(TSVN) - Khó khăn nhất đối với sản xuất cá tra hiện nay là không đủ nhân lực tham gia chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm. Đáng ngại, nhiều địa phương đang còn hàng nghìn tấn cá quá lứa trong ao mà không bán được. Đây là bài toán khó với 6 tỉnh/thành nuôi cá tra tại vùng ĐBSCL đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT- TTg của Chính phủ.

Theo chia sẻ của các hộ nuôi cá tại tỉnh An Giang, cá tra giống hiện nay không chỉ giảm giá mà còn khó bán, vì người nuôi cá thương phẩm không thuê được ghe và tài công có đủ điều kiện di chuyển liên vùng do các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ đang áp dụng Chỉ thị 16. Hiện, cá giống có giá 19.000 – 20.000 đồng/kg (30 – 35 con), giảm 10.000 – 15.000 đồng/kg so trước khi có dịch. Không chỉ vậy, cá tra giống còn thiệt hại nhiều do vận chuyển lâu nên sau 2 tuần thả nuôi, lượng cá hao hụt tới 40 – 50%. Đối với cá tra thương phẩm, do nhiều nhà máy đóng cửa hoặc giảm công nhân còn 30% nên các doanh nghiệp tập trung thu hoạch cá tại vùng nuôi, hạn chế mua của nông dân bên ngoài. Vì vậy, giá cá tra thương phẩm hiện dao động chỉ 21.000 – 22.000 đồng/kg.

Sản xuất cá tra đang ngày một thua lỗ hơn do tác động sâu sắc từ đại dịch. Ảnh: Gia Bảo

 

Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT sáng 9/9, đại diện Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, hiện địa phương này đang còn 38.500 tấn cá tra quá lứa, trong khi 90% nhà máy chế biến của Cần Thơ phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. Mặt khác nhiều địa phương chỉ cấp giấy đi đường cho người làm dịch vụ, đi giao hàng mà không ưu tiên cho người sản xuất nên việc di chuyển từ nhà đến vùng nuôi đang gặp nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng khâu thu hoạch cá tra ách tắc, đội ngũ thu mua cá muốn di chuyển từ vùng này qua vùng khác phải cách ly 14 ngày, gây chậm trễ trong việc thu hoạch. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ chia sẻ, hiện, chỉ ưu tiên vaccine cho công nhân nhà máy chế biến mà chưa ưu tiên cho nhân công vùng nguyên liệu thì làm sao người dân có thể đi thu hoạch để phục vụ chế biến; trong khi đội thu hoạch cá tra phải cần đến 40 – 50 người, tùy quy mô vùng nuôi.

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.600 ha diện tích nuôi cá tra, trong đó có 567 ha đến kỳ thu hoạch, sản lượng ước gần 231.000 tấn. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, giá cá tra nguyên liệu hiện từ 20.500 – 22.000 đồng/kg, tuy tăng 500 đồng/kg so tuần trước, nhưng người nuôi vẫn lỗ gần 2.000 đồng/kg. Hiện lượng cá tra còn tồn tại ao của tỉnh tương đối nhiều do tình trạng thu hoạch khó khăn. Một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã cắt giảm sản lượng khi phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” chưa kể đa số doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động.

Công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện ước đạt 10 – 20%.Thống kê của VASEP cho thấy, có tới 50% công ty tại một số địa phương, vùng trọng điểm nuôi cá tra ở ĐBSCL phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của doanh nghiệp vượt size do các nhà máy chế biến ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Thời gian nuôi cá tại một số doanh nghiệp bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng chế biến từ đầu tháng 8/2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi thả cá gặp khó khăn. Có doanh nghiệp chỉ sắp xếp được để sản xuất “3 tại chỗ” tháng đầu tiên, tinh thần của công nhân hoang mang xin nghỉ nhiều khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong khi, tỷ lệ doanh nghiệp chế biến thủy sản được tiêm vaccine rất thấp. Nhiều nhà máy cố gắng thực hiện “3 tại chỗ” cuối cùng buộc phải ngưng hoạt động do phát sinh chi phí quá lớn.

Công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện ước đạt 10 – 20%.Thống kê của VASEP cho thấy, có tới 50% công ty tại một số địa phương, vùng trọng điểm nuôi cá tra ở ĐBSCL phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của doanh nghiệp vượt size do các nhà máy chế biến ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Thời gian nuôi cá tại một số doanh nghiệp bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng chế biến từ đầu tháng 8/2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi thả cá gặp khó khăn. Có doanh nghiệp chỉ sắp xếp được để sản xuất “3 tại chỗ” tháng đầu tiên, tinh thần của công nhân hoang mang xin nghỉ nhiều khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong khi, tỷ lệ doanh nghiệp chế biến thủy sản được tiêm vaccine rất thấp. Nhiều nhà máy cố gắng thực hiện “3 tại chỗ” cuối cùng buộc phải ngưng hoạt động do phát sinh chi phí quá lớn.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) cho biết, hiện nay, ngân hàng hỗ trợ lãi suất 0,5% cho những hàng hóa được giải ngân mới trong tháng 7 và 8/2021 là không đáng kể, chỉ là “hỗ trợ cho có lệ”. Mặt khác, Công ty thực hiện “3 tại chỗ” được gần 2 tháng, công nhân đi làm chỉ 30% so trước đây và đã được tiêm vaccine mũi 1. Khó khăn lớn của Công ty là do nằm giữa các tỉnh là Đồng Tháp – Cần Thơ – An Giang nhưng công nhân không qua lại được. Đến nay đơn hàng đã chậm 2 tháng rồi mà doanh nghiệp không thể đi từ Đồng Tháp sang An Giang để mua cá nguyên liệu.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn nêu một thực tế, hiện nay áp lực của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra là rất lớn, trong đó, việc di chuyển của người lao động, việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều nan giải. Cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ. Đã vậy, lực lượng thu hoạch cá tra khi vào địa phương thu mua cá bắt buộc phải cách ly 14 ngày thì làm sao đảm bảo tiến độ thu hoạch, chế biến. Trong khi lực lượng thu hoạch cá tra dù di chuyển sang nhiều địa phương nhưng họ đều đảm bảo các yếu tố dịch tễ, đã tiêm phòng vaccine, có giấy xét nghiệm đầy đủ, bà Khanh phân tích. Do đó, kiến nghị nên xem xét lại thời gian cách ly đối với công đoàn thu hoạch cá tra, về sản xuất “3 tại chỗ” nếu kéo dài doanh nghiệp sẽ không trụ nổi…

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp kiến nghị, sau 15/9, các ngành chức năng cần rà soát phương án “3 tại chỗ” để có phương án khôi phục tổ chức sản xuất và tăng quy mô. Đặc tính sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL có sự đan xen, di chuyển mạnh giữa các địa phương. Một số địa phương chỉ ưu tiên tiêm cho lực lượng dịch vụ cung cấp hàng thiết yếu, mà không ưu tiên cho đối tượng sản xuất, điển hình như nông dân. Bởi vậy, nếu không tiêm vaccine cho đội ngũ này thì rất khó tổ chức sản xuất lại. Do đó, các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ  NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Tổ công tác 970 sẽ tham mưu Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước. Trong đó, ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong và sau đại dịch COVID-19 để các địa phương có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, địa phương xem xét cho phép doanh nghiệp mở rộng “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện; chuyển từ phương án “3 tại chỗ” sang phương án “1 tuyến đường, nhiều điểm đến”. Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch “chăm sóc sức khỏe tại chỗ” và “ba xanh” (công nhân xanh, khu nhà ở công nhân xanh, nhà máy, cơ sở sản xuất xanh).

Bài: Hoài Phương; Đồ họa: Phạm Dương

error: Content is protected !!