Trong vòng 12 tháng qua, nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường Mỹ giảm mạnh 19% trong khi thị trường châu Âu giảm 10%. Xuất khẩu tôm được chuyển hướng sang Trung Quốc, dẫn đến khối lượng nhập khẩu tăng 27%. Nhu cầu tiêu thụ tôm ở các khu vực khác thuộc châu Á vẫn tương đối ổn định. Theo Chris van Bussel, Giám đốc sáng tạo tại công ty phân tích thị trường và thương mại thủy sản Kontali, Na Uy, khi thị trường xuất khẩu đang bế tắc vì nhiều yếu tố nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp như lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, các công ty xuất khẩu nên tập trung tiếp thị sản phẩm tôm thẻ chân trắng ngay tại thị trường châu Á. Một số chuyên gia tham dự hội nghị bàn tròn nuôi trồng thủy sản (TARS 2023) tại Bali, Indonesia ngày 16 – 17/8/2023 cùng nhận định, nhiệm vụ trước mắt của ngành tôm châu Á là tạo lập thị trường ngay trên sân nhà. 

 

Các chuyên gia tại Kontali cung cấp và phân tích dữ liệu thị trường tôm dựa theo sản phẩm tôm sống (LSE) để khắc phục một số thiếu sót khi ước tính sản lượng và nguồn cung, cũng như theo dõi mỗi kg tôm từ ao nuôi đến bàn ăn. Theo thống kê của Kontali, trong 12 tháng qua, thương mại tôm toàn cầu đã giảm 3% xuống còn 3,5 triệu tấn LSE. Con số này cho thấy 57% sản lượng tôm được xuất khẩu, còn lại 43% được tiêu thụ nội địa. 

 

Nguồn cung tôm năm 2023 dự kiến đạt mức 6,25 triệu tấn. Riêng sản lượng tôm nuôi vào nửa cuối năm 2023 sẽ tăng 6% so với nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng tôm theo tháng trong giai đoạn từ tháng 7 – 12/2023 dự kiến giảm 13% do diện tích thả nuôi bị thu hẹp.

Theo dữ liệu của Kontali, châu Á đã cung cấp 2,8 triệu tấn tôm LSE trong 12 tháng qua. Trung Quốc vẫn giữ vị trí thị trường lớn nhất thế giới với sức hấp thụ lên đến 1,8 triệu tấn. Gần đây, khối lượng tiêu thụ tôm hàng tháng của thị trường khổng lồ này đã tăng từ 100.000 tấn năm 2022 lên 150.000 – 170.000 tấn vào năm 2023. Tỷ trọng giữa tôm nuôi trong nước và tôm nhập khẩu trên thị trường Trung Quốc vẫn ngang bằng 50:50. Tôm nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan và 50% là tôm nguyên vỏ HOSO. Ngược lại, thị trường Mỹ chủ yếu nhập khẩu tôm lột vỏ với khối lượng hơn 1 triệu tấn tôm LSE. 

 

Hai thị trường hàng đầu khác ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi 95% lượng tôm nhập khẩu của Nhật Bản từ châu Á, thì nhu cầu tiêu thụ tôm của Nhật Bản gần đây vẫn giữ nguyên mức 10.000 tấn/tháng. Thị trường này chủ yếu nhập khẩu tôm chế biến với mức giá đang thấp hơn 1 USD/kg so với các năm trước. Giá bán tôm sụt giảm là hiện tượng chung trên thị trường toàn cầu, không riêng Nhật Bản. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là điểm đến hấp dẫn của tôm chế biến xuất xứ châu Á. 

 

Sau Trung Quốc, Thái Lan là thị trường tôm thẻ chân trắng số hai châu Á với 230.000 tấn cùng tăng trưởng 10%/năm. Mặc dù sản lượng tôm hàng tháng của Thái Lan tăng nhưng xuất khẩu sang Mỹ và EU có xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu ổn định ở mức thấp. Hiện, Thái Lan cũng đang tích cực bán tôm lột vỏ sang các thị trường châu Á. 

 

Theo Haris Muhtadi, Shrimp Club Indonesia, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và châu Âu đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát và suy thoái kinh tế dẫn đến nhu cầu ảm đạm. Cùng đó, đối thủ Ecuador có lợi thế cạnh tranh hơn về giá bán, vị trí địa lý… Haris Muhtadi trích dẫn số liệu thống kê tại TARS 2023, Ecuador dự kiến sản xuất 1,3 triệu tấn tôm vào năm nay, tăng 12% so với năm trước, trong khi Ấn Độ có thể giảm sản lượng tôm 4% xuống mức 1 triệu tấn. Các nước Đông Nam Á đóng góp 0,9 triệu tấn tôm, giảm 17%. Indonesia chủ yếu xuất khẩu tôm lột vỏ sang Mỹ nay cũng gặp khó khi giá tôm nguyên liệu giảm 10% so với năm ngoái và giảm 14% từ đầu năm đến nay. Ông kết luận, “quay lại sân nhà” là giải pháp vẹn toàn cho tôm thẻ chân trắng châu Á trong bối cảnh thị trường Mỹ và EU chưa thực sự khơi thông. 

Thị trường nội địa được đánh giá là điểm đến tiềm năng cho nguồn cung 2,8 triệu tấn tôm của châu Á. Nếu so với Mỹ, Thái Lan cũng có mức tiêu thụ tôm bình quân không thua kém và dao động quanh mức 3 kg/người/năm. Thị trường nội địa Thái Lan đang giữ tốc độ tăng trưởng 10%/năm. 

 

Tại châu Á, tiêu thụ tôm bình quân đầu người luôn duy trì mức cao ở một số quốc gia như Malaysia và Việt Nam. Theo Chris, thị trường châu Á có thể chia thành các nhóm như sau: thị trường mạnh gồm Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan và Hàn Quốc với sức tiêu thụ nội địa tương đối mạnh; nhóm thị trường có nhiều triển vọng mua hàng gồm Trung Quốc và Malaysia với lượng tiêu thụ lần lượt 250.000 tấn và 50.000 tấn tôm. Nói về tiêu dùng nội địa, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng 6 – 7% mỗi năm. Trong khi đó, mức tiêu thụ nội địa của Ấn Độ tương đối thấp, khiến thị trường này kém hấp dẫn. 

error: Content is protected !!