Dù chưa mạnh, nhưng trước dấu hiệu phục hồi của thị trường, nên ngay từ khi bước vào quý III/2023, các doanh nghiệp ngành tôm đã bắt đầu khởi động chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc với hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, từ tháng 5, xuất khẩu tôm đã có dấu hiệu hồi phục và bắt đầu sáng hơn từ tháng 6. Đây là tín hiệu tốt, là ánh sáng lóe lên trong bối cảnh đầy u ám. Dù tín hiệu này sẽ diễn ra chưa mấy rõ ràng, nhưng có một số yếu tố tạo nên sự hồi phục ban đầu. Bởi dựa vào đánh giá từ VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang phục hồi khá tốt. Riêng tôm (mặt hàng chủ lực với kim ngạch chiếm từ 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản) đã thu hẹp đà giảm từ 34% trong tháng 5 xuống còn 29% trong tháng 6 so cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch Việt Nam xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đang có dấu hiệu cải thiện và đạt 68 triệu USD giảm 31% so cùng kỳ, tăng 24% so tháng trước trong tháng 5/2023, đây là tháng thứ 4 liên tiếp ngành xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng theo tháng. Theo VASEP, giá tôm có xu hướng chạm đáy và ngành xuất khẩu tôm sang Mỹ có thể phục hồi sau nửa cuối năm 2023, khi mùa cao điểm xuất khẩu là vào cuối quý III/2023.

 

Theo ghi nhận, hiện tình hình nuôi tôm ở Trung Quốc rất khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, giá tôm nguyên liệu giảm nên Trung Quốc sẽ vẫn tăng cường nhập khẩu tôm từ nước ngoài. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc dần phục hồi trở lại với lượng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá tôm nhập khẩu vẫn ở mức thấp trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy giảm. Trước những diễn biến về tình hình sản xuất và nhập khẩu tôm của Trung Quốc, tôm Việt Nam đang có những cơ hội phục hồi xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này. Báo cáo của VASEP cho thấy trong tháng 5, Trung Quốc đứng thứ nhất về thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23%, đạt 78 triệu USD, kim ngạch cao nhất kể từ đầu năm nay. Con số này vẫn ghi nhận tăng trưởng âm nhưng tốc độ giảm đã ít hơn so với những tháng trước đó (tháng 3 ghi nhận mức giảm 40%, tháng 4 giảm 22%, tháng 5 giảm 11%).

 

Ông Lực chia sẻ: “Đối với Sao Ta, tháng 6 là tháng xuất khẩu tôm tốt nhất và theo dự báo, cung tôm thế giới từ nay đến cuối năm sẽ giảm, trong khi các nhà nhập khẩu cũng đã giảm tồn kho khá nhiều và mùa lễ hội, Noel, Tết Dương lịch… cũng cận kề và đặc biệt là giá tôm hiện đang thấp nên chắc chắn nhà nhập khẩu sẽ tăng cường nhập hàng, xuất khẩu tôm sẽ từng bước được phục hồi từ nay đến cuối năm”.

 

Cũng theo ông Lực, giá tôm thế giới đã chạm đáy ngoài sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các cường quốc nuôi tôm, cho thấy giá không thể giảm hơn nữa, đây cũng là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán dự trữ hàng, nên xuất khẩu chắc chắn sẽ được cải thiện nhiều so với 6 tháng đầu năm. Ngoài các yếu tố trên thì thời gian tới cũng là mùa tiêu thụ cao điểm do có lễ hội và nhất là kế hoạch cho tiêu thụ Noel và mừng năm mới. Giai đoạn này hàng chế biến sâu chiếm ưu thế tiêu thụ hơn so với hàng sơ chế hay chế biến cấp thấp. Hàng tinh chế là lợi thế của các doanh nghiệp tôm chúng ta.

 

Còn như theo chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, chúng ta có cơ sở để lạc quan, nhưng chỉ nên lạc quan chút thôi, với hy vọng xuất khẩu tôm cả năm 2023 dù khó đạt như kỳ vọng nhưng cũng đạt ít nhất khoảng 3,5 – 4 tỷ USD cũng xem như đã thành công.

Trong khi doanh nghiệp bắt đầu lạc quan hơn về xuấtkhẩu tôm 6 tháng cuối năm thì người nuôi tôm vẫn mang tâm trạng bất an, thậm chí là hoài nghi vì giá tôm đến giờ này chẳng những không tăng mà còn liên tục giảm trong nữa đầu tháng 7 này.

 

Anh Thái Sứ Cơ, một hộ nuôi tôm mật độ cao ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, tâm sự: “Giá tôm thời gian qua khiến ngay cả những người nuôi theo mô hình lót bạt có tỷ lệ thành công cao như tôi cũng cảm thấy nãn vì chỉ cần sơ sẩy chút thôi là coi như không có lời, thậm chí là thua lỗ. Gần đây, nghe tin xuất khẩu có sự khởi sắc người nuôi tôm cũng mừng nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy giá tôm nhích lên được chút nào. Chẳng những vậy, giá tôm thẻ cỡ lớn trước đây còn khá giờ cũng bắt đầu giảm theo, nên nhiều người nuôi không còn tâm trạng nghĩ tới chuyện thả nuôi tiếp nữa”.

 

Không chỉ bất an với giá tôm, mà thời tiết, dịch bệnh từ nay đến cuối năm cũng là một trong những vấn đề làm cho người nuôi thêm chùn tay trước quyết định thả nuôi vụ mới. Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, cho biết: “Độ mặn tại các kênh cấp nước vùng nuôi bây giờ rất thấp, trong khi mùa mưa ở Sóc Trăng đang vào cao điểm. Theo tin dự báo thời tiết thì từ tháng 7 – 9, sẽ có khoảng 2 – 4 cơn bão hoặc áp thấp nhiết đới trên Biển Đông nên việc nuôi tôm sẽ còn hết sức khó khăn. Đó là chưa kể đến dịch bệnh trên tôm trong mùa mưa này cũng là một trở ngại rất lớn cho người nuôi tôm”. Do đó, cái khó, cái cần quan tâm hiện nay đối với ngành tôm là làm sao thuyết phục được người nuôi tôm an tâm tiếp tục thả giống nuôi từ nay đến cuối năm. Đây quả thật là một bài toán quá khó, đòi hỏi thời gian cũng như sự chung tay của cả chuỗi ngành hàng, cùng sự hỗ trợ và quản lý nhà nước.

Nhìn vào kết quả thả nuôi từ đầu quý II/2023 đến nay có thể thấy, nguồn cung tôm nguyên liệu từ nay trở đi sẽ giảm so với cùng kỳ, nhưng cũng không quá áp lực đối với doanh nghiệp.

 

Tại ĐBSCL, các tỉnh nuôi tôm trọng điểm như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang tuy diện tích thả nuôi TTCT có giảm, nhưng bù lại số diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh có phần tăng. Đây cũng chính là nguyên nhân giúp nguồn cung tôm nguyên liệu trong khu vực khá ổn định từ đầu năm đến nay, kể cả khi giá tôm xuống thấp. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, với lượng hợp đồng từ nay đến cuối năm không quá lớn, công thêm nguồn tôm bock dự trữ khá nên áp lực về nguyên liệu sẽ không quá lớn cho giai đoạn đầu quý III này. Tuy nhiên, nếu tình hình thả nuôi không được cải thiện, áp lực nguyên liệu sẽ tăng lên từ cuối quý III hoặc chậm nhất là đầuquý IV/2023.

 

Điều khó khăn trong việc thuyết phục người nuôi an tâm tiếp tục thả giống không chỉ đến từ trở ngại do thời tiết, dịch bệnh, mà chủ yếu là chi phí đầu tư cao, nhưng giá tôm hiện đang đang ở mức quá thấp. Với góc nhìn của doanh nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu, theo ông Lực, nhưng khó khăn của người nuôi tôm hiện nay càng cho thấy liên kết trong chuỗi ngành hàng để giảm giá thành là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, theo ông Lực, các doanh nghiệp có ý thức cho sự phát triển lâu dài, thể hiện qua hoạt động có bài bản, có chiến lược… sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn so với các doanh nghiệp chỉ lo toan hoạt động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ tăng chỉ là một tín hiệu tốt nhưng chưa hẳn bền vững. Cái quan tâm hơn cả, làm sao thuyết phục được người nuôi tôm an tâm thả giống nuôi tới đây.

 

Theo các chuyên gia, các địa phương cần vận động người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi tôm, nhưng thả với mật độ thưa và tiến hành thu hoạch thành nhiều đợt để tranh thủ bán tôm vào thời điểm giá cao. Cũng như, góp phần giữ vững diện tích nuôi, chủ động tránh hư hỏng ao nuôi và trang thiết bị. Cần tổ chức thu hoạch nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu của thị trường và giảm bớt chi phí đầu tư thông qua các cỡ tôm từ trung bình về lớn, phương án có thể 50% thu ở cỡ vừa, 30 – 40% về cỡ trung và 10 – 20% nuôi lên cỡ lớn.

 

Trước đó, Vasep đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp mua dự trữ nguyên liệu để xuất khẩu sau 3 – 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao.

error: Content is protected !!