Khởi sự với phương châm “Đồng hành trên từng cây số cùng bà con, doanh nghiệp kể cả khi trái gió trở trời hay được mùa trúng giá”, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã gan chí, bền lòng cùng với ngành thủy sản suốt 15 năm qua. Nhân Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023) và Kỷ niệm 15 năm thành lập Tạp chí Thủy sản Việt Nam, Tổng Biên Tập (TBT) Tạp chí – Nhà báo Dương Xuân Hùng đã có cuộc chia sẻ về hành trình này.
PV: Thưa ông, trong 15 năm hình thành và phát triển, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã khẳng định được vị trí nhất định trong ngành thủy sản và “làng báo” Việt Nam. Trong hành trình đó, bên cạnh những thành tựu đạt được chắc hẳn có không ít thăng trầm. Ông có thể chia sẻ đôi lời về chặng đường đã qua của Tạp chí?
TBT Dương Xuân Hùng: Lời đầu tiên, thay mặt tập thể Tạp chí Thủy sản Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng tới tập thể tòa soạn, các anh em phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên đã và đang gắn bó với Tạp chí, gây dựng được thương hiệu Tạp chí Thủy sản Việt Nam như ngày hôm nay. Đồng thời, cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các cấp ngành, Hội Nghề cá Việt Nam, các doanh nghiệp và bạn đọc đã luôn ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi trong suốt một thập kỷ rưỡi vừa qua.
Chặng đường phát triển với mỗi đơn vị có lẽ đều có những thăng trầm. Riêng đối với Tạp chí Thủy sản Việt Nam, khó khăn đến với chúng tôi ngay từ những ngày đầu, từ tài chính đến bộ máy vận hành, cách thức tiếp cận độc giả, việc tìm và tạo mối liên kết với đối tác, doanh nghiệp…; tuy nhiên chúng tôi lại rất may mắn khi có thiên thời, có địa lợi lại có nhân hòa. Cùng với đội ngũ người làm báo rất tâm huyết với nghề là sự ủng hộ rất nhiệt tình của lãnh đạo ngành thủy sản qua các thời kỳ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, bà con nông dân, ngư dân trên cả nước. Chính vì lẽ đó, mọi khó khăn ban đầu chỉ như thử thách, và các sản phẩm đầu tay của chúng tôi chính là kết quả của bản lĩnh ấy.
Những ấn phẩm báo giấy nhanh chóng thu hút được lượng độc giả riêng và tạo được ấn tượng rất tốt. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã bấm nút để ra mắt trang điện tử www.thuysanvietnam.com.vn, điều này đã ghi một dấu ấn rất sâu sắc. Với giao diện đậm chất hiện đại, nội dung phong phú, chất lượng chính là màu sắc mới mà Tạp chí Thủy sản Việt Nam mang đến cho bức tranh ngành thủy sản nói riêng, cũng như “làng báo chí” nói chung.
Hội Nghề cá Việt Nam chúc mừng Tạp chí Thủy sản Việt Nam nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
PV: Ông có thể nêu một số thành tựu đã đạt được trong quá trình phát triển Tạp chí và đã có những động lực nào khiến ông duy trì đam mê với nghề và đạt được những thành tựu trên?
TBT Dương Xuân Hùng: Qua 15 năm gây dựng và phát triển “mối duyên” giữa báo chí và ngành thủy sản, uy tín, thương hiệu của Tạp chí Thủy sản Việt Nam ngày một tăng cao và có chỗ đứng trong cộng đồng người làm thủy sản. Không chỉ phát huy tốt thành quả đạt được trên các ấn phẩm báo chí, chúng tôi đã xây dựng và tổ chức thành công nhiều chương trình sự kiện có tiếng, như: Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam (Vietnam AquaAwards), Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp), cuộc thi viết Gương điển hình lao động giỏi ngành thủy sản…. Cùng đó là rất nhiều các chương trình hội thảo, diễn đàn ngành thủy sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Gắn bó với lĩnh vực thủy sản tới ngày hôm nay, thành tựu lớn nhất mà tôi có được là những lần chung tay “làm sạch” thông tin cho các đơn vị doanh nghiệp chính thống trước bão tin hay khủng hoảng truyền thông. Đó là khoảng thời gian chúng tôi đã phải lặn lội tới nhiều đơn vị khác nhau, giải thích và cung cấp những thông tin khách quan, thậm chí là mời các nhà quản lý cùng vào cuộc… Sau mỗi sự kiện như vậy, chúng tôi như được tiếp nối niềm đam mê và vững tin hơn để làm nghề. Đó vừa là công việc, vừa là trách nhiệm của Tạp chí với ngành, với những người bạn lớn.
PV: Cùng với sự khẳng định về nội dung ấn phẩm, trong những năm qua, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng đã gây ấn tượng rất lớn khi đặt những dấu ấn trong nhiều chương trình sự kiện mà Tạp chí thực hiện. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
TBT Dương Xuân Hùng: Với mong muốn làm cầu nối giữa người nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, tôi luôn canh cánh trong mình việc phải làm gì hơn nữa cho ngành thủy sản nước nhà, cho các doanh nghiệp và bà con nông dân, ngư dân. Vậy nên, việc triển khai, thực hiện những sự kiện có ý nghĩa thực chất là một trong những hành động Tạp chí đóng góp cho ngành thủy sản nước nhà. Thế nhưng trước những thành công đã đạt được, chúng tôi cũng một phần bất ngờ, một phần thấu hiểu lý do các chương trình sự kiện của Tạp chí đã gây ấn tượng lớn trong lòng người tham dự. Cụ thể, đó là nhờ tâm huyết yêu nghề, niềm nhiệt huyết của những người làm báo với mong muốn phản ánh hơi thở cuộc sống thông qua câu chuyện thường ngày; không ngần ngại trước khó khăn, “xông pha” với nghề; cùng đó là niềm đồng cảm sâu sắc trước nỗi niềm người làm thủy sản. Không thể không kể đến việc trân trọng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, biết ơn những nhà khoa học tận tâm với nghề. Đó có lẽ là “kim chỉ nam” trong hoạt động của chúng tôi đã ghi điểm trong lòng bạn đọc, cũng như khách hàng tới tham dự các chương trình, sự kiện.
Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam VietShrimp là một trong những sự kiện lớn của ngành thủy sản do Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ định hướng phát triển tiếp theo của Tạp chí trong thời gian tới?
TBT Dương Xuân Hùng: Xu thế công nghệ là tất yếu, vì vậy thời gian tới, chúng tôi tập trung giảm thiểu số lượng báo chí in, chuyển đổi thành phát hành Tạp chí Thủy sản Việt Nam 1 ấn phẩm/tháng. Đẩy mạnh phát triển hệ thống website, hệ thống cộng tác viên theo hướng tòa soạn tập trung, mỗi người đọc cũng là một cây viết. Ngoài ra, chúng tôi cũng có định hướng phát triển tới cộng đồng quốc tế thông qua các ấn phẩm ngoại ngữ, từ đó làm bàn đạp tiến ra toàn cầu. Đội ngũ cán bộ, phóng viên ngày càng trẻ hóa, phản ánh đúng hơi thở thực tế của công nghệ – kinh tế – văn hóa. Tạp chí song song với đó cũng nghiên cứu ứng dụng của công nghệ, trí tuệ nhân tạo để áp dụng triển khai, mặc dù chúng tôi cũng có những quan ngại về vấn đề này nên sẽ tiếp cận với xu hướng thận trọng. Tạp chí tin tưởng rằng giai đoạn 5 năm tới sẽ là giai đoạn bứt phá, mở ra kỷ nguyên mới cho người làm báo chí, truyền thông nói chung cũng như Tạp chí Thủy sản Việt Nam nói riêng.
PV: Vai trò của báo chí, truyền thông trong phát triển thương hiệu thủy sản được thế hiện như nào, thưa ông? Và ngành thủy sản Việt Nam đang có những bấp bênh, Tạp chí Thủy sản Việt Nam sẽ thể hiện vai trò của mình như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
TBT Dương Xuân Hùng: Tại Hội chợ VietShrimp 2023, Tạp chí đã có bài tham luận về nội dung vai trò của báo chí, truyền thông liên quan tới việc phát triển thương hiệu thủy sản. Chúng tôi có đưa ra những dẫn chứng, ví dụ cụ thể trước đây để minh họa cho tầm quan trọng của báo chí – định hướng dư luận cũng như tuân thủ nguyên tắc quan trọng nhất trong hoạt động báo chí, đó là sự thật. Khi và chỉ khi phương châm đó tồn tại xuyên suốt các ấn phẩm thì một tờ báo mới có thể trụ vững, song hành với hoạt động phát triển kinh tế. Thương hiệu thủy sản Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế ngày hôm nay, là một phần nhờ vào đóng góp không ngừng nghỉ của báo chí, truyền thông.
Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Tạp chí thận trọng hơn trong việc kiểm duyệt, truyền tải thông tin tới bạn đọc, cùng đó là góp tay mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng những “sân chơi” trong ngành, là cầu nối cho các “thuyền viên” cùng đồng lòng chung tay chèo lái qua khó khăn, vượt vũ bão để ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tạp chí Thủy sản Việt Nam cam kết vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con ngư dân, nuôi trồng thủy sản trong tương lai. Ảnh: PLO