La Nina là một hiện tượng thời tiết cực đoan khi mà nước biển ở khu vực vùng biển xích đạo Thái Bình Dương trở nên lạnh hơn so với bình thường. La Niña xuất hiện theo chu kỳ nhất định và có ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu cũng như có tác động đến nền kinh tế, nông nghiệp, ngư nghiệp và các ngành công nghiệp khác.

La Nina gây ra khô hạn ở một số khu vực và mưa lớn ở các khu vực khác trên thế giới, hay làm tăng mức độ băng tan trên các vùng băng – biển. Sự lạnh đi của nước biển ở Thái Bình Dương xích đạo tạo ra những thay đổi quan trọng trong mẫu mưa, nhiệt độ và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. 

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo khí hậu của NOAA, El Niño chính thức hoạt động từ tháng 6/2023, hiện tại kiểu hình khí hậu này đang yếu đi, với 85% khả năng chuyển sang pha trung hòa trước tháng 6. Sau đó, La Nina sẽ quay trở lại, với 60% khả năng xuất hiện trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay.

Kể từ năm 1950 đến nay thế giới đã trải qua 3 đợt pha mạnh La Niña. Theo dự báo, 2023 – 2024 sẽ là giai đoạn chứng kiến pha mạnh đến rất mạnh của hiện tượng La Nina sau khi đã trải qua giai đoạn El Nino kéo dài trước đó.

Khi gió tín phong mạnh lên, áp lực gió lên bề mặt tăng lên, hiện tượng nước trồi sẽ làm nhiệt độ bề mặt biển phía Đông lạnh đi dị thường, dòng chảy hướng Đông, do gió tín phong tạo ra sẽ đưa lượng nước ấm bề mặt dồn về phía tây, lớp nêm nhiệt ở phía tây dày lên, hoàn lưu Walker mạnh dần lên, nhiệt độ bề mặt biển cao hình thành dòng thăng ở phía Tây Thái Bình Dương gây mưa cho khu vực này, còn ở phía Đông, nước trồi mạnh làm bề mặt biển lạnh đi dẫn đến ít mưa, lượng sinh vật phù du suy giảm, tôm cá ít đi, tạo ra pha La Nina ngược lại với El Nino.

Theo đó, La Nina làm giảm nhiệt độ nước biển, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số loài thủy sản nhạy cảm với nhiệt độ. Các loài này có thể gặp khó khăn trong việc sinh sản và phát triển. Ngoài ra, nhiệt độ nước biển giảm có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi sinh vật gây hại. Điều này có thể dẫn đến sự bùng phát bệnh tật trong các trại nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại cho người nuôi cá và các loài thủy sản khác. La Niña thường gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, mưa lớn và lũ lụt. Những hiện tượng này có thể gây hại cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản, làm hư hại lồng bè, ao hồ và làm giảm sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, tại một số khu vực mà La Nina mang đến những nguồn nước lạnh giàu dinh dưỡng dâng lên từ dưới biển sâu, quá trình này gọi là hiện tượng trồi lên của nước biển (Upwelling), đặc biệt ở phía Đông Thái Bình Dương. Điều này thúc đẩy sự phát triển của sinh vật phù du, nguồn thức ăn quan trọng cho nhiều loài cá như cá cơm và cá mòi. Kết quả là năng suất khai thác cá có thể tăng lên. Các loài như tôm, mực và những sinh vật biển khác cũng có thể phát triển mạnh hơn nhờ môi trường dinh dưỡng phong phú, giúp tăng cường khả năng sinh sản và gia tăng quần thể. La Niña có thể ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và làm thay đổi chuỗi thức ăn của các loài. Trong một đợt La Nina, các loài như sứa và tôm có thể phát triển mạnh mẽ hơn và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực.

Là quốc gia ven biển, Việt Nam đón nhận sự giao thoa của các hệ thống gió mùa, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những biến đổi mạnh mẽ của các điều kiện khí quyển và đại dương, bao gồm cả hiện tượng La Nina.

Từ giữa thế kỷ XX đến nay, đã có hơn 13 lần La Nina tác động trực tiếp đến thời tiết Việt Nam. Năm nay, La Nina có khả năng xuất hiện trở lại là minh chứng cho thấy trạng thái khí quyển trong thời gian gần đây biến động rất mạnh do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; quá trình chuyển từ pha nóng sang pha lạnh hoặc tái xuất hiện pha lạnh diễn ra trong thời gian ngắn hơn nhiều so với trước.

Theo các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khí hậu Việt Nam, vào những năm La Nina, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta nhiều hơn rõ rệt so với những năm El Nino, trung bình 8,3 cơn/năm so với 5,3 cơn/năm và nhiều hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 cơn. Năm nhiều bão nhất có tới 11, 12 cơn; năm ít nhất cũng 5, 6 cơn. 60% số năm có La Nina có trên 9 cơn bão/năm. Tần suất bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực từ Trung bộ trở vào trong những năm có La Nina là 70%. Như vậy, trong điều kiện La Nina bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với điều kiện El Nino.

Thông thường, sau hiện tượng El Nino sẽ xảy ra hiện tượng La Nina, tăng lượng mưa và giảm nền nhiệt độ trung bình. Do đặc điểm đa số các ruộng nuôi thủy sản nằm gần biển, vùng nước lợ, diễn biến bất thường của bão lũ sẽ gây tác động tiêu cực tới các vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là miền Trung. Thêm vào đó, việc dòng nguồn nước liên tục thay đổi do mưa nhiều khiến dịch bệnh dễ phát triển và giảm sức đề kháng thủy sản nuôi trồng như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra và cá basa. Ngoài ra, mưa nhiều cũng sẽ làm giảm sản lượng ngô, lúa mì, những nguyên liệu đầu vào chủ yếu của ngành thức ăn thủy sản. Về khả năng nhiễm mặn, mưa lũ kéo dài làm cho nước biển có thể đi sâu vào đất liền, vùng nuôi trồng cá basa sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Hiện tượng La Nina mang lại những cơ hội cũng như thách thức cho ngành thủy sản. Để tận dụng các lợi ích và giảm thiểu tác động tiêu cực, người nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp cần có biện pháp quản lý và ứng phó thích hợp. Việc chuẩn bị sẵn sàng sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cơ chế bảo vệ vật nuôi, giảm thiểu nguồn cung thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu tăng cao, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận và biến khó khăn thành cơ hội để lội ngược dòng trong thị trường thủy sản đầy biến động hiện nay.

error: Content is protected !!