Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi đến đất nước Việt Nam xinh đẹp. Tôi sẽ cùng với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp thứ trưởng Na Uy – Việt Nam lần thứ 10. Sau 3 năm gián đoạn vì COVID-19, tôi rất vui vì cuối cùng chúng ta có thể tổ chức trực tiếp hoạt động này.

Trong kỳ tham vấn chính trị lần này, chúng tôi sẽ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó quan hệ song phương Na Uy – Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói rằng, thủy sản và kinh tế biển là một phần quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước suốt 52 năm qua kể từ khi chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971.

 

Na Uy đã hợp tác với Việt Nam, cụ thể là với Bộ NN&PTNT trong lĩnh vực thủy sản suốt gần 4 thập kỷ. Chúng tôi tự hào vì đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên, chưa kể nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều lãnh đạo, chuyên gia của Bộ NN&PTNT đã từng học tập tại Na Uy. Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và thật khích lệ khi thấy mối quan hệ này đã đạt đến tầm cao mới khi chúng ta trở thành các đối tác bình đẳng.

 

Na Uy và Việt Nam cùng quan tâm tới phát triển công bằng và bền vững nghề cá và ngành thủy sản trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đổi mới công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo thành công. Nhiều cơ hội mới cũng mở ra từ đây để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác truyền thống của chúng ta.

 

Cá hồi Na Uy đã nổi tiếng tại Việt Nam. Nhưng Na Uy không chỉ có cá hồi. Từ năm 2023, chúng tôi sẽ giới thiệu nhiều hơn các sản phẩm hải sản đến từ Na Uy tới người tiêu dùng Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, sự ổn định về chính trị và lực lượng lao động trẻ dồi dào, Việt Nam đã và đang là địa bàn chế biến các sản phẩm thủy sản của Na Uy cho các thị trường khác trong khu vực, trong đó có cá thu. Chế biến sẽ là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong thời gian tới.

Cốt lõi của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy là sự kết hợp hiệu quả giữa các kiến thức truyền thống và khoa học hiện đại, coi trọng mục tiêu bảo vệ môi trường.

 

Bờ biển Na Uy kéo dài đến tận Bắc Cực đem lại cho Na Uy những điều kiện lý tưởng để nuôi cá nước lạnh. Tại đây, cá hồi được sống trong môi trường tự nhiên. Trải qua hàng nghìn năm, ngư dân Na Uy đã tích lũy được cho mình kiến thức chuyên sâu về biển và môi trường biển vốn đôi khi rất khắc nghiệt. Do đó, chúng tôi biết cá của mình cần gì và phát triển ở đâu.

 

Na Uy là quốc gia đầu tiên nuôi và thương mại hóa thành công cá hồi Đại Tây Dương vào những năm 1970. Mọi trang trại nuôi cá ở Na Uy đều đặt yếu tố bền vững lên hàng đầu. Chúng tôi chỉ cho cá hồi ăn thức ăn sạch, chất lượng cao, dạng viên. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh trong hoạt động chăn nuôi ở Na Uy đã giảm ở mức đáng kinh ngạc: 99% từ năm 1987. Tới nay, chỉ có 0,14 g kháng sinh được đưa vào mỗi tấn cá hồi.

 

Chúng tôi vẫn tiếp tục cải thiện quy trình nuôi theo hướng bền vững và áp dụng công nghệ. Ngành công nghiệp cá hồi của Na Uy phát thải rất thấp và tác động tới môi trường không đáng kể. So với các vật nuôi khác, cá hồi Na Uy rất tiết kiệm tài nguyên, nghĩa là cần ít nước và ít thức ăn. Chúng tôi thường xuyên theo dõi tác động của quy trình nuôi tới môi trường bằng cách kiểm tra thường xuyên các chỉ số môi trường ở đáy biển dưới các trang trại nuôi để đảm bảo chỉ số dư lượng thức ăn thấp nhất và đảm bảo thời gian phục hồi của đáy biển. Việc kiểm tra được thực hiện bởi các bên thứ ba độc lập.

 

Những nỗ lực này đã góp phần tạo nên những phẩm chất đặc biệt cho cá hồi Na Uy về hương vị, màu sắc và độ đặc thịt đặc trưng. Đây cũng là đặc điểm chúng tôi sử dụng để tiếp thị và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này. Kết quả là cá hồi Na Uy đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trên toàn thế giới vì ngon, tốt cho sức khỏe, dễ chế biến, an toàn và có chất lượng để có thể ăn sống.

Tôi rất ấn tượng khi biết người Việt Nam tiêu thụ một lượng hải sản gần gấp đôi so với người Na Uy, khoảng 37 kg/năm. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, một người Na Uy ăn khoảng 19,5 kg cá và sản phẩm cá. Điều đó nghĩa là trong thực đơn ăn uống của người Na Uy vẫn còn chỗ cho các sản phẩm thủy hải sản đến từ Việt Nam.

 

Tôi thấy cơ hội cho thủy sản Việt Nam ở Na Uy, đặc biệt là tôm và cá tra, rất tiềm năng. Người tiêu dùng Na Uy nói chung rất chú trọng đến thực phẩm lành mạnh và chất lượng cao. Họ quan tâm tới xuất xứ hàng hóa, nhãn mác và chứng nhận kiểm định an toàn thực phẩm.

Na Uy không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng là một phần của thị trường chung EU thông qua thỏa thuận Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Do đó, hầu hết các tiêu chuẩn và quy định về thực phẩm của chúng tôi đều tương ứng với các tiêu chuẩn và quy định của EU.

 

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam chắc chắn đều quen thuộc với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của nhiều thị trường nhập khẩu, trong đó có EU và Na Uy. Ở Na Uy, chúng tôi tập trung vào các tiêu chí liên quan tới quy trình nuôi, cho ăn, đánh bắt, chế biến, thậm chí cả vận chuyển động vật. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thủy hải sản của chúng tôi đem lại nhiều ích lợi cho ngành, giúp chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và thu về lợi nhuận từ các thị trường trên toàn thế giới.

Tôi rất lạc quan về hợp tác giữa hai quốc gia. Ý định thư về Tăng cường và Phát triển Hợp tác trong lĩnh vực nuôi biển do Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy ký kết năm ngoái là một khuôn khổ tốt để chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

 

Kiến thức chuyên môn, các giải pháp và công nghệ tiên tiến của Na Uy có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản, thân thiện với môi trường, cải thiện quy trình chế biến để gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng các thị trường xuất khẩu khó tính nhất, kể cả Na Uy.

 

Câu chuyện thành công về con tôm, cá tra của Việt Nam sẽ không dừng ở đây nếu Việt Nam tăng cường đầu tư công nghệ và nghiên cứu phát triển để gia tăng giá trị sản phẩm. Chế biến phụ phẩm thủy sản là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng nhằm đảm bảo sử dụng tối ưu các phụ phẩm trong ngành thủy sản, sản xuất các sản phẩm khác có giá trị cao dùng làm thức ăn chăn nuôi, tiêu dùng và xuất khẩu.

 

Na Uy có cá hồi, cá tuyết, cua huỳnh đế và tôm biển, còn Việt Nam có cá tra và tôm nước lợ. Chúng ta không cạnh tranh với nhau mà sẽ bổ trợ cho nhau. Vì vậy, tôi mong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối Tự do Mậu dịch châu Âu (EFTA) với 4 thành viên là Iceland, Na Uy, Liechtenstein và Thụy Sỹ sớm được ký kết để chúng ta có thêm công cụ thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.

 

Trân trọng cảm ơn Quốc Vụ khanh!

error: Content is protected !!