Quy trình kỹ thuật được thực hiện gồm các bước sau:
– Diện tích ương 100 m2 (tùy theo từng hộ).
– Bể ương có dạng hình chữ nhật, được xây dựng bằng cách đấp đất trải bạt, chiều cao bể khoảng 80 cm và nghiêng 5 – 7% về phía thoát nước (ống xả Æ 60 – 90).
– Bể sau khi chuẩn bị xong tiến hành bơm nước vào bể ương, nước bơm vào phải qua lưới lọc để loại bỏ địch hại theo vào bể.
– Tạt vôi (CaO) với liều lượng 5 kg/100 m2 giúp lắng tụ phù sa, chất lơ lửng.
– Sau 3 ngày tiến hành gây màu bằng phân hữu cơ NPK và kết hợp thức ăn công nghiệp số 0.
– Khi tảo phát triển, tiến hành cho moina vào bể ương. Moina được vớt ở các thủy vực ngoài tự nhiên bằng vợt có kích thước mắt lưới 50 – 150 µm rồi cho vào bể để gây nuôi, với mật độ ban đầu là 10 cá thể/lít nước. Thức ăn sử dụng gây nuôi moina là thức ăn công nghiệp (số 0) có hàm lượng đạm 42%, liều lượng 200 g/100 m2, cho ăn lần 2 sau ba ngày thả nuôi.
– Các yếu tố môi trường thích hợp để moina phát triển là: pH 7 – 8, DO 3 – 3.5 mg/L, nhiệt độ 26 – 30oC.
– Lắp đặt hệ thống thổi khí 8 – 10 vòi thổi khí cung cấp oxy cho moina phát triển và cho tôm khi ương(tùy theo mật độ ương).
– Sau 7 – 10 ngày ương, kiểm tra mật độ moina tăng lên 50 cá thể/L nước bắt đầu tiến hành thả tôm vào ương.
– Cách kiểm tra mật độ moina:
+ Bằng cảm quan
+ Được xác định bằng cách lấy 3–5 mL mẫu, cố định với dung dịch cồn 70% và đếm tất cả Moina trong đĩa petri bằng kính hiển vi.
– Thả giá thể vào tạo nơi trú ẩn cho tôm (tàu dừa).
– Giống: giống tôm càng xanh toàn đực.
– Con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, không bị xây xát, có kích cỡ tương đối đồng đều.
– Bao chứa tôm giống chuyển về được cho vào bể để thuần hoá nhiệt độ khoảng 15 phút mới thả tôm ra bể ương.
– Thời gian thả tôm là sáng sớm.
– Mật độ thả ương: 500 con/m2.
– Thức ăn cho tôm là thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 40% và thức ăn gây nuôi sẵn trong bể ương để hạn chế làm dơ nước bể ương.
– Ngày cho tôm ăn 3 lần (sáng 6 – 7giờ, trưa 10 – 11 giờ, chiều 16 – 17 giờ), số lần cho tôm ăn theo phương pháp ương này ít hơn so với phương pháp ương củ 1 lần/ngày, lượng thức ăn cho tôm ăn 40 g/10.000 tôm/ngày và tăng dần theo thời gian ương.
– Cách cho tôm ăn: thức ăn cho tôm ăn trong suốt quá trình ương là thức ăn mảnh nên cần pha nước tạt đều xung quanh bể cho tôm ăn.
– Để đảm bảo oxy cung cấp cho tôm, máy thổi khí phải được hoạt động 24/24 giờ.
– Giữ mức nước trong bể 0.7m.
– Hàng ngày kiểm tra xung quanh bể ương xem có địch hại vào bể đẻ không để vớt trứng và loại bỏ ổ trứng.
– Theo dõi khả năng bắt mồi của tôm để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp không để dư thừa hoặc thiếu thức ăn vừa gây lãng phí, dơ nước vừa làm tôm chậm lớn và phân đàn.
– Thường xuyên kiểm tra hệ thống thổi khí, bảo đảm việc thổi khí liên tục ban đêm.
– Định kỳ 7 – 10 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay từ 20 – 50% tùy theo màu nước và thời gian ương.
– Sau mỗi lần thay nước, mưa lớn cần tạt vôi vào bể để giúp ổn định môi trường bể ương tránh gây sốc tôm.
– Thay giá thể mới để tôm trú ẩn khi thấy giá thể bị tảo và lab-lab bám vào.
– Sau 2 tháng ương thì tiến hành kéo chuyển sang ao nuôi thương phẩm.
– Trước khi thu hoạch 1 ngày thay 70% nước để kích thích tôm lột xác.
– Trước tiên xả bớt nước trong bể, sau đó dùng lưới kéo và dùng vợt mịn để vớt tôm, để thu hết toàn bộ tôm bằng cách xả lỗ thoát nước của bể để thu tôm.
Kết quả đạt được của mô hình: sau 2 tháng ương tôm đạt kích cỡ từ 3-5cm lớn hơn so kế hoạch là 2 – 3 cm, tỷ lệ sống đạt 75% cao hơn so kế hoạch đề ra 60%, tỉ suất lợi nhuận bình quân khoảng 60%.
Qua thực hiện nhận thấy quy trình kỹ thuật áp dụng cho mô hình là phù hợp, dễ áp dụng, dễ thực hiện, tuy nhiên hiệu quả của mô hình đem lại là khá lớn và người tham gia thực hiện xong mô hình có thể truyền đạt cho những người có nhu cầu ương, nuôi đối tượng này. Đáp ứng kịp thời con giống cho các vùng nuôi có thời gian ngọt hóa ngắn.
Nguyễn Minh Hiếu
Trung tâm Khuyến nông Bến Tre
Tài liệu tham khảo:
www.khuyennongvn.gov.vn/vi-VN/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-trong-nuoc/cai-tien-ky-thuat-uong-tom-cang-xanh-tu-tom-post-len-tom-giong-trong-be-lot-bat-cho-nong-dan-ben-tre_t114c40n18943