Chia sẻ tại Hội nghị công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá, do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 25/11; bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Thủy sản thông tin, hiện nay khâu kiểm soát giữa cảng cá và hoạt động chế biến còn chưa chặt chẽ, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, quản lý dữ liệu còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng. Chúng ta chỉ giám sát sản lượng chung một số loài có chứng nhận và chưa tách loài cụ thể. Ví dụ như cá ngừ đại dương mắt to vì sản lượng ít nên nhiều cảng lại gộp vào cá ngừ vây vàng, cá ngừ đại dương cùng một loại. Hệ lụy của vấn đề này là chúng ta chưa phân tích dữ liệu loài tiếp nhận qua cảng cũng như theo dõi sự tăng giảm sản lượng bất thường ra sao.

Đại diện Cục Thủy sản cho rằng, việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá vẫn còn một số tồn tại, không ít khó khăn như: Nguồn nhân lực của các tổ chức quản lý cảng cá hiện rất thiếu và chưa được đào tạo chuyên môn; chưa có phần mềm cơ sở dữ liệu về các cảng cá, kết nối hệ thống cảng cá, chia sẻ thông tin giữa các cảng cá để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Đáng lo hơn nữa là tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị VMS dẫn đến không thể kiểm soát được đầy đủ hoạt động của đội tàu, nên việc theo dõi, xác nhận, chứng nhận không đảm bảo đủ dữ liệu theo quy định. Ngoài ra, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng hải sản qua cảng và thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU khi phát hiện tại cảng cá còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm; kiểm soát, giám sát sản lượng thủy sản lên bến (cập cảng) còn nhiều hạn chế, thậm chí nhiều cảng còn xuất hiện tình trạng kiểm soát, giám sát gián tiếp thông qua các đầu mối, thu mua sản phẩm thủy sản… 

 

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý – Khai thác các công trình thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho hay, việc tuyên truyền, vận động và nâng cao ý thức cho người dân và ngư dân được xem là giải pháp hàng đầu để xây dựng cảng cá “xanh”. Theo đó, cần phải tổ chức cho các chủ tàu, chủ xe, thương nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ buôn bán tại cảng ký cam kết về bảo vệ môi trường. Các lực lượng chức năng như Biên phòng, Cảnh sát Môi trường, phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nghiêm khắc xử lý các vi phạm, từ đó tạo hiệu quả răn đe nhất định.

Dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ NN&PTNT xây dựng, đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, và 54 cảng cá loại III. Vùng biển miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) sẽ là nơi tập trung nhiều cảng cá nhất cả nước, với 82 cảng; vùng biển vịnh Bắc bộ có 45 cảng cá, vùng biển Đông Nam bộ có 33 cảng cá, và vùng biển Tây Nam bộ có 13 cảng cá. 

 

Cả nước cũng sẽ có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 30 khu cấp vùng và 130 khu cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng trên 90.000 tàu cá. Vùng biển miền Trung cũng sẽ là nơi có nhiều khu neo đậu tránh trú bão, với 73 khu; các vùng biển vịnh Bắc bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ có lần lượt 47, 24, và 16 khu neo đậu tránh trú bão. Đến năm 2050, dự kiến nâng tổng số cảng cá trên toàn quốc lên 180, trong đó có 39 cảng cá loại I, 87 cảng cá loại II và 54 cảng cá loại III. Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 là 6.124 ha, trong đó tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.050 ha. Trong giai đoạn 2021 – 2025, sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ các cảng cá tại các trung tâm nghề cá lớn; các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng…

Bộ NN&PTNT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là gần 58.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 cần trên 18.000 tỷ đồng. 

 

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, các cảng cá sẽ được chú ý tới vấn đề môi trường và phát triển tích hợp. Thủ tướng Chính phủ đã ký đề án về môi trường trong thủy sản. Hiện nay, ngành thủy sản cùng với các đơn vị đang làm thí điểm rất nhiều ở các cảng cá và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, theo ông Luân, để làm tốt công tác quản lý tại cảng cá, bên cạnh việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, cần phải ổn định tổ chức bộ máy tại các cảng cá, ưu tiên đào tạo bồi dưỡng các cán bộ làm việc tại cảng cá để có đủ trình độ chuyên môn, thực hiện tốt công tác giám sát sản lượng, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng. Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại quy trình phối hợp giữa cảng cá và các Văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá đặt tại các cảng cá, để khi phát hiện các vấn đề tồn tại có biện pháp xử lý kịp thời. 

 

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, nạo vét luồng lạch các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; bổ sung nguồn lực cho cơ quan quản lý thủy sản, tổ chức quản lý tốt các cảng cá và phát huy vai trò của ngư dân trong việc tham gia quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU. Đặc biệt, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác IUU tại cảng cá, về gian lận hồ sơ xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác… 

 

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch sáng 23/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, làm quy hoạch là việc rất khó vì phải tính cho tương lai trong khi còn có nhiều quy hoạch đan xen với nhau, thậm chí xung đột với nhau, và việc lập quy hoạch thực tế chưa phải là thế mạnh. Tuy nhiên, phải có quy hoạch mới có cơ sở để thực hiện các hoạt động đầu tư hệ thống cảng cá, khu tránh trú bão cho tàu cá. Bản chất của quy hoạch là vạch ra định hướng cho tương lai, nên phải tính đến những yếu tố của tương lai. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

error: Content is protected !!