Để có thể thực hiện được tốt vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản, việc nắm bắt được tình hình sử dụng nhựa trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến đặc biệt cần thiết.Chỉ như vậy mới có thể tìm ra giải pháp mấu chốt để ngành thủy sản quản lý được tốt điều này.

Trong một nghiên cứu mới đây, GS Hoàng Xuân Cơ, trưởng nhóm tư vấn chương trình xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2025, kết quả ước tính mức thải nhựa của một số loại hình nuôi trồng thủy sản tại Đồng Tháp, Sóc Trăng, Thanh Hóa cho thấy, đối với nuôi cá tra (tại Đồng Tháp) thì việc sử dụng nhựa trong sản xuất tương đối ít, vì trong quá trình nuôi người dân chỉ sử dụng ống nhựa dẫn chất thải, còn lại hầu như không có bạt (trừ một số ít hộ trải bạt trên bờ) trong khi các bao đựng thức ăn được các đại lý thu lại, do đó, trung bình rác nhựa tính trên sản lượng nuôi cá tra tại đây chỉ 7,53 kg/tấn cá tra thương phẩm.

Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm thâm canh (tại Sóc Trăng), thì tỷ lệ rác thải nhựa cũng không cao. Trong đó, tỷ lệ rác nhựa từ bạt (bạt lót trong mô hình nuôi tôm thâm canh – PV) chiếm trên 87%, còn lại là bao thức ăn,còn khâu thu hoạch thì đơn vị chế biến thực hiện nên không phát sinh. Do vậy, theo GS Hoàng Xuân Cơ, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại Sóc Trăng chỉ chiếm 30-40% tổng diện tích nuôi, nên hiện số lượng bạt sử dụng là 3.972,7 tấn (còn nếu lót toàn bộ diện tích thì khối lượng có thể lên tới 10.000 tấn).

Mô hình nuôi tôm trải bạt đang ngày càng nhiều. Ảnh: Phan Thanh Cường

Còn trong lĩnh vực chế biến, TS Trần Thị Dung, chuyên gia thủy sản, cho biết kết quả khảo sát năm 2019 số lượng cơ sở chế biến thủy sản cả nước là 784 cơ sở (tiêu thụ nội địa), sản lượng đạt 1,85 triệu tấn; có 3.280 hộ tham gia, giá trị chế biến đạt 22.694 tỷ đồng.Trong đó, việc sử dụng vật liệu nhựa nhiều nhất là trong khâu vận chuyển thủy sản tươi sống, ướp đá, ước tính khối lượng khoảng 2 triệu tấn, cùng đó là hàng chục nghìn thùng xốp và túi nilon khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

 Với ngành chế biến cá tra, khảo sát tại Công ty CP Vĩnh Hoàn cho thấy, mỗi năm việc phát sinh nhựa trong quá trình sản xuất khoảng 16 – 18 tấn/năm, nhưng ở các cơ sở khác có thể lên đến hàng trăm tấn/năm, thậm chí là hàng nghìn tấn.

Còn trong chế biến surimi, một lượng lớn rác thải là túi nilon. Với khoảng 6.000 tấn nguyên liệu để cho ra 1.000 tấn thành phẩm thì số lượng túi nilon cần dùng là 14,27 tấn/năm, tuy nhiên, phần lớn trong số này là rác thải gián tiếp, tức là phát sinh khi tiêu dùng trên thị trường.

Chia sẻ của các hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng cho thấy, toàn bộ rác thải nhựa trong quá trình nuôi sẽ được thu gom tại chỗ rồi đưa đến điểm trung chuyển, các công ty xử lý rác sẽ tiếp nhận, tiêu hủy bằng phương pháp đốt, điện khí hóa hay chôn lấp.

Vậy nhưng, vấn đề nổi cộm hiện nay là việc xử lý những chiếc bạt trong các mô hình nuôi tôm, đặc biệt tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đại diện Tổ chức IDH cho biết, bạt ngày càng được sử dụng nhiều trong nuôi tôm, thế nhưng, việc xử lý những chiếc bạt sau khi thải hồi tại các hồ nuôi không dễ, bởi các cơ sở thu gom, tái chế yêu cầu bạt phải được làm sạch và hạn chế tối đa nước trong đó.

TS Trần Thị Dung nhấn mạnh, hiện nay việc thay thế sản phẩm nhựa trong chế biến rất cần thiết, mặc dù điều này khá khó khăn khi thực hiện. Chẳng hạn, vấn đề sử dụng chai trong sản xuất nước mắm, giữa chai nhựa và chai thủy tinh chênh nhau tới 5.000-6.000 đồng, điều này không chỉ là liên quan đến cạnh tranh mà chi phí chênh này ai sẽ trả và giải quyết như thế nào? “Quan trọng, để quản lý tốt vật liệu nhựa trong các cơ sở chế biến thủy sản, trước tiên cần xây dựng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa trong chế biến”, TS Dung cho biết thêm.

Nhưng đây chỉ là một phần của vấn đề, bởi để giải quyết triệt để thì theo ý kiến của đại diện Tổ chức IDH“cần ràng buộc trách nhiệm để các nhà sản xuất thu hồi lại các bạt dùng trong nuôi tôm, từ đó tạo chuỗi để quay vòng sản phẩm”.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Hoàng Phượng, Tổ chức Policy (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhấn mạnh, việc gắn trách nhiệm với nhà sản xuất là giải pháp tốt nhất, bởi chỉ họ mới có biện pháp để tái sản xuất. Như thế, nhà sản xuất sẽ tự quản lý, tự vận hành chuỗi.

Gắn trách nhiệm của nhà sản xuất để chung tay giải quyết vấn nạn “ô nhiễm trắng” sắp tới sẽ được quy định chặt chẽ hơn. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục triển khai lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó, doanh nghiệp thủy sản sẽ có những quy định rất chặt chẽ.

Cụ thể, ngành thủy sản bị xếp vào mức 3 của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” của Phụ lục 5 “Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Trong đó, nhà máy có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên thì phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Về vấn đề này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng yêu cầu này sẽ khiến hầu hết các nhà máy phải đầu tư hệ thống quan trắc. Và để làm được điều này, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra hàng tỷ đồng để lắp đặt, chưa kể số tiền vài chục triệu đồng tiền vận hành theo định kỳ. Bởi trước đây, doanh nghiệp thủy sản đầu tư hệ thống theo quy định ở mức 1.000 m3/ngày.Cùng đó, tần suất quan trắc nước thải định kỳ sẽ là 1 tháng/lần thay vì quy định hiện hành là 3 tháng/lần. Do vậy, chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều sẽ đội lên khá nhiều. Chưa kể, nước thải nhà máy chế biến thủy sản đều là những chất từ tự nhiên, không gây độc hại mạnh như những hóa chất dùng trong các ngành công nghiệp khác.

Còn về khí thải, các doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị rằng đa số nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam làm hàng đông lạnh, chỉ một số ít nhà máy có công đoạn gia nhiệt (sản xuất đồ hộp, chả cá, tôm bao bột…) có sử dụng lò hơi.

Cùng với đó, chất thải rắn trong quá trình chế biến thủy sản chủ yếu là phế liệu từ thủy sản như xương cá, da cá, mỡ cá, vỏ tôm, đầu tôm, vỏ ngao, sò… hoặc một số túi nilon, bao bì carton… Các phế liệu này đa phần được cơ sở bên ngoài thu gom để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như thức ăn chăn nuôi, collagen… nên số lượng thải ra bên ngoài không nhiều.Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có những kiến nghị về quy định tái chế rác thải nhựa và đóng phí Quỹ bảo vệ môi trường…

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều để đưa đến sự thống nhất. Thế nhưng, quy định là cần phải có để làm cơ sở chung cho mọi hoạt động, đặc biệt khi vấn đề rác thải nhựa đang nhức nhối trên toàn cầu. Chỉ có điều, phải hài hòa lợi ích giữa các bên để vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thải gây “ô nhiễm trắng”, vừa không tác động mạnh đến tình hình chung của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi doanh nghiệp đang phải gồng mình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Hồng Hà

error: Content is protected !!