T2, 06/07/2020 12:56

Kỳ 7: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác hải sản của Chính phủ Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; đồng thời thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU);

Tàu kiểm ngư Việt Nam tuần tra trên biển   Ảnh: KNVN

Tàu kiểm ngư Việt Nam tuần tra trên biển Ảnh: KNVN 

>> Kỳ 1: Một số quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển  

>> Kỳ 2: Một số điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển  

>> Kỳ 3: Phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước khu vực Vịnh Bắc bộ và khu vực biển Tây Nam bộ 

>> Kỳ 4: Phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước khu vực Biển Đông 

>> Kỳ 5: Một số quy định xử phạt của các nước đối với tàu nước ngoài vi phạm

>> Kỳ 6: Khả năng hợp tác khai thác hải sản với các nước của nghề cá Việt Nam

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hâu quả trong hoạt động khai thác thủy sản.

Trong nội dung này chủ yếu giới thiệu các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động khai thác thủy sản của các tàu khai thác xa bờ như sau:

1. Vi phạm quy định về đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác

 Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng, hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác.

 Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản từ 3 – 6 tháng.

  Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước đối với hành vi đưa tàu đi khai thác trái phép ở tại vùng biển quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

2. Xử phạt vi phạm quy định về ghi nhật ký khai thác thủy sản

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không ghi nhật ký khai thác thủy sản hoặc ghi nhật ký khai thác thủy sản không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có sổ nhật ký khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật.

3. Vi phạm quy định về giấy phép khai thác thủy sản

Mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy phép khai thác thủy sản đã quá hạn vào hoạt động khai thác thủy sản với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên như sau:

• Cảnh cáo đối với trường hợp giấy phép khai thác thủy sản đã quá hạn dưới 15 ngày;

• Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy phép khai thác thủy sản quá hạn từ 15 ngày trở lên đến dưới 30 ngày;

• Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy phép khai thác thủy sản quá hạn từ 60 ngày trở lên;

Mức phạt đối với hành vi khai thác thủy sản bằng tàu cá thuộc diện phải có giấy phép khai thác thủy sản mà không có giấy phép khai thác thủy sản như sau:

• Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên đến dưới 250 CV;

• Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 CV trở lên đến dưới 400 CV;

• Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy phép khai thác thủy sản làm giả; tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung như sau:

• Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên đến dưới 250 CV;

• Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 CV trở lên đến dưới 400 CV;

• Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Mức phạt đối với hành vi hoạt động sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản về nghề khai thác, vùng khai thác như sau:

• Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên vào khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng biển ven bờ;

• Đối với tàu lưới kéo (giã cào) hoạt động sai vùng khai thác theo quy định thì áp dụng mức phạt tiền gấp ba lần mức phạt tiền tối đa của khung hình phạt theo quy định tương ứng với tổng công suất máy chính của từng tàu cá vi phạm.

Hình thức xử phạt bổ sung:

• Tịch thu giấy phép khai thác thủy sản làm giả là tang vật vi phạm đối với hành vi sử dụng giấy phép khai thác thủy sản làm giả;

• Tịch thu giấy phép khai thác thủy sản tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi sử dụng giấy phép khai thác thủy sản tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung của giấy phép;

• Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 1 – 3 tháng.

4. Vi phạm quy định về đánh dấu nhận biết tàu cá

  Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không đánh dấu nhận biết tàu cá theo quy định của pháp luật.

5. Vi phạm quy định về sử dụng ngư cụ, thiết bị, phương pháp khai thác thủy sản

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đánh dấu ngư cụ đang được sử dụng tại ngư trường theo quy định của pháp luật hoặc vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên (trừ trường hợp bất khả kháng).

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

• Sử dụng đèn chiếu sáng để khai thác thủy sản mà tổng công suất đèn vượt quá quy định của pháp luật;

• Sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định của pháp luật để khai thác thủy sản.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam để khai thác thủy sản mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản khác bị cấm sử dụng theo quy định của pháp luật: Phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung:

• Tịch thu số bóng đèn tương ứng công suất vượt quá mức quy định đối với hành vi quy định sử dụng đèn chiếu sáng để khai thác thủy sản mà tổng công suất đèn vượt quá quy định của pháp luật;

• Tịch thu bộ phận lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định đối với hành vi quy định sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định của pháp luật để khai thác thủy sản;

• Tịch thu ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản khác bị cấm hoặc ngư cụ, thiết bị khai thác thủy sản du nhập từ nước ngoài chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

• Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 1 – 3 tháng đối với hành vi quy định sử dụng ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản khác bị cấm sử dụng theo quy định của pháp luật.

6. Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.

Mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản:

• Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 250 CV;

• Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 CV đến dưới 400 CV.

• Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Hình thức xử phạt bổ sung:

• Tịch thu công cụ kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản đối với các hành vi nêu trên;

• Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3 – 6 tháng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản.

7. Vi phạm các quy định về sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản

Mức phạt tiền đối với hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác như sau:

• Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác xảy ra tại vùng nước nội đồng.

• Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác xảy ra trên biển.

Mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản như sau:

• Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản tại vùng nước nội đồng;

• Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản trên biển.

Hình thức xử phạt bổ sung:

• Tịch thu vật liệu nổ đối với các hành vi quy định nêu trên;

• Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3 – 6 tháng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại công trình hoặc tài sản, công cụ khai thác thủy sản bị phá hỏng do hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản gây ra.

Hoàng Yên - Thu Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!