Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng 10/2023 ước đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Tháng 10/2023, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, chỉ giảm 11% so với tháng 10/2022; tính tới hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt trên 2,8 tỷ USD, chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản (giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái). Các doanh nghiệp cho biết, giá nhập khẩu tôm vào Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Tại Mỹ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Đây là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản bị đình trệ. 

Với mặt hàng cá tra, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức tiêu thụ chậm được lý giải là nguyên nhân hàng tồn kho nhiều. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, xuất khẩu ngành hàng này đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo thông tin từ VASEP, nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ cũng đang hồi phục. Hiện nay Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound fillet cá tra, cá da trơn đông lạnh, để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba của Bộ vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound fillet cá da trơn chưa tẩm bột, với tổng trị giá 41,8 triệu USD (38 triệu EUR) vào tháng 3/2023. 

Tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp tiếp tục bị tác động bởi những bối cảnh kinh tế suy giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Tới hết tháng 10, xuất khẩu cá ngừ đạt 704 triệu USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cua ghẹ đạt 164 triệu USD, giảm 12%; xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 540 triệu USD, giảm 14%. Để hầu hết người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu hải sản tốt hơn trong thời gian tới. 

 

Các nhà phân tích cho rằng, lạm phát, kinh tế suy thoái do chiến tranh, xung đột khiến người dân toàn thế giới “thắt lưng buộc bụng”, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng hoạt động cầm chừng. Các sản phẩm cao cấp như cá ngừ, mực, bạch tuộc khó tiêu thụ, trong khi các mặt hàng ở phân khúc tầm trung buộc phải giảm giá mạnh để kích cầu. 

Khó khăn trong tiêu thụ đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với doanh thu thuần đạt 2.993 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp giảm tới 60%. Kết quả, Minh Phú báo lỗ 26 tỷ đồng trong quý III/2023, so với mức lãi lên tới 332 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng đang chật vật vượt qua “bão giá” và khó khăn về tiêu thụ.

Mỹ đang là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam (sau thị trường Trung Quốc & Hong Kong). Quý III/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái (-32%), nhưng mức sụt giảm và khoảng cách đã thu hẹp hơn so với 2 quý trước đó (tương ứng là -64% và -58%). Thị trường Mỹ “ấm lên” cũng báo hiệu sự phục hồi trong những tháng cuối năm, đặc biệt để phục vụ các lễ hội Noel, Tết. 

 

Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu đang dần được khơi thông. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU tăng trở lại. Đức và Hà Lan có mức tăng trưởng nhập khẩu cao lần lượt là 45% và 170%. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang Italy tăng 421%; xuất sang Israel cũng tăng gần 200%. 

 

Những tín hiệu lạc quan về xuất khẩu thủy sản cũng thể hiện ở việc cổ phiếu của các doanh nghiệp thủy sản nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong quý III/2023, cổ phiếu IDI (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI), cổ phiếu CMX (Công ty CP Camimex Group), cổ phiếu ANV (Công ty CP Nam Việt)… đạt mức tăng khá. Mức giá IDI tăng 4,7%, CMX tăng 6,3% (trong khi VN-Index tăng 3%).

error: Content is protected !!