Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 29,13 tỷ USD, đang dần tiến đến mốc mục tiêu 55 tỷ USD cả năm 2023. Hiện, hàng nông, lâm, thủy sản được xuất khẩu chủ yếu sang châu Á (chiếm 48,3%), châu Mỹ (22,4%) và châu Âu (11,3%). Song, tính đến hết tháng 7 năm nay, riêng thị trường châu Á ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 2,3%; châu Mỹ và châu Âu giảm mạnh, lần lượt ở mức 29,2% và 13,3% so cùng kỳ năm 2022. Tính theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023. Nhưng chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2022; còn xuất khẩu sang Mỹ giảm 29,3% và Nhật Bản giảm 6,9%. 

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, toàn ngành vẫn duy trì xuất siêu 5,88 tỷ USD và các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế. Trong đó, có 4 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so cùng kỳ là rau quả, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%.

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước xuất siêu 15,23 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng nông sản xuất siêu cao như: gỗ và sản phẩm gỗ 5,9 tỷ USD; thủy sản 3,4 tỷ USD; rau quả 2,1 tỷ USD… Trong bối cảnh chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp bị suy giảm với mức tính chung 7 tháng năm 2023 ước giảm 0,7% so cùng kỳ năm 2022, thì sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp vẫn duy trì tốt là một thành tựu đáng kể.

 

Với lĩnh vực thủy sản, tính chung bảy tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt gần 5,1 triệu tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2022, bao gồm: cá đạt hơn 3,6 triệu tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 673 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khác đạt 751 nghìn tấn, tăng 1,3%. Trong điều kiện xuất khẩu thủy sản hai quý đầu năm 2023 liên tục sụt giảm, thì việc các hộ nuôi trồng vẫn duy trì sản xuất là nỗ lực rất lớn. Riêng tỉnh Bạc Liêu – vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước, tính từ đầu tháng 7/2023 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm từ 4 – 18%. Người nuôi đã phải tính nhiều cách làm mới, phù hợp với kinh tế hộ gia đình; áp dụng công nghệ mới để tối ưu hóa chi phí nhằm bảo đảm có lãi…

 

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu thủy sản thời gian tới có nhiều khả năng phục hồi tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, nên người nuôi có nhiều cơ hội tăng thu nhập khi bảo đảm nguồn cung thủy sản chất lượng.

Trong 2 kịch bản xuất khẩu những tháng cuối năm, VASEP đã hạ mục tiêu xuất khẩu xuống thấp hơn nhiều so với năm 2022. Cụ thể, ở kịch bản 5 tháng cuối năm xuất khẩu thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15 – 16% so năm 2022. Trong đó, cá tra giảm 28% đạt 1,7 – 1,8 tỷ USD; cá ngừ, mực và bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14 – 15% đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD… Ở kịch bản kém lạc quan, xuất khẩu có thể chỉ mang về 8,5 – 8,7 tỷ USD. Xuất khẩu hải sản sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của EC tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ “thẻ vàng”.


Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, các doanh nghiệp thủy sản cần giữ liên hệ chặt chẽ đối với các nhà nhập khẩu, giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn. Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn phục hồi. Từ nay đến cuối năm, đặc biệt quan tâm tới thị trường Trung Quốc, bởi thị trường này phục hồi tương đối nhanh.


Về hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề về thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU…; tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết các đơn hàng mới. Tuy nhiên, các ngành hàng cũng cần bảo đảm các yêu cầu cần thiết cho xuất khẩu, như ngành thủy sản cần tập trung kiểm soát hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU; ngành lâm nghiệp triển khai tín chỉ carbon rừng khu vực Bắc Trung bộ và thúc đẩy chứng chỉ quản lý rừng bền vững; ngành trồng trọt ổn định sản lượng lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nắm bắt thời cơ xuất khẩu.


Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, về dài hạn, Bộ ưu tiên chỉ đạo triển khai hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai: “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025”; “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ”; “Thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030”…

error: Content is protected !!