30 con/kg dao động trong khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1.198 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm, Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường nhập khầu cá tra lớn nhất nhưng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có xu hướng giảm trong khi xuất sang Mỹ có xu hướng tăng. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và dễ tính nhất nên xuất khẩu những tháng đầu năm vào thị trường này đạt 289,8 triệu, chiếm 24,2% thị phần và tăng 40,6% so với cùng kỳ 2017. Mỹ đứng thứ 2 với 255,33 triệu USD;. EU đứng vị trí thứ 3 với 139,13 triệu USD, tiếp theo là khối ASEAN, EU, Mexico, Brazil, Colombia, UAE…

Riêng với An Giang, tỉnh được Chính phủ chọn điểm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống cá tra 3 cấp, đến nay đã cung cấp được hơn 1 tỷ cá bột và 300 triệu con cá tra giống cho các doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra trong và ngoài tỉnh. Chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp đang vận hành khá tốt, các bên tham gia chuỗi liên kết ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua thỏa thuận hợp tác, hợp đồng tiêu thụ cá tra giống giữa chi hội sản xuất giống cá tra với doanh nghiệp thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Hiện tại, người nuôi cá tra thương phẩm tại ĐBSCL lãi 3.000 – 4.000 đồng/kg

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, việc xây dựng Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung – cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi; góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. “Mô hình liên sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao là khâu đột phá, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất giống, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở nghiên cứu, HTX, THT các hộ sản xuất giống, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cá tra”, Thứ trưởng Tám cho biết thêm.

Ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp giữa các đơn vị

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 2018 là năm đầu tiên ngành xuất khẩu cá tra đột phá, có thể đạt con số trên 2 tỷ USD. Lý do, cá tra Việt Nam chưa có quốc gia nào có lợi thế như thế để phát triển ngành hàng cá tra. Một trong những giải pháp then chốt hiện nay để ngành hàng này phát triển bền vững là các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đặc biệt đa dạng hóa tất cả các thị trường xuất khẩu. Bộ trưởng đề nghị coi ngành cá tra thực hiện tái cơ cấu theo thuận thiên, còn các doanh nghiệp tự hình thành phương thức kinh doanh cho chính mình, cần có sự liên kết với nhau để đem lại kết quả cao.

Cũng tại hội nghị lần này Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chứng kiến buổi ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Trung tâm Giống thủy sản An Giang, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi Cần Thơ và Doanh nghiệp Mừng Liên, Tập đoàn Việt – Úc.

Ngọc Trinh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!