Theo VASEP, với 3.260 km đường bờ biển, Việt Nam có 2.038 loài hải sản, trong đó có 130 loài có giá trị thương mại, 30 loài thường xuyên đánh bắt. Các sản phẩm hải sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 150 thị trường trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc là các thị trường nhập khẩu hải sản chính của Việt Nam, luôn chiếm trên 86% tổng khối lượng xuất khẩu hải sản. Ngành thủy sản thu hút hơn 4 triệu lao động, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, đóng góp 4 – 5% GDP toàn quốc.


Không chỉ xuất khẩu thủy sản đem lại nguồn ngoại tệ lớn, tạo công ăn việc làm cho ngư dân và cung ứng sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng toàn thế giới, ngành thủy sản còn tạo ra những chuỗi giá trị rộng lớn hơn, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực khác. Điển hình của việc xây dựng chuỗi giá trị thủy sản hiện đại, đó là việc hình thành chuỗi giá trị kết hợp thủy sản xuất khẩu với trồng trọt, thông qua mô hình tôm – lúa, tôm – rừng tại Cà Mau và Sóc Trăng. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú khẳng định: “Tập đoàn đã tích cực tham gia vào chuỗi liên kết, xây dựng một số vùng nguyên liệu tôm sinh thái đạt chuẩn xuất sang châu Âu, qua đó, nâng cao giá trị con tôm, tạo thu nhập cao cho người dân cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp”.

Nhờ nuôi tôm kết hợp bảo vệ rừng ngập mặn, nên nghề tôm Cà Mau phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện Cà Mau có diện tích nuôi tôm chiếm gần 40% và sản lượng khoảng 22% so cả nước. Năm 2022, tỉnh Cà Mau lần thứ 3 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Sóc Trăng đã hình thành 20.000 ha canh tác tôm – lúa bền vững. Đề án “Phát triển tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025” cũng quy hoạch diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 57.000 ha, bao gồm 1.500 ha siêu thâm canh; 40.500 ha thâm canh, bán thâm canh; 15.000 ha tôm – lúa, tôm quảng canh cải tiến. Sóc Trăng cũng là địa phương ghi nhận kết quả rất tích cực về hoạt động xuất khẩu thủy sản trong đó có con tôm; khi 2022 là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 1,05 tỷ USD (tăng 6,49% so năm 2021).


Còn tại tỉnh Bạc Liêu, để việc liên kết chuỗi giá trị ngành tôm ngày càng hiệu quả; ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Các ngành chức năng cần tăng cường giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện nông dân. Đồng thời, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác thực hiện chuỗi bao tiêu sản phẩm khép kín; phát triển liên kết chuỗi giá trị, hướng tới xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu…

Với việc xuất khẩu 11 tỷ USD mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam đang trở thành đầu tàu thu hút các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các ngành công nghệ hỗ trợ cùng phát triển.


Mới đây, Viện Nghiên cứu Hải sản (Hải Phòng) đã tổ chức hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, đã có 37 công nghệ, tiến bộ kỹ thuật thuộc các lĩnh vực nuôi, khai thác, bảo quản chế biến sau thu hoạch trong giai đoạn từ 2019 – 2022. Hầu hết các công nghệ và tiến bộ kỹ thuật có xuất xứ từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp và đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Có lẽ chưa bao giờ có nhiều viện, trường, trung tâm nghiên cứu về thủy, hải sản như hiện nay. Rất nhiều giống cá, tôm, cua… được các viện nghiên cứu cung ứng ra thị trường với chất lượng ngày một tốt hơn.


Để góp phần giảm phát thải, hiện đại hóa ngành thủy sản, một số công ty đã nghiên cứu thành công, cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích. Nổi bật là nền tảng số cho hệ sinh thái thủy sản bền vững với tên gọi Tomota của Công ty CP Công nghệ OTANICS (tỉnh Cà Mau). Theo Giám đốc Công ty Vũ Văn Vân, các sản phẩm Tomota dành cho trại nuôi tôm như quản lý thiết bị nuôi tôm; quản lý nước trong ao nuôi; kiểm soát chất lượng giống; giám sát tăng trưởng… Đặc biệt, Tomota có thể quản lý thức ăn với cân điện tử trên mặt nước, ghi nhận chính xác giúp quản lý hiệu quả, cho ăn đúng chương trình mong muốn, tránh thất thoát, lãng phí thức ăn và ô nhiễm nguồn nước.

Hàng năm, Việt Nam sản xuất hơn 21.000 con TTCT bố mẹ và trên 20.000 con tôm sú bố mẹ với 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ. Dù mới chủ động được khoảng 10% tôm bố mẹ, song Việt Nam là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ cung cấp tôm bố mẹ. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc chia sẻ: “Việt – Úc đã hợp tác với nhiều đối tác chiến lược lớn như: Viện CSIRO (Australia), Công ty Benchmark Holding JSC (Vương quốc Anh), Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu NTTS II… liên tục triển khai các chương trình nghiên cứu chọn tạo giống TTCT bố mẹ. Hiện nay, Việt – Úc là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đã chủ động được nguồn TTCT bố mẹ”.


Một số doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào ngành thủy sản, gia tăng giá trị sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Điển hình như Tập đoàn Việt Úc ứng dụng công nghệ để chọn tạo giống cá tra nâng cao chất lượng xuất khẩu; Tập đoàn Mỹ Lan đã ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nuôi cá tra. Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi và chế biến cá tra đảm bảo xuất khẩu. Giai đoạn cá thịt, Công ty thử nghiệm quy trình nuôi cá hạn chế thay nước (IPRS, vi sinh xử lý môi trường); ưu tiên sử dụng vi sinh có lợi, kiểm soát vi sinh gây hại, hạn chế sử dụng kháng sinh. Công ty sử dụng phụ phẩm sau chế biến cá tra để sản xuất collagen, dầu cá; áp dụng công nghệ hiện đại xử lý nước thải, chế biến, làm phân bón từ bùn thải các nhà máy chế biến thủy sản.

error: Content is protected !!