Quảng Bình: Hồi sinh nuôi tôm trên cát

Chưa có đánh giá về bài viết

Phục hồi nuôi trồng thủy sản mặn lợ trên cát ở Quảng Bình đang phát triển nhanh trong vài năm gần đây. Sau sự cố môi trường biển xảy ra năm ngoái, diện tích nuôi trồng sụt giảm hẳn. Trong vụ nuôi năm 2017, các địa phương đăng ký nuôi thủy sản mặn lợ đều tăng cao đạt khoảng 1.500 ha.

Diện tích nuôi tôm được phục hồi trở lại   Ảnh: Hạnh Châu

Diện tích nuôi tôm được phục hồi trở lại Ảnh: Hạnh Châu

Những tín hiệu đáng mừng

Là địa phương có trên 200 ha nuôi tôm trên cát, người dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch đã hoàn thành việc chuẩn bị ao hồ sẵn sàng thả giống nuôi. Ông Lê Văn Lý, chủ của 5 hồ tôm ở Nhân Trạch cho biết, từ đầu tháng 3 ông đã tiến hành nạo vét bùn, rải vôi, phơi đáy, diệt sinh vật tạp. Dự kiến đầu tháng 4 sẽ thả lứa tôm giống hồ thứ nhất và sau đó vài ngày sẽ thả toàn bộ tôm giống xuống 4 hồ còn lại. “Hy vọng vụ tôm này sẽ có hiệu quả để tạo điều kiện tốt cho vụ sau” – ông Lý hồ hởi nói.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho vụ nuôi mới khá thuận lợi. Ông Lý cho hay, việc lấy nước cho các hồ nuôi phải hết sức thận trọng. Nguồn nước phải áp dụng các biện pháp diệt khuẩn và ngăn chặn các loài động vật từ bên ngoài có thể xâm nhập vào ao nuôi như còng, cáy, ốc… Sau khi lấy nước vào hồ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường, đặc biệt là nguồn nước cấp vào ao nuôi phải bảo đảm các chỉ tiêu môi trường nước nằm trong ngưỡng thích hợp đối với từng đối tượng nuôi.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 110 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, trong đó có 8 doanh nghiệp, còn lại là hộ gia đình và nhóm hộ gia đình. Năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tăng cao qua hàng năm. Nếu như năm 2012 chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha, đến năm 2015 đã tăng lên khoảng 9 – 10 tấn/ha. Có địa phương có năng suất cao đến 15 tấn/ha.

Trên địa bàn xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, ngư dân cũng đã trúng lớn; như chia sẻ của ông Ngô Minh Phiện, vụ tôm đầu năm khá thuận lợi, năng suất đạt cao và giá cả cũng tốt nên người nuôi đã có lãi lớn. Trung bình mỗi hồ tôm cho lãi trên 300 triệu đồng. Có hộ lãi trên 1 tỷ đồng trong vụ nuôi này.

Tăng cường quản lý

Bên cạnh những thuận lợi, việc nuôi tôm trên cát đang đối mặt với khó khăn về con giống và nguồn nước. Cứ vào vụ nuôi, lượng tôm giống thả nuôi với số lượng lớn, lại tập trung trong thời gian ngắn nên để người dân chọn được con giống có chất lượng tại các cơ sở sản xuất và dịch vụ là rất khó khăn. Do đó, chỉ có một số ít doanh nghiệp, hộ nuôi mua được tôm giống chất lượng cao, còn lại là con giống trôi nổi trên thị trường, chưa qua kiểm dịch, tỷ lệ sống thấp. Công tác quản lý chất lượng tôm giống hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tôm giống sản xuất ngoài địa bàn tỉnh. Chất lượng con giống nhiều lô tôm không bảo đảm; người dân mua giống tôm trôi nổi, giá rẻ, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ (không có phiếu kiểm dịch) vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trước thực trạng đó, vụ nuôi này, Sở NN&PTNT Quảng Bình đã có văn bản khuyến cáo các địa phương, đơn vị, hộ gia đình khi thả giống tôm phải có nguồn gốc rõ ràng và phải được kiểm dịch, kiểm nghiệm đạt chất lượng tốt. Cần lựa chọn con giống để nuôi tại các cơ sở lớn, có y tín, có thương hiệu và kiểm tra xét nghiệm kỹ trước khi vận chuyển về ao nuôi.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để tạo điều kiện cho bà con khôi phục vụ nuôi trồng mặn lợ năm 2017, UBND tỉnh hỗ trợ giống tôm thẻ chân trắng vùng bị thiên tai, dịch bệnh với kinh phí 380 triệu đồng, kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản 100 triệu đồng. Đồng thời, phân khai nguồn hỗ trợ này cho các địa phương, đơn vị để chủ động sản xuất giống phục vụ vụ nuôi năm nay.

Một vấn đề khác hiện nay chính là việc một số vùng nuôi hình thành tự phát, không có quy hoạch chi tiết, không có đánh giá tác động môi trường (cam kết bảo vệ môi trường) hoặc có đánh giá tác động môi trường nhưng không thực hiện đúng. Nhiều cơ sở nuôi tôm không có ao chứa, xử lý nước cấp và chưa dành diện tích để xử lý nước thải, đặc biệt là ao chứa và xử lý chất thải trong quá trình nuôi tôm.

Kinh nghiệm nuôi tôm thành công của Công ty CP Đức Thắng cho thấy, khi bơm nước biển vào ao chứa cần thực hiện xử lý lặp lại 2 – 3 lần khi có nghi ngờ khí độc, kim loại nặng. Ngoài ra, sử dụng quạt nước hoặc sục khí mạnh, liên tục từ đáy ao và phơi nắng tối thiểu 10 ngày, rồi lọc nước qua hệ thống lọc cát trước khi cấp bổ sung vào ao đầm, bể nuôi. Tiến hành thử nghiệm các mẫu nước khi bơm từ biển và xử lý trước khi đưa vào nuôi để tiếp tục sản xuất. Nhiều hộ nuôi trước khi cấp nước vào ao nuôi cũng tiến hành thử bằng cách thả cá, tôm giống trực tiếp vào mẫu nước đã được xử lý lấy từ ao lắng cũng mang lại kết quả khả quan.

>> Tại Quảng Bình, địa phương hiện có diện tích nuôi lớn nhất là huyện Bố Trạch với 737 ha, tiếp đó là thị xã Ba Đồn 292 ha, thành phố Đồng Hới 164 ha, Quảng Ninh 131 ha, huyện Quảng Trạch 125 ha và huyện Lệ Thủy 56 ha.

Hạnh Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!