Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), năm 2021 khép lại với hàng loạt khó khăn do tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19 khiến chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra bị tác động mạnh. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời, tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, nhiều khó khăn, vướng mắc lần lượt được tháo gỡ, giúp duy trì được sản xuất, làm nên cú ngược dòng ngoạn mục khi đưa sản lượng cá tra đến cuối năm đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,1% và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD, tăng 8,4% so năm 2020.
Dự báo về thị trường cá tra năm 2022, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP lạc quan cho rằng, 4 thị trường chính của cá tra Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, EU, các nước CPTPP (chiếm 73,6%) đều có sự phục hồi tốt từ năm 2021 và sẽ còn tốt hơn trong năm 2022. Dự báo, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 sẽ tăng 20 – 22% và giá xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so năm 2021.
Điều này càng được củng cố thêm khi thông tin từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá cá tra trong nước luôn được các doanh nghiệp thu mua ở mức cao và hiện dao động quanh mức 30.000 đồng/kg và xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng dương trong tháng 1/2022.
Là một doanh nhân gắn bó với nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra nhiều năm, ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) cũng nhận định rằng, xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong năm 2022 và theo ông đây cũng là cơ hội tốt để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất ngành hàng vốn còn rất nhiều dư địa này. Ông Nguyễn Ngọc Hải, một dân nuôi cá tra lâu năm ở quận Ô Môn (Cần Thơ) cũng cho rằng, giá cá tra hiện đang khá tốt, người nuôi rất vui vì với mức giá như hiện nay họ có lãi khoảng 1 – 1,25 tỷ đồng/ha.
Bên cạnh sự phục hồi của thị trường nhập khẩu sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, một trong những nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng được cho là do tổng sản lượng khai thác cá minh thái Alaska trên toàn cầu trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm từ mức 3,49 triệu tấn vào năm 2021 xuống còn 3,22 triệu tấn, nên giá cá minh thái theo đó cũng được dự báo sẽ tăng cao hơn so với năm 2021. Điều này cộng với các chi phí nuôi, vật tư, lao động, logistics… đều tăng nên giá cá tra xuất khẩu được dự báo sẽ tăng và sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ có chỗ đứng tốt hơn trên thị trường thế giới.
Tuy các dự báo về sản lượng tiêu thụ cũng như giá cá tra trong năm 2022 đều cho rằng sẽ tăng cao so với năm 2021, nhưng cả ngành chức năng và doanh nghiệp đều hết sức thận trọng trước những khó khăn, thách thức trước mắt lẫn lâu dài của ngành hàng này.
Bà Tô Thị Tường Lan khuyến cáo, do giá nguyên liệu tăng cao, nên doanh nghiệp và thị trường nhiều khả năng sẽ có sự điều tiết về giá xuất khẩu và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề cân đối cung cầu, nhằm tránh tình trạng phát triển nóng để tăng độ an toàn, đảm bảo giá trị và lợi nhuận.
Bên cạnh những dự báo khó khăn về thời tiết, môi trường, thị trường và rào cản thương mại cũng được ông Như Văn Cẩn nhắc đến như là một trong những thách thức lớn đối với ngành hàng cá tra. Theo ông Cẩn, ngoài việc nối lại các hoạt động thanh kiểm tra trực tiếp của Cục thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với toàn chuỗi cá tra, thì Lệnh 248, 249 do Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có thể sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành hàng cá tra.
Cũng liên quan đến COVID-19, theo ông Trần Văn Hùng, tuy dịch đã giảm căng thẳng nhưng vẫn còn là thách thức cho chuỗi cung ứng cá tra, nhất là về chi phí. Ông Hùng dự báo: “Chỉ cần các loại chi phí, như: cước tàu biển, logistics, lao động… tăng thêm chút ít nữa thôi thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng thêm nhiều hơn nữa, thậm chí quay đầu giảm trở lại”.
Trước những thách thức trên, các đại biểu tham dự Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Cần Thơ ngày 25/2 đã có những kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục để phát triển ngành cá tra hiệu quả và bền vững. Nhiều giải pháp đã được đề ra như: quan trắc môi trường nước ở các điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường; xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung theo hướng áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt (VietGAP…), nhằm giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất; tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi đưa vào ao nuôi; kiểm tra, giám sát các loại thức ăn, thuốc, hóa chất ở các cơ sở kinh doanh thức ăn và vật tư thủy sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc vùng nuôi…