T2, 06/07/2020 01:49

Nơi kỳ bí trên biển Đông – Kỳ 2: Cuộc chinh phục biển khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau những năm tháng xuôi ngược ở quần đảo Hoàng Sa, đoàn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam đã tiến ra vùng biển quốc tế trên biển Đông, thể hiện quyền tự do đi lại, tự do đánh bắt. Những ngày đồng hành cùng ngư dân, tôi luôn nhớ đến câu nói của các lão ngư “tới mùa vụ thì ngư dân Việt Nam ở nơi này đông như thành phố nổi”.

Kỳ 1: Nơi tận cùng Bom Bay

Hiên ngang giữa trùng khơi

Đêm đầu tiên ở bãi ngầm Macclesfiel khiến cảm giác chập chờn khó ngủ. Tiếng máy phát điện dưới hầm tàu là âm thanh xua đi cảm giác chông chênh, vì quanh con tàu chỉ là biển đen, không nơi bấu víu. Tôi cố dán mắt xuống mặt biển để tìm lại hình ảnh con đuối to bằng chiếc bàn, trông giống chiếc máy bay tàng hình đã xé toang lưới bỏ chạy. Nhưng chỉ có đàn cá heo xuất hiện và kéo đến gần tàu để đùa nghịch. Lũ cá heo khi bơi và quẫy đuôi thì phát ra âm thanh như trẻ con đạp nước.

Trước khi vào tàu nghỉ ngơi, các ngư dân đã tổ chức câu cá theo kiểu Macclesfield. Đó là móc mồi vào lưỡi câu và buộc theo một thanh sắt. Lưỡi câu được thả xuống độ sâu khoảng 35 mét. Mỗi khi nhấc câu, ngư dân bắt được một chú cá bả trầu rất đẹp. Toàn thân cá đỏ rực, mắt to và sáng lóng lánh như ánh đèn, vi lưng dài. Đây là loại cá rất ngon, hiếm, thường sống ở các rạn san hô vùng biển khơi.

Trong đêm Macclesfield giữa biển Đông xa xôi thì phải luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp. Đó là vùng biển có nhiều loại cá lạ, ngư dân sẽ bội thu, cá giãy dụa trên boong tàu. Còn nếu chỉ nhớ những chuyện buồn ở Macclesfield thì dễ rơi vào cảm giác choáng ngợp. Vì có một “sự thật” mà các tàu đánh cá ra Macclesfield phải chấp nhận, đó là tàu SAR cứu nạn thông thường chỉ vươn ra tới Hoàng Sa, còn Macclesfield là nơi “ngư dân tự cứu mình”.

Cuối tháng 8 năm 2016, ngư dân Nguyễn Văn Lượng và Ngô Văn Khuân đi trên tàu cá QNg 96596 TS bị thương do nổ bình gas. Trung tâm tìm kiếm cứu nạn ở Đà Nẵng đã trả lời, tàu ở khoảng cách 350 hải lý là quá xa, không thể kịp cứu người. Một vụ việc xảy ra trước đó là tàu cá Trần Công Chi ở tỉnh Quảng Nam đi câu mực bị chết máy ở Macclesfield cũng rơi vào cảnh tương tự.

Tàu vỏ thép 67 đánh bắt ở Macclesfield

Nhắc lại câu chuyện này, ngư dân Trần Tương phân tích, kinh nghiệm đi biển thì ngư dân tự cứu nhau vẫn là phương án số 1. Khi ra khơi, tàu cá vỏ thép và một con tàu khác mang số hiệu QNg 91027 TS cùng đi cặp. Hai con tàu này luôn song hành cách nhau 7 hải lý và “a lô” kết nối suốt ngày đêm.

 

Nước lớn là… tàu hiện đại

Gần 23 giờ, mặt biển sôi lên vì những đàn cá to như những chiếc tràng nia liên tục di chuyển dưới ánh đèn pha trên tàu rọi xuống mặt biển xanh. Đàn cá đi thành từng cụm hình tròn hoặc ô van không tách rời nhau và bơi rất nhanh. Một đêm yên bình, vì Macclesfield không gợn chút sóng gió. Trước khi đi ngủ, các ngư dân đã điện vào cửa biển Kỳ Hà thông báo cho đoàn tàu gỗ dự định nhổ neo ra bãi ngầm: “Mi nói răng, ngoài ni hắn êm ru rù rù”.

Tôi từng nghe ngư dân Dương Diên ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là những thế hệ ngư dân đầu tiên cùng với ngư dân Quảng Nam đặt chân ra bãi ngầm kể lại, “ngoài bãi ngầm đó đánh hoài có hoài, cá đánh không hết. Bởi vì bãi san hô nằm giữa biển Đông nên các dòng chảy đưa cá tụ về sinh sôi hết năm này sang năm khác”. Theo ông Diên, cách đây 25 năm, ngư dân các nước đổ về vùng biển này như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và đông nhất là Việt Nam, còn hiện nay thì chỉ còn ngư dân Việt Nam bám trụ.

Thời trước, các ngư dân căn cứ vào mức độ hiện đại của tàu đánh cá để tự phân định ai là đàn anh. Tàu ngư dân Nhật Bản đi câu cá ngừ đại dương được trang bị hiện đại nhất, trên tàu luôn có gắn hệ thống vệ tinh và thiết bị đánh bắt tối tân. Bên cạnh đó là tàu cá Hồng Kông cũng được ngư dân xếp vào hàng đàn anh, sau đó là tàu cá Đài Loan. Tàu Trung Quốc thời trước cũng chỉ là tàu gỗ lạc hậu. Tại sao phân là đàn anh? Vì thỉnh thoảng các ngư dân Việt Nam lại xáp đến xin thêm lương thực và hỏi thăm tình hình thời tiết, thông tin này xem như chuyện sống còn.

Ngư dân Philippines có mặt ở Macclesfiel với vị thế yếu nhất. Họ đi trên những chiếc tàu rất nhỏ và thô sơ. Con tàu được gắn nhiều cọc sào dài vươn ra bốn phía. Những chiếc cọc đó khiến cho tàu chòng chành nhưng lại giúp cho tàu giữ thăng bằng. Mỗi khi tàu nghiêng lệch thì chiếc cọc dài đó đập xuống nước và hất tàu nghiêng trả lại. Ngư dân Philippines mỗi khi gặp ngư dân Việt Nam thì đều cập đến để xin mì tôm, nước ngọt. Nhận được lon bia 333, các ngư dân Philippines thường khoái chí và nói “bia Bác Hồ, Việt Nam number one”.

Khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay, tàu cá các nước rút dần, do lượng hải sản ở Macclesfield có dấu hiệu tụt giảm. Chủ nhân của bãi ngầm hiện nay là hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt Nam, tàu đánh lưới giã cào của Trung Quốc thỉnh thoảng mới xuất hiện.

 

Cá nục được trút xuống hầm cấp đông

Xứ sở yên bình

Ngư dân Nguyễn Tấn Đại thức giấc, châm điếu thuốc, nhìn ra biển đêm và cho biết, ngày thường ở Macclesfield, các ngư dân có thể quan sát các tàu cá khác trong đêm, cách nhau 5 – 7 hải lý. Nhưng vào những ngày mưa gió thì các ngư dân chỉ “nhìn thấy nhau” qua tiếng nói trên máy Icom. Vì sao trời động ngư dân phải trụ lại? Vì nếu chạy tàu không vô bờ thì mất 1.000 lít dầu, còn vô Hoàng Sa thì có khi bị đuổi chạy. Vì vậy, ngư dân phải cố trụ lại thả dù neo và trụ tới gió cấp 8 cấp 9. Tàu cá Trung Quốc trước khi chạy vô Hoàng Sa thì đưa tay vẫy vẫy. Nhưng họ cướp mất đảo của Việt Nam nên có chỗ để về núp gió, còn ngư dân Việt Nam phải “gồng mình” trên bãi ngầm, chấp nhận sống chung với bão.

Nhìn trên hải đồ, quần đảo Hoàng Sa, bãi ngầm Macclesfield, bãi cạn Scaborought gần nằm trên một trục thẳng. Đảo Hoàng Sa thì đang bị Trung Quốc chiếm giữ, bãi Scaborought nổi cũng được dự báo là sẽ nóng lên trước tham  vọng của Trung Quốc. Còn bãi ngầm Macclesfiel thì yên bình, là nơi ngư dân Việt Nam đã mưu sinh suốt 25 năm qua. Nhưng vài năm trở lại đây, tàu chiến Trung Quốc đột ngột xuất hiện đã báo hiệu lưỡi bò tham vọng đang nhăm nhe vùng biển yên bình.

Vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014, ngư dân đang hành nghề ở Macclesfield bất ngờ vì thấy tàu tuần tra Trung Quốc ra bãi ngầm và bắc loa rêu rao là vùng biển này thuộc Thành phố Tam Sa. Đó là những ngày hàng ngàn tàu cá ở Macclesfield xôn xao bàn tán chuyện bãi ngầm này không có chủ nhưng bây giờ có người ra giành. Thông tin trên được chuyển về làng chài khiến không khí trĩu nặng. Vì ngày thường, ngư dân bám trụ ở Hoàng Sa, nhưng nếu bị bắt bớ gắt gao thì lại lao ra Macclesfield và gọi đùa đây là xứ sở yên bình.

>> Hiện nay, hàng trăm tàu cá làm nghề lưới vây rút của bà con ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều có mặt tại vùng biển này. Khi tới Macclesfiel thì tinh thần đoàn kết thường được đẩy lên cao độ, vì đây là vùng biển quá xa xôi. Các ngư dân Quảng Nam kiến nghị, Nhà nước nên nâng cấp tàu cứu nạn để có thể vươn ra tận Macclesfield nhằm hỗ trợ ngư dân.

(Còn tiếp)

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!