Bà Rịa – Vũng Tàu: Ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau nhiều năm triển khai, kết quả ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa xứng tầm; nhiều cơ hội phát triển đang bị bỏ qua.

Thủy sản là thế mạnh

Hiện, toàn tỉnh có tổng 3.418 hộ nuôi trên diện tích 6.331 ha; trong đó, nước ngọt khoảng 845,32 ha, nuôi mặt nước lớn 517 ha, nuôi mặn, lợ khoảng 5.058 ha, cá biển lồng bè khoảng 40 ha tập trung chủ yếu trên sông Chà Và, Long Sơn, TP Vũng Tàu, nuôi ngọc trai khoảng 100 ha tại Côn Đảo, còn lại chủ yếu nuôi nhỏ lẻ rải rác. So sánh chung, diện tích nuôi thâm canh chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn so với các loại hình nuôi khác và có tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích của địa phương; ngược lại diện tích nuôi bán công nghiệp, quảng canh cải tiến chiếm tỷ lệ khá lớn, trong khi diện tích tiềm năng còn nhiều và chưa kể một số nơi có thể cải tạo đầu tư, nâng cấp thành khu nuôi thương phẩm thâm canh theo hướng bền vững và áp dụng công nghệ vào nuôi trồng, sản xuất.

Nuôi tôm áp dụng VietGAP cho hiệu quả cao – Ảnh: Trần Út

Ngoài ra, địa phương còn có thế mạnh khác, từng một thời đó là sản xuất giống thủy sản, với khoảng 180 cơ sở sản xuất giống thủy sản chủ yếu sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá biển và nhuyễn thể hai mảnh vỏ, mỗi năm cung cấp 1,5 – 3 tỷ con giống cho nhu cầu nuôi trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, cũng giống như quy hoạch NTTS, hiện nay các cơ sở sản xuất giống của Bà Rịa – Vũng Tàu đa số đều nhỏ lẻ, manh mún và đang trong tình trạng “quy hoạch chờ giải tỏa”, trong khi khu quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ vẫn trong tình trạng “chưa xong cơ sở hạ tầng” và người dân làm giống thủy sản vẫn ngày đêm mong ngóng được bố trí đất sản xuất.

 

Khoa học kỹ thuật là tất yếu

Ngành NTTS của tỉnh đã nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học vào trong sản xuất, như công nghệ nuôi trồng theo phương pháp Biofloc với mục đích nhờ hoạt động của vi khuẩn có sẵn trong ao nuôi chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chất thải hữu cơ thành nguồn protein của vật nuôi; Hay phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học ủ, lên men vi sinh và sử dụng sản phẩm này làm sạch môi trường ao nuôi thương phẩm, dẫn đến việc hạn chế thay nước như trước đây, tránh được nguy cơ tiềm ẩn về lây lan phát tán dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời, giảm chi phí cho vụ nuôi, giảm và dẫn tới hạn chế tối đa sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường, ngăn ngừa triệt để việc lưu lại các dư lượng kháng sinh trên sản phẩm động vật thủy sản. Những phương pháp nuôi này không những hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp mà còn thân thiện môi trường.

Ngoài ra, áp dụng VietGAP vào NTTS hiện nay là một xu hướng tất yếu cho quá trình nuôi an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Sau ba năm, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng 3 cơ sở nuôi được đánh giá công nhận, gồm các hộ Nguyễn Đăng Nhân năm 2013, hộ Đỗ Lương Tịnh năm 2014 và Công ty TNHH Thủy sản Mạnh Cường năm 2015, đều tại huyện Xuyên Mộc… Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết, các cơ sở trên đều đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng nuôi công nghiệp và đơn vị đã tiến hành chọn làm mô hình thí điểm chứng nhận VietGAP. “Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế cho đầu ra sản phẩm được chứng nhận VietGAP, chưa có cơ chế hỗ trợ duy trì giấy chứng nhận sau khi hết hạn, trong khi chi phí đầu tư cho nuôi VietGAP cao hơn nuôi khác”, ông Văn cho biết thêm.

Việc đổi mới phương thức NTTS đã trở nên phổ biến và là điều tất yếu, việc ứng dụng khoa học và công nghệ tại Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, cả nước nói chung còn nhiều hạn chế, trong đó có lý do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, vật tư nông nghiệp phục vụ đầu vào còn cao, thiếu nguồn giống thủy sản chất lượng, việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới chưa thật hiệu quả… Vì vậy, rất cần sự quan tâm đầu tư đồng bộ từ cơ chế chính sách hỗ trợ người nuôi cho đến cơ sở hạ tầng vùng nuôi, nhằm giúp ngành NTTS khai thác hết lợi thế, tiềm năng, phát triển bền vững.

>> Theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, những tháng cuối năm địa phương tiếp tục giám sát 2 cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đã được cấp giấy chứng nhận; đồng thời, khảo sát chọn cơ sở nuôi tôm thương phẩm để xây dựng mô hình NTTS tốt áp dụng tiêu chuẩn VietGAP năm 2015.

Nguyễn Hữu Thi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!