Bắt đầu bằng cụm mưa rào và dông tại vùng biển cách Quốc đảo Palau 500 km về phía Tây Bắc, đến ngày 2/9, cụm mưa dông này đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là bão YAGI. Đến sáng 3/9, bão đã đi vào biển Đông và là trở thành Cơn bão số 3 của Việt Nam với cấp 8, giật cấp 11 sau đó liên tục tăng cấp. Chiều 5/9, bão số 3 đã tăng cấp 16, giật cấp 17 và trở thành siêu bão số 3 của năm 2024.

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 chịu ảnh hưởng của các hệ thống áp cao cận nhiệt đới và gió mùa Tây Nam, làm cho hướng di chuyển của nó trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Dự báo tại Việt Nam, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là những nơi chịu tác động trực tiếp và toàn bộ khu vực Bắc Bộ cũng sẽ chịu sức ảnh hưởng từ cơn bão.

Để ứng phó bão số 3, từ 6 giờ ngày 6/9, các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển.

Các lực lượng quân đội, công an, xung kích phòng chống thiên tai và người dân đã vào cuộc ứng phó với bão. Quân đội nhân dân Việt Nam huy động gần 458.000 cán bộ, chiến sĩ (bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên) và hơn 10.100 phương tiện các loại để ứng phó với bão số 3. Trong số này, có hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng. Các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ Công an đã ban hành 3 Công điện và tổ chức họp trực tuyến để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an 35 địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ. Bộ đã huy động hơn 100.000 người tham gia trực, ứng trực phòng, chống bão số 3 và mưa, lũ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành 2 Công điện, văn bản chỉ đạo sớm từ ngày 2/9 khi bão còn ở phía Đông Philippines. Chiều 4/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã họp trực tuyến với các Bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố ven biển. Ngày 6/9, trước khi bão đổ bộ, 2 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đi kiểm tra, chỉ đạo tại 4 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo tại Quảng Ninh.

Chính quyền các địa phương cũng liên tục ban hành các văn bản khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, đặc biệt là tại những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. 

Tối ngày 5/9, Hải đội Biên phòng 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bắn pháo hiệu thông báo cho các chủ tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn, cảnh báo các tàu thuyền không ra khơi khi có mưa bão trên biển. Tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), UBND huyện đã ban hành Lệnh giới nghiêm tại các địa phương cấp xã từ 20 giờ, ngày 6/9 cho đến khi bão tan. Trước 16 giờ ngày 6/9, UBND huyện đã tổ chức sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn.

Tại Hải Phòng, ngành chức năng thông báo cho các chủ tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; phối hợp với Trạm Radar 490 theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt số tàu, thuyền đang hoạt động trên khu vực biển Bạch Long Vĩ, trong Âu Cảng và quần đảo Cát Bà; giữ vững thông tin liên lạc với các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. 

Mặc dù cả hệ thống chính trị và các địa phương vào cuộc quyết liệt trên tinh thần cảnh giác cao độ với “100% sức chiến đấu”, nhưng bão số 3 vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề. 

Bão và hoàn lưu sau bão đã khiến diễn biến dường như vượt mức kiểm soát. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến 7 giờ ngày 13/9, bão số 3 và mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về nhà ở với 136.705 nhà bị hư hỏng (nhiều nhất là Quảng Ninh 70.629 nhà, Hải Phòng 40.005 nhà, Bắc Ninh 3.472 nhà, Lạng Sơn 2.990 nhà, Bắc Giang 3.289 nhà, Yên Bái 1.378 nhà…); 67.653 nhà bị ngập.

Về thiệt hại nông nghiệp, mưa lũ làm cho 202.094 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; trong số đó, Nam Định 33.268 ha, Hà Nội 27.318 ha, Hải Phòng 23.870 ha, Hải Dương 20.467 ha, Bắc Giang 18.779 ha, Hà Nam 7.928 ha…

Cùng đó, mưa bão cũng khiến gần 40.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nhất là tại Hòa Bình 6.728 ha, Hải Phòng 5.116 ha, Hải Dương 3.159 ha, Bắc Giang 1.981 ha, Phú Thọ 1.631 ha, Lạng Sơn 1.849 ha…

Ngoài ra, có 22.288 ha cây ăn quả bị hư hại, tập trung tại Bắc Giang 6.669 ha, Hà Nội 3.924 ha, Hải Dương 3.163 ha; Hưng Yên 2.953 ha, Hải Phòng 2.043 ha, Thái Bình 1.385 ha…

Về nuôi trồng thủy sản, mưa lũ đã cuốn trôi, hư hỏng 1.848 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó có 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Về chăn nuôi đã có 4.594 con gia súc, 1,787 triệu con gia cầm bị chết.

Tính đến 21h ngày 12/9, mực nước lũ trên nhiều tuyến sông có đê đã vượt báo động 3, đặc biệt trên sông Thao thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1971 trên 1 m. Hệ thống đê đã phát sinh nhiều sự cố như đùn sủi, thẩm lậu, sạt lở đê, sự cố rò rỉ nước qua cánh van cống, tràn một số tuyến đê cấp IV, cấp V, đê bao, đê bối,… Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay giờ đầu nên đến nay các tuyến đê sông từ cấp III trở lên vẫn đảm bảo an toàn chống lũ.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã xảy ra 133 sự cố đê điều trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.

Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh phía Bắc. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần “đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết”, “không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở”, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, triển khai mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão, với tinh thần cao nhất có thể, mỗi người làm việc bằng hai vì nhân dân.

Sau trận cuồng phong của cơn bão số 3 và trận mưa lũ lịch sử, thủy sản là một trong những ngành gánh chịu thiệt hại rất lớn. Nhiều vùng nuôi tôm, nuôi biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như mất trắng; tàu cá hay tàu thuyền đánh cá bị đánh chìm, cuốn trôi vào biển cả. 

Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, trước khi bão vào, Cục đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu kiểm đếm, kêu gọi các tàu khai thác thủy sản trên biển nhanh chóng di chuyển vào bờ và tìm nơi tránh trú bão an toàn. Đồng thời, hướng dẫn ngư dân chằng, chống tàu và lồng bè nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, thiệt hại vẫn không kể hết.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, ngay sau khi mưa lũ giảm, các hộ nuôi cá trong ao đất cần tháo rút, giảm lượng nước trong ao, chạy máy quạt nước, sục khí, cân bằng môi trường nước ao. Khử trùng bằng vôi, bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn. Kiểm tra, gia cố bờ ao bị sạt lở, đề phòng có thể xảy ra các đợt mưa lớn tiếp theo; thu gom, xử lý rác, chất thải và thủy sản chết. Đối với các ao cá bị thất thoát do mưa bão cần thả bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế. 

Với nuôi lồng trên sông, người dân cần gia cố, bổ sung lại hệ thống các phao, tấm chắn, hệ thống dây chằng, túi cát góc lồng… của các lồng nuôi, phòng ngừa gió, nước lũ chảy mạnh tiếp tục làm hư hại lồng nuôi. Sử dụng túi vôi treo tại lồng để khử khuẩn, phòng cá bị nấm, bệnh gây hại. Quan sát các yếu tố môi trường như: độ đục, dòng chảy, ôxy hòa tan… và sức khỏe của cá để điều chỉnh lượng thức ăn, chạy máy sục khí khi cần thiết.

error: Content is protected !!