Khai thác thủy sản trong những năm qua đã phát triển nhanh góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Tổ quốc, tạo công an việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân miền biển.
Ngư dân Quảng Ngãi mở biển vươn khơi Ảnh: Hoàng Anh Trần
>> Kỳ 1: Một số quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển
>> Kỳ 2: Một số điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển
>> Kỳ 3: Phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước khu vực Vịnh Bắc bộ và khu vực biển Tây Nam bộ
>> Kỳ 4: Phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước khu vực Biển Đông
>> Kỳ 5: Một số quy định xử phạt của các nước đối với tàu nước ngoài vi phạm
Hiện nay, cả nước có khoảng 110.000 tàu cá trong đó trên 33.000 tàu cá khai thác xa bờ; trong khi trữ lượng nguồn lợi hải sản nhất là nguồn lợi ven bờ có dấu hiệu suy giảm đã gây áp lực đối với các nghề khai thác thủy sản; những năm gần đây nhiều chủ tàu và ngư dân ta vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản bị các nước bắt giữ, xử lý có xu thế gia tăng. Nhu cầu về hợp tác để đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi hoạt động khai thác hải sản ở các vùng biển của các quốc gia và vùng biển quốc tế đặt ra ngày càng cấp thiết.
1. Hợp tác với Trung Quốc
Ngày 25/12/2000, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) Bộ Thủy sản Việt Nam (nay là Bộ NN&PTNT) và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thay mặt Chính phủ hai nước ký Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc bộ. Hiệp định có hiệu lực 12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn, bắt đầu thi hành từ 30/6/2004. Hiệp định gồm 22 điều và 1 Nghị định thư với các nội dung chủ yếu là:
– Xác định vùng đánh cá chung nằm dưới vĩ tuyến 20 độ Bắc có bề rộng 30,5 hải lý tính từ đường phân định ra hai bên, có tổng diện tích 33.500 km2, phạm vi vùng đánh cá chung được giới hạn bởi các điểm có tọa độ địa lý rõ ràng, được xác định trên tổng đồ Vịnh Bắc bộ.
– Xác định vùng đệm cho tàu thuyền đánh cá loại nhỏ ỏ cửa sông Bắc Luân với bề rộng 3 hải lý tính từ đường phân định ra mỗi bên và chiều dài 10 hải lý.
– Xác định Vùng dàn xếp quá độ cho phép tàu cá của hai bên được tiếp tục hoạt động nghề cá trong thời hạn 4 năm ở vùng nước phía bên kia (năm 2008 đã hết hạn).
Nguyên tắc hoạt động trong vùng đánh cá chung phải tuân theo quy định.
– Vùng đăc quyền kinh tế của nước nào thì nước dó có quyền kiểm tra, kiểm soát các tàu cá được phép vào vùng đánh cá chung.
– Sản lượng và số tàu thuyền được phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung là bình đẳng. Theo thỏa thuận mỗi bên được cấp phép cho 1.543 tàu vào đánh cá ở phía bên kia đường phân định trong vùng đánh cá chung. Hằng năm, dựa vào kết quả điều tra nguồn lợi cá trong Vịnh mà hai bên sẽ điều chỉnh lại số lượng tàu thuyền được cấp phép vào vùng đánh cá chung cho phù hợp…
– Tàu cá của Việt Nam muốn hoạt động tại phía đông đường phân định (phần biển của Trung Quốc) trong vùng đánh cá chung phải có “Giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ” do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT Việt Nam) cấp.
2. Khả năng hợp tác với Brunei
Brunei có bờ biển dài 161 km với vùng đặc quyền kinh tế rộng 36.600 km2, nguồn lợi hải sản phân bố trong vùng biển Brunei chủ yếu là nguồn lợi cá nổi và cá đáy, trong đó nguồn lợi cá nổi có tiềm năng lớn.
Theo Luật Thủy sản của Brunei, tàu cá nước ngoài muốn vào khai thác ở vùng biển Brunei phải được Cục Nghề cá xem xét, đánh giá về các vấn đề như:
– Nhu cầu của ngư dân Brunei và các quy định trong kế hoạch tổng thể ngành thủy sản của Brunei;
– Mức độ hợp tác và đóng góp của nước dự kiến hợp tác đối với các nghiên cứu nghề cá, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trong vùng biển của Brunei, khả năng tập huấn và chuyển giao công nghệ khai thác cho ngư dân của Brunei;
– Thời hạn của các hợp tác song phương và những tác động có thể ảnh hưởng tới tàu cá địa phương.
Việt Nam và Brunei đã có cuộc gặp cấp thứ trưởng Bộ Nông nghiệp hai nước vào tháng 12/2013 và đã xác định Việt Nam có khả năng hợp tác với Brunei trong lĩnh vực khai thác thủy sản và đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn EU. Phía Brunei đồng ý về chủ trương cho Việt Nam tổ chức đưa tàu cá sang liên doanh khai thác tại vùng biển Zone 4 của Brunei (vùng biển cách bờ từ 45 – 200 hải lý) với các nghề lưới vây, lưới kéo đôi, câu vàng với các đối tượng khai thác chủ yếu là cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vằn, cá cờ…
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang lập đề án trình Chính phủ phê duyệt để đưa tàu hợp tác khai thác thủy sản ở Brunei.
3. Khả năng hợp tác với Papua New Guinea
Papua New Guinea (PNG) là một quốc gia thuộc vùng Trung và Tây Thái Bình Dương có bờ biển dài 17.000 km với tổng diện tích vùng đặc quyền kinh tế hơn 2 triệu km2. Nguồn lợi hải sản rất phong phú, nguồn lợi chủ yếu là cá ngừ đại dương, tôm và các loại hải sản tầng đáy có giá tri kinh tế cao. Nguồn lợi cá ngừ phân bố và chiếm tỷ lệ cao trong vùng biển PNG, có hai nghề chính khai thác cá ngừ là nghề câu vàng và nghề lưới vây.
Hiện nay, PNG là thành viên chính thức của WCPFC và tổ chức các nước tham gia hiệp định Naru (PNA); do đó, các tàu cá nước ngoài khai thác theo hạn ngạch của PNG được cấp phép hoạt động theo hai hình thức song phương và đa phương. Hợp tác song phương được thực hiện thông qua các hợp tác trực tiếp giữa các nước với Chính phủ PNG; Hợp tác đa phương được thực hiên qua hình thức sử dụng hạn ngạch của PNG do WCPFC cấp đối với nghề câu và do PNA cấp đối với nghề vây cá ngừ.
Hiện nay, tuy Việt Nam chưa có hợp tác cụ thể với PNG về khai thác thủy sản, song lãnh đạo hai nước đã trao đổi về một số biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương trong các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về thủy sản.
Khả năng để đưa tàu cá Việt Nam sang khai thác trong vùng biển của PNG có 2 hướng sau:
– Các tàu khai thác cá ngừ bằng hình thức hợp tác song phương giữa hai Chính phủ để mua lại hạn ngạch của PNG cho các tàu khai thác cá ngừ của Việt Nam;
– Hợp tác với PNG để đưa các tàu làm nghề khai thác cá tầng đáy (chủ yếu là nghề câu) vào khai thác ở vùng biển PNG.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang lập đề án trình Chính phủ phê duyệt để hợp tác với PNG về khai thác thủy sản.
4. Khả năng hợp tác với Malaysia
Malaysia có diện tích vùng đặc quyền kinh tế rộng 418.000 km2. Nguồn lợi chủ yếu là cá nổi nhỏ và cá ngừ đại dương. Nghề khai thác chủ yếu là lưới rê, vây và lưới kéo đơn. Luật Thủy sản của Malaysia ban hành năm 1985 cấm hoàn toàn nghề lưới kéo đôi, nghề lưới kéo đơn được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ quy định kích thước mắt lưới tại đụt lưới khai thác ở các vùng biển nhất định.
Thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và Bộ NN&PTNT Việt Nam đã có nhiều cuộc trao đổi và hội dàm với phía Malaysia về việc hợp tác trong khai thác thủy sản, tuy nhiên lãnh đạo ngành thủy sản Malaysia khẳng định bạn đủ khả năng đánh bắt hải sản trên vùng biển của mình nên không hợp tác trong khai thác với Việt Nam
Hiện nay, nhiều ngư dân các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang… đưa tàu đi sang hợp tác bất hợp pháp với một số tổ chức ở địa phương cấp tỉnh Malaysia, do vậy đã có một số tàu bị bắt giữ, xử lý.
5. Khả năng hợp tác với Indonesia
Indonesia là quốc đảo với nhiều quần đảo, đảo lớn nhỏ, có diện tích vùng biển rộng lớn, tiềm năng nguồn lợi hải sản khá lớn. Hiện nay, Indonesia là thành viên chính thức của WCPFC; Chính phủ Inđonesia áp dụng chặt chẽ đối với nghề lưới kéo, theo đó cấm toàn bộ tàu cá làm nghề lưới kéo hoạt động trên vùng biển của mình.
Năm 2010, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nông nghiệp thủy sản với Indonesia, tuy có chính sách hợp tác khai thác hải sản, nhưng quy định của Indonesia, cơ quan Trung ương sẽ cấp phép cho toàn bộ các tàu có công suất lớn hơn 30 tấn trọng tải; Hợp tác khai thác hải sản phải gắn với đầu tư nhà máy chế biến, sử dụng 2/3 lao động của Indonesia, sản phẩm phải bán ở Indonesia.
Mặc dù, phía Indonesia thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư trong lĩnh vực thủy sản, nhưng hiện nay việc hợp tác đang vướng phải một số quy định mới trong Nghị định số 44 vừa được Chính phủ Indonesia ban hành vào tháng 8/2016, theo đó Indonesia sẽ không cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại vùng biển Indonesia.
6. Khả năng hợp tác với Philippines
Philippines là một quốc gia quần đảo có vùng đặc quyền kinh tế 2,2 triệu km2 với hơn 7.100 hòn đảo lớn nhỏ, nguồn lợi chủ yếu là cá nổi nhỏ và cá ngừ đại dượng. Ngày 28/6/2010, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Philippines đã ký hiệp định hợp tác thủy sản, trong đó có lĩnh vực khai thác hải sản; Hai bên đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác song phương liên quan như: chống đánh bắt bất hợp pháp, nuôi trồng thủy sản, bảo quản sau thu hoạch và chế biến thủy sản; tuy nhiên về vấn đề hợp tác khai thác hải sản Philippines nêu rõ: Chính phủ nước này không cho phép liên doanh khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
7. Khả năng hợp tác với Myanmar
Với Nguồn lợi thủy sản dồi dào, Myanmar rất hoan nghênh và mong muốn hợp tác với Việt Nam. Ngày 27/7/2010, Việt Nam và Myanmar đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Thủy sản, Bộ Thủy sản và Chăn nuôi Myanmar.
Tuy nhiên, có một số khó khăn trong việc hợp tác khai thác thủy sản với bạn: phía Myanmar yêu cầu đặt cọc cho mỗi con tàu vào khai thác, thời hạn giấy phép chỉ cấp trong 1 tháng, quãng đường di chuyển từ Việt Nam sang tương đối xa, phải sử dụng lao động bản địa và sản phẩm phải bán ở Myanmar.
8. Khả năng hợp tác với Liên bang Micronesia
Liên bang Micronesia là quốc đảo nằm ở Thái Bình Dương có diện tích vùng đặc quyền kinh tế rộng 2,99 triệu km2 có nhiều nguồn lợi thủy sản phong phú. Hai nước đã trao đổi về khả năng hợp tác trong tương lai theo đó, phía Micronesia ủng hộ và sẵn sàng hợp tác khai thác hải sản (đặc biệt là nghề khai thác cá ngừ) và chế biến thủy sản với Việt Nam. Để triển khai hợp tác, hai bên cần có trao đổi, đàm phán cụ thể các nội dung hợp tác.
9. Khả năng hợp tác với Cộng hòa Palau
Cộng hòa Palau nằm ở Trung và Tây Thái Bình Dương có diện tích vùng đặc quyền kinh tế khoảng 629.000 km2 với nghề khai thác chủ yếu là câu vàng và vây cá ngừ đại dương.
Palau ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về khai thác thủy sản; tuy nhiên Palau rất coi trọng bảo tồn biển vì vậy bạn đề xuất liên doanh hợp tác khai thác phải kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, Việt Nam có thể tổ chức hợp tác khai thác ở các vùng biển quốc tế và khu vực do các tổ chức quốc tế quản lý như: Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC), Ủy ban Nghề cá vùng biển Ấn độ Dương (IOTC)…