Sự kiện
Lĩnh vực nuôi tôm là mắt xích quan trọng nhất, trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, có tác động to lớn đến các mắt xích khác như: Con giống, thức ăn, chế biến xuất khẩu… Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, mắt xích nuôi tôm đang tồn tại nhiều khó khăn, bất ổn, khiến giá thành tôm nuôi cao, sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam bị giảm sút trên thị trường thế giới.
Cái khó của mắt xích nuôi tôm không chỉ đến từ quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, hay tỷ lệ nuôi thành công thấp (bình quân chỉ trên 40%), mà còn đến từ việc thiếu vốn để cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mô hình. Cũng vì thiếu vốn, nên đa phần người nuôi tôm nhỏ lẻ, phải mua nợ vật tư đầu vào với giá cao, nhưng chất lượng và hiệu quả thì không như mong muốn, do đó giá thành sản xuất luôn ở mức rất cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 của Cà Mau chỉ đạt hơn 900 triệu USD, chủ yếu do diện tích nuôi tôm của tỉnh phần lớn là nhỏ lẻ, năng suất và tỷ lệ nuôi thành công thấp, dẫn đến giá thành nuôi tôm cao. Ông Sử trăn trở: “Giá thành sản xuất tôm ở nước ta hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, ngoài nguyên nhân tỷ lệ nuôi thành công thấp, còn do chi phí thức ăn, con giống cao, vì phần lớn chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, vấn đề cơ sở hạ tầng vùng nuôi (thủy lợi, điện, giao thông…) chưa đảm bảo và nhất là đa số nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn sản xuất, cũng làm cho tỷ lệ nuôi thành công thấp và giá thành cao”.
Nói về khó khăn lĩnh vực nuôi tôm, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ trong vụ nuôi 2023 vừa qua, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, giá tôm thương phẩm năm qua giảm mạnh, kéo dài gần như suốt cả vụ nuôi, khiến nhiều hộ nuôi không có lợi nhuận, bị thua lỗ, lâm vào thế khó, nếu không muốn nói là đang sức cùng, lực kiệt. Hiện nay, nếu nói mắt xích nào mạnh nhất, chắc không có ai dám nhận, nhưng nếu hỏi mắt xích nào yếu nhất, chắc chắn tất cả đều bỏ phiếu cho khâu nuôi.
Dù kết quả xuất khẩu đầu năm là khá thuận lợi, nhưng theo bà Trần Thụy Quế Phương – Chánh văn phòng VASEP, các yếu tố tiêu cực của năm 2023, vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến ngành tôm trong năm 2024 và cùng với đó là các khó khăn mới phát sinh, nên xuất khẩu tôm năm 2024 theo dự báo của VASEP chỉ tăng khoảng 10 – 15% so với năm ngoái.
Vẫn lời bà Phương, sang năm 2024, tuy kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng sự phục hồi chậm. Chiến tranh Nga – Ukraina vẫn kéo dài, xung đột Israel – Hamas khiến cước vận tải biển tăng. Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh (trong đó có tôm Việt Nam), ít nhiều cũng sẽ tác động đến giá tôm xuất khẩu. Sự cạnh tranh về giá và nguồn cung với Ecuador, Ấn Độ sẽ còn khốc liệt hơn, trong khi tôm tồn kho còn nhiều, nên giá tôm thế giới dự báo chưa thể phục hồi nhanh… Tất cả đã, đang và sẽ là những thách thức không nhỏ, đặt ra cho ngành tôm trong năm 2024.
Liên quan đến vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm tại thị trường Mỹ, Việt Nam là nước có đến 40 chương trình trợ cấp bị điều tra, nhiều nhất so với các nước khác. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam, do đó theo ông Lực, kết quả cuối cùng của vụ kiện, sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp được lựa chọn để điều tra, mà sẽ ảnh hưởng tới toàn ngành tôm Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ.
Đối với vấn đề cạnh tranh với tôm giá rẻ từ các nước, theo bà Phương, tôm Việt Nam đang cạnh tranh được, một phần nhờ thị phần hàng giá trị gia tăng, nếu hàng giá trị gia tăng đứng im, không có sự thay đổi về chế biến sâu, giảm giá thành trong những năm tới, thì ngành tôm Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nếu tôm Việt Nam bị áp thêm thuế chống trợ cấp tại thị trường Mỹ với mức cao, thì khó khăn cho ngành tôm trong năm 2024 sẽ là không nhỏ.