Đó là những nhận định của các đại biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 và ký kết quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022 do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 11/3.

Thông tin về tình hình xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm và dự báo thị trường cả năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tạo nên sự bất ngờ và cũng hết sức ấn tượng khi đạt giá trị kim ngạch gần 1,5 tỷ USD, tức tăng 51,1% so cùng kỳ; trong đó, thị trường Mỹ có mức tăng cao nhất đến 84%. Theo dự báo, các thị trường lớn nhất sẽ nhanh chóng phục hồi nhu cầu (ngoại trừ Trung Quốc cần thêm thời gian) và vấn đề kẹt cảng ở Mỹ sẽ được giải quyết trong tháng 6 tới đây. Tuy nhiên, khả năng lạm phát sẽ làm tăng giá thành, kéo theo giá bán tăng tác động đến các đơn hàng trong năm. Nhìn chung, các dự báo đều nghiêng về khả năng thị trường tôm thế giới năm 2022 sẽ tăng 10 – 22%. Với những phân tích trên, VASEP dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu tôm cả nước năm 2022 sẽ vượt mức 4 tỷ USD, tức tăng khoảng 10 – 12%.

Đối với tình hình nuôi tôm trong nước, theo báo cáo từ các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn, như: Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đều cho thấy rất lạc quan cả về tiến độ thả nuôi lẫn mức độ thành công. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, 2 tháng đầu năm nay, nhờ hệ thống thủy lợi Cái lớn, Cái bé vận hành tốt nên thiệt hại tôm nuôi không đáng kể so với mọi năm và phần lớn diện tích đã thả nuôi đang phát triển khá tốt. Hiện tỉnh đang thí điểm đầu tư cho một doanh nghiệp nuôi tôm lấy nước trực tiếp từ biển vào khu nuôi bằng hệ thống bơm tạo áp để cải thiện môi trường nguồn nước nuôi tôm nhằm gia tăng tỷ lệ thành công. Tại Sóc Trăng, theo ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, hiện tiến độ thả tôm đang tăng lên hàng tuần nhờ thời tiết, môi trường thuận lợi và giá tôm đang cao.

Đồng tình với phân tích trên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2022 ngành tôm vẫn chưa hết khó, nhưng cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều có kinh nghiệm thích ứng và vượt khó ngày một tốt hơn nên dư địa để ngành tôm đạt được mục tiêu 980.000 tấn tôm nước lợ trong vụ nuôi năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Điều này được thể hiện qua tiến độ thả nuôi và tình hình phát triển tôm trong 2 tháng qua là rất khả quan, doanh nghiệp vẫn có đủ tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu chứ không thiếu hụt như những năm trước. Tuy nhiên, đạt mục tiêu trên, các địa phương, cơ quan trực thuộc Bộ cần tập trung thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý con giống, quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh thông tin, truyền thông chuyển giao khoa học công nghệ… Thứ trưởng Tiến kết luận: “Dư địa ngành tôm chúng ta còn dồi dào, chỉ cần chúng ta nâng tỷ lệ nuôi tôm thành công lên thêm 5% thì đã có thêm một lượng tôm rất lớn. Thời cơ chúng ta đang có, nên vấn đề cần hiện nay là cần có những thay đổi nhất định cả về tư duy lẫn cách làm thì mới biến dư địa và thời cơ thành hiệu quả như mong đợi”.

Theo kế hoạch năm 2022 được Tổng cục Thủy sản xây dựng, diện tích nuôi tôm 750.000 ha (tôm sú 625.000 ha, TTCT 125.000 ha); sản lượng tôm các loại 980.000 tấn, trong đó tôm sú 275.000 tấn, TTCT 675.000 tấn, còn lại là tôm khác. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản cũng nhìn nhận, ngành tôm vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần giải quyết cả trước mắt lẫn lâu dài. Đó là nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, điện… Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao, nên dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Ngoài ra, vẫn còn một số thách thức mới về xuất khẩu, đặc biệt là những dự báo của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GAA) về sản lượng tôm của thế giới năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2021, sản lượng tôm của tỉnh tăng 4,1% và xuất khẩu tôm đạt khoảng 1 tỷ USD, nhưng ngành tôm hiện vẫn còn một số khó khăn về quản lý chất lượng con giống, chi phí đầu vào, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường… mà nguyên nhân là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Liên quan đến vấn đề tôm giống bố mẹ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đã mấy thập kỷ nuôi tôm rồi mà đến nay chúng ta vẫn chưa thể chủ động hoàn toàn nguồn tôm giống bố mẹ mà phần lớn đều phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây thật sự là vấn đề nhức nhối, là sự trăn trở của lãnh đạo ngành. Theo Thứ trưởng Tiến, để tận dụng tốt cơ hội và khắc phục khó khăn, thách thức trong vụ tôm năm nay, các đơn vị và địa phương cần tập trung giải quyết tốt các khâu: quản lý chất lượng tôm giống, cấp mã số cơ sở nuôi, phòng chống dịch bệnh… “Qua kết quả thống kê cho thấy, trong số diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có đến 2/3 thuộc mô hình tôm – lúa hay quảng canh, quảng canh cải tiến, chỉ có 1/3 là mô hình thâm canh, bán thâm canh. Điều này cho thấy, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng yếu cầu, mầm bệnh còn lưu hành cộng thêm thời tiết thất thường làm cho tôm nuôi ở các mô hình cấp thấp rất dễ thiệt hại” – Thứ trưởng nêu vấn đề.

 

error: Content is protected !!