T2, 06/07/2020 12:52

Kỳ 2: Một số điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển

Chưa có đánh giá về bài viết

1. Khi đánh bắt trong vùng biển Vịnh Bắc bộ, không sang vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc bộ (trừ các tàu được cấp phép đánh bắt trong vùng nước Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc). Các tàu Việt Nam được cấp Giấy phép đánh bắt thủy sản trong Vùng đánh cá chung theo Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc cần treo quốc kỳ Việt Nam và phải có dấu hiệu nhận biết theo quy định của Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt Nam – Trung Quốc;

>> Kỳ 1: Một số quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển 

Ngư dân cần tuân thủ quy định khai thác thủy sản xa bờ   Ảnh: XT

Ngư dân cần tuân thủ quy định khai thác thủy sản xa bờ Ảnh: XT

2. Khi đánh bắt ở vùng biển phía Đông và phía Tây Nam bộ, không vượt quá ranh giới trên sơ đồ hoặc vào vùng biển nước khác, trừ trường hợp Việt Nam có thỏa thuận với các nước đó. Các tàu cá đánh bắt theo hình thức liên doanh với nước ngoài phải mang đầy đủ các giấy tờ cần thiết do cơ quan có thẩm quyền cấp để xuất trình khi được yêu cầu;

3. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa bị nước ngoài tạm thời chiếm đóng trái phép. Trong khi Chính phủ Việt Nam kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi liên quan, ngư dân cần chú ý khi đánh bắt ở những khu vực này, tránh để phía nước ngoài bắt giữ hay tịch thu tàu, phương tiện hành nghề;

4. Không vi phạm vành đai an toàn tối thiểu 500 m xung quanh giàn khoan hay các công trình biển. Không hoạt động tại các khu vực có diễn tập quân sự. Ngư dân liên hệ với các Đài thông tin để biết khu vực có diễn tập quân sự hoặc giàn khoan hoạt động;

5. Nên tổ chức khai thác hải sản theo mô hình tổ, đội để hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn, thiên tai trên biển;

6. Không vận chuyển, mang theo hoặc mua bán, sử dụng chất nổ, vũ khí súng đạn hoặc chất độc hại trên tàu. Không khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất hại, xung điện và các phương pháp đánh bắt có tính hủy diệt khác. Không sử dụng các loại ngư cụ bị cấm. Không đánh bắt các loại thủy sản bị cấm khai thác kể cả san hô. Ngư dân cần nắm vững các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, các khu vực cấm khai thác, các loài cấm khai thác và thời hạn cấm;

7. Khi đánh bắt tại các vùng giáp ranh với các vùng biển nước ngoài, cần giữ khoảng cách an toàn, tránh trường hợp do ảnh hưởng của hải lưu, thời tiết xấu khiến tàu cá, ngư cụ trôi dạt sang vùng biển nước khác. Trong trường hợp ngư dân, tàu thuyền tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới hoặc xin cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp ở vùng biển nước ngoài, cần tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp của các nước; ngư lưới cụ phải được niêm phong, phát các tín hiệu cấp cứu cần thiết. Vi phạm khi tránh trú được coi là xâm phạm vùng biển nước ngoài;

8. Trước khi ra khơi, các tàu cần phải kiểm tra toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, máy định vị tọa độ, la bàn, sơ đồ vùng biển và vật dụng an toàn hàng hải. Ngoài ra, ngư dân lao động trên các tàu phải kịp thời trình báo với cơ quan chức năng khi phát hiện chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu tổ chức đưa tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt; tuyệt đối không được chống trả khi xác định rõ mình đã vi phạm vùng biển nước ngoài, hoặc xác định rõ tàu nước ngoài là lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Trong quá trình khai thác thủy sản trên biển, luôn giữ thông tin liên lạc thông suốt với đất liền, không tắt máy thông tin liên lạc, thiết bị giám sát tàu cá. Nếu bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, ngư dân cần chấp hành nghiêm các yêu cầu, quy định về dẫn độ, khai báo trung thực và tìm mọi cách báo ngay về cơ quan chức năng Việt Nam để có biện pháp giải quyết bằng đường ngoại giao. Khi gặp sự cố trên biển, phát hiện tàu cá khác gặp nạn, phải trợ, ứng cứu kịp thời; đồng thời thông báo ngay cho các tàu cá khác đang đánh bắt ở khu vực và các cơ quan chức năng của Việt Nam;

9. Khi phát hiện tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng. Việc báo cáo cung cấp và trao đổi thông tin trong mọi trường hợp cần kịp thời, chính xác để giúp các cơ quan chức năng phối hợp xử lý có hiệu quả;

10. Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo khác có liên quan của các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền.

Xem thêm:

>> Kỳ 3: Phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước khu vực Vịnh Bắc bộ và khu vực biển Tây Nam bộ 


Khai thác thủy sản giữ một vai trò quan trọng đối với Việt Nam cả về khía cạnh thu nhập quốc gia và tạo công ăn việc làm cho người dân. Việc phát triển đánh bắt hải sản xa bờ còn mang ý nghĩa quan trọng cả về mặt chính trị, đó là việc tái khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Vùng đặc quyền kinh tế. Ngư dân Việt Nam là những người đối mặt nhiều nhất với các va chạm trên biển, họ thường bị các lực lượng Trung Quốc, Philippines và Đài Loan bắt giữ. Khai thác hải sản đã trở thành một thách thức cả về mặt chiến lược và kinh tế. Để bảo vệ ngư dân và chống lại việc khai thác hải sản trái phép, nguy cơ quân sự hóa các cuộc xung đột liên quan tới việc khai thác hải sản xa bờ, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Trung tâm Giám sát nguồn hải sản ngoài khơi và đầu tư trong việc đóng mới tàu dành cho lực lượng tuần tra bờ biển.
Đẩy mạnh việc đánh bắt hải sản xa bờ không chỉ là hoạt động góp phần phát triển kinh tế, mà còn nhằm mục đích xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển song song với việc duy trì chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo. Sự có mặt thường xuyên, đông đảo của các đội tàu, của ngư dân trên các vùng biển xa, không chỉ nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên biển, mà còn góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển. Sự phát triển lớn mạnh của các đội tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta nghiên cứu, xây dựng lực lượng dân quân biển, cả về tổ chức, số lượng và chất lượng.
Khi lực lượng ngư dân trên các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ có nhận thức chính trị tốt, được tổ chức, quản lý một cách chặt chẽ, được đào tạo, huấn luyện đầy đủ theo quy định và được sự phối hợp của các đơn vị chức năng thì ngư dân sẽ trở thành lực lượng dân quân biển tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ và khai thác tài nguyên biển có hiệu quả. Họ sẽ kết hợp có hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; vừa tiến hành các hoạt động sản xuất trên biển, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện, xua đuổi và ngăn chặn sự xâm nhập trái phép của tàu thuyền nước ngoài vào khai thác hải sản trên các vùng biển của ta. Khi có tình huống phức tạp xảy ra, đây sẽ là một lực lượng đông đảo hỗ trợ, phối hợp cùng lực lượng chuyên trách chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia trên biển. Chủ trương đánh bắt hải sản xa bờ càng có ý nghĩa to lớn hơn khi kết hợp được giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; kết hợp có hiệu quả giữa tổ chức lực lượng đánh bắt hải sản xa bờ với xây dựng thế trận chiến đấu chống xâm nhập trên biển.

Hoàng Yên - Thu Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!