Xuất khẩu tôm chưa như mong đợi

Chưa có đánh giá về bài viết

Chỉ còn một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2015, trái ngược dự báo đầy lạc quan ban đầu rằng tôm sẽ tiếp tục mang về cho Việt Nam 4 tỷ USD, thì nay số liệu 10 tháng cho thấy, giá trị xuất khẩu chỉ 2,5 tỷ USD; để có thêm 1,5 tỷ USD trong những tháng cuối cùng là một nhiệm vụ quá khó.

Không thể?

Theo VASEP, trong những tháng qua, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam giảm liên tục; trong đó, 3 thị trường truyền thống và lớn nhất của tôm Việt Nam nhiều năm qua đều giảm 2 con số. Thị trường Mỹ giảm 41%, tiếp đến là Nhật giảm gần 21% và EU gần 20%. 

Nói vậy không có nghĩa tất cả các thị trường đều giảm; vẫn có những thị trường tăng nhưng lượng nhập khẩu này chiếm thị phần không lớn; nên dù có tăng trưởng mạnh ở những thị trường khác vẫn không thể bù vào sự sụt giảm của thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Có thể nói, trong những năm qua, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam năm sau tăng hơn năm trước, đều bị chi phối bởi thị trường Mỹ. Nếu người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ mạnh con tôm Việt Nam, ngay lập tức, kéo cả ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng.

xuất khẩu tôm

10 tháng qua, giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm đến 41% nhưng thị trường này vẫn đứng số một trong tất cả các thị trường có nhập khẩu tôm Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất thủy sản đạt gần 5,37 tỷ USD; trong đó Mỹ chiếm gần 19,5% tổng giá trị, tương đương khoảng 1 tỷ USD; con tôm ở thị trường Mỹ mang về cho Việt Nam 536,5 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị hàng thủy sản đã xuất sang đây.

 

Khó chuyển biến lớn

Những nguyên nhân để lý giải cho sự sụt giảm mạnh của con tôm vào Mỹ đã được đưa ra. Và dĩ nhiên, không phải do người Mỹ tiêu thụ tôm đông lạnh nhập khẩu giảm mà mấu chốt là tôm Việt Nam đã không được người tiêu dùng Mỹ lựa chọn; bởi, những sản phẩm tôm đông lạnh của những nước xuất khẩu tôm vào Mỹ như Ấn Độ, Thái Lan, các nước Nam Mỹ có giá bán thấp hơn nhưng chất lượng vẫn tương đương.

Còn người tiêu dùng Mỹ, họ chẳng bận tâm tôm Việt Nam hay tôm Ấn Độ, tôm Thái Lan hay tôm của Ecuador, vì người tiêu dùng Mỹ đều hiểu, để xuất khẩu tôm vào thị trường này, các quốc gia xuất khẩu tôm phải tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Vì thế, vấn đề để người tiêu dùng Mỹ chọn mua sản phẩm nào đơn thuần là yếu tố giá cả. Chính vì không thể giảm giá hơn nữa nên Việt Nam không thế bán tôm cho người Mỹ.

VASEP cho biết, so với những nước có sản xuất tôm trong khu vực, giá thành đầu vào tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu của Việt Nam cao hơn khoảng 2 USD/kg. Do đó, những tháng qua, tôm Việt Nam bị bật khỏi các siêu thị ở Mỹ cũng là điều dễ hiểu. Theo VASEP, giá tôm xuất khẩu trung bình vào Mỹ những tháng qua là 9,42 USD/kg (cùng kỳ năm trước 11,79 USD/kg), tương đương giảm 20%. Giảm giá nhưng vẫn không bán được nhiều, chứng tỏ sự cạnh tranh sản phẩm tôm giữa các nước Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… khốc nghiệt thế nào.

Khi nào thị trường Mỹ trở lại ưa chuộng tôm Việt Nam? Thật khó trả lời, vì yếu tố để tôm Việt Nam cạnh tranh với tôm nước khác tại Mỹ là giá bán rẻ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, đặc biệt với quy mô và cách thức nuôi trồng hiện nay của chúng ta. Cùng đó, yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn mua tôm của các nước là nằm ở giá và giá tôm các nước chỉ có thể tăng nếu những quốc gia này bùng phát dịch bệnh trên diện rộng hay gặp thời tiết bất lợi khiến sản lượng tôm thu hoạch giảm. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra trong thời gian tới.

>> Theo các chuyên gia, lời giải cho ngành tôm Việt Nam hiện nay là phải tìm cách giảm chi phí hoặc tăng sản lượng thu hoạch để giảm giá bán thì mới hy vọng sự phục hồi của con tôm tại thị trường Mỹ. Những đòi hỏi này đối với tôm Việt Nam thời điểm nay không dễ.

Ngọc Hùng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!