Logistics là một chuỗi các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, luân chuyển hàng hóa…; nhằm mục đích chuyển sản phẩm từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ở các vùng nông nghiệp trọng điểm của nước ta, dịch vụ logistics vẫn còn nhiều hạn chế, như: thiếu hệ thống kho bãi; số lượng kho lạnh không đủ đáp ứng nhu cầu bảo quản; các trung tâm logistics phân bố manh mún và đầu tư tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối. Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại ĐBSCL – vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.

Khảo sát của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, khu vực ĐBSCL có hệ thống sông, rạch dài hơn 28.000 km, trong đó 23.000 km có khả năng khai thác vận tải, chiếm 70% chiều dài đường sông cả nước, nhưng hiện có tới 70% lượng hàng hóa xuất khẩu mỗi năm phải chuyển về TP Hồ Chí Minh hoặc cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên rất nhiều. Đồng thời, kéo theo vấn đề lưu thông cũng vô cùng khó khăn và mất thời gian, dễ khiến hư hỏng các sản phẩm nông sản vốn có đặc thù tươi, sống. Trong khi, số kho lạnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ cũng không đủ đáp ứng nhu cầu về bảo quản nông sản, lại phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu tại Long An, Hậu Giang và Cần Thơ. Điều này gây khó khăn cho bảo quản nông sản khi thu hoạch rộ hoặc vào những thời điểm vận chuyển hàng hóa ách tắc như đang xảy ra trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này.

Thống kê của VASEP, trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 30 – 40% so cùng kỳ năm 2020. Tuy kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm chưa bị COVID-19 cao nên tính cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6% đạt 5,5 tỷ USD. Nhưng trong quý IV/2021, nếu xuất khẩu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của cả năm. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Hoạt động kinh doanh và nuôi trồng sẽ khởi sắc trở lại. Song vấn đề chi phí cho lưu kho, chí phí vận chuyển cao cũng vẫn còn là một vấn đề nan giải với ngành thủy sản.

Cần tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” để logistics trở thành “lực đẩy” kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Danangport

TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia thủy sản cho rằng, khó khăn lớn nhất trong đại dịch chính là vấn đều lưu thông hàng hóa tại ĐBSCL. Bởi nhìn bề ngoài là sự lưu thông bị đứt gãy, nhưng bên trong thì đó là sự yếu kém, đứt gãy của chuỗi logistics nông sản.

Còn nhớ thời điểm cá tra đang xuất khẩu rất tốt, hầu hết các doanh nghiệp làm ăn có lãi, vấn đề xây dựng cảng cá và hệ thống kho lạnh được quan tâm, nhiều doanh nghiệp hăm hở đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào cảng Hiệp Phước, TP Hồ Chí Minh. Song việc cá tra tiêu thụ khó trong thời gian dài làm cho quá trình hiện đại hóa chuỗi logistics của ngành cá tra nói riêng và của ngành thủy sản nói chung đã bị đình trệ. Thậm chí một số doanh nghiệp đầu tư kho lạnh hàng trăm tỷ đồng, thiết bị hiện đại nhưng đã bị phá sản. Khi không có hệ thống bến bãi kho lạnh đủ lớn, dịch bệnh xảy ra, các nhà máy không dám sản xuất nhiều, vì khó tiêu thụ. Do đặc trưng của việc kiểm định chất lượng xuất khẩu nên phần lớn kho lạnh ngành thủy sản phải gắn liền với các cảng biển. Các doanh nghiệp ngành thủy sản cho biết, do hệ thống kho bãi thiếu nên đa số doanh nghiệp phải vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục xuất khẩu. Đại diện Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú từng cho rằng, nếu có dịch vụ tiếp vận hậu cần hợp lý hơn, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL, không phải đưa lên TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, từ 30 – 40%.

Theo khảo sát của Công ty Armstrong & Associates (Mỹ), chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so các nước trong khu vực, cao gần gấp 2 lần so các nước phát triển; chủ yếu là chi phí vận tải, tương đương 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia khác chỉ khoảng 15%.

Nhà báo, nhạc sĩ Thanh Bình là một người biên tập bài vở cho một tạp chí logistics tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ngành logistics hiện đang thu hút sự quan tâm của giới doanh nghiệp, là một ngành tuy còn non trẻ nhưng có rất nhiều triển vọng”. Nhiều nhà đầu tư trẻ đã mạnh dạn bước vào lĩnh vực logistics, đầu tư hệ thống xe vận tải quy mô, làm dịch vụ về thủ tục xuất, nhập khẩu, thuế… cho lợi nhuận rất cao. Tuy vậy, nhìn chung, hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ phát huy chủ yếu trong địa bàn nội địa. Còn với lĩnh vực xuất khẩu, tuyệt đại đa số phụ thuộc vào các công ty nước ngoài, đa quốc gia. Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài hiện chi phối 75% thị trường logistics dành cho xuất khẩu ở Việt Nam.

Vấn đề đầu tư phát triển dịch vụ logistics đã được Chính phủ quan tâm nhằm giải tỏa những khó khăn ách tắc cho xuất khẩu sản phẩm trong nước, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Theo Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5 – 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 – 20%, chi phí logistics giảm xuống từ 16 – 20%…

Để hóa giải những thách thức của ngành logistics hiện nay, Bộ Công thương đã yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện tại, ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại hiện có. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics, nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng cường thương mại điện tử, sàn giao dịch, thanh toán online. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics, tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA, CPTPP và RCEP. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh tuyên truyền về logistics cho các cấp, ngành và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp ngành thủy sản đều mong đợi chủ trương của Chính phủ, Bộ Công thương sớm thành hiện thực, giúp giảm chi phí logistics để giảm giá thành xuất khẩu trong thời gian tới. Đồng thời, Chính phủ và các ban, ngành sẽ sớm có những bước đầu tư xây dựng hiện đại hóa ngành logistics của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, xuất khẩu trong trạng thái “bình thường mới”.

error: Content is protected !!