Sự kiện
Năm 2023, rong biển trở thành chủ đề nóng và tiếp tục quay lại bàn tròn nuôi trồng thủy sản với vai trò cải thiện kinh tế và chống biến đổi khí hậu. Theo xếp hạng của Pinterest, Delish và Whole Foods Market, rong biển là 1 trong 6 xu hướng thực phẩm nổi bật nhất năm 2023. Trong năm qua, hàng loạt trang trại rong biển mới mọc lên dọc bờ biển New England, Tây Bắc Thái Bình Dương và Alaska. Các nhà khoa học Bắc Mỹ đang nhân giống chọn lọc rong biển, lai tạo ra những giống có tính trạng mong đợi như tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt và chịu được khí hậu khắc nghiệt để phát triển bền vững nghề trồng rong biển ở Bắc Đại Tây Dương và Đông Thái Bình Dương. Tại châu Á, năm 2023, Ấn Độ cũng chi ngân sách 6,4 tỷ ruppe (100 triệu USD) hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng rong biển; đồng thời cấp kinh phí nghiên cứu 800 loại rong biển tại Ấn Độ. Quốc gia này đạt mục tiêu nâng sản lượng rong biển từ 34.000 tấn hiện nay lên 1,12 triệu tấn vào năm 2025 và phát triển khu công nghiệp rong biển ở Tamil Nadu.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, các tỉnh ven biển đã đưa vào sử dụng hơn 20.000 lồng cá trọng lực, 40 lồng khung thép và 4 tàu nuôi cá thông minh. Tổng quy mô nuôi xa bờ của Trung Quốc gần 44 triệu m3, sản lượng 400.000 tấn, chiếm 20% sản lượng nuôi biển của cả nước. Chính phủ đặt mục tiêu tăng quy mô nuôi biển xa bờ thêm 16 triệu m3 trong 5 năm tới, lên hơn 60 triệu m3 và đạt sản lượng 600.000 tấn, chiếm tỷ trọng hơn 25% tổng sản lượng nuôi biển. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất thiết bị nuôi biển sâu quy mô lớn nhất thế giới và bắt đầu nghiên cứu mô hình “bãi chăn nuôi di động” như Guoxin 1 để nuôi cá khép kín, sử dụng cabin nuôi gắn trên tàu, cabin nuôi cá không kết nối trực tiếp với vùng nước biển. Mật độ nuôi của Guoxin 1 gấp 4 – 6 lần so với lồng truyền thống, trung bình 22 kg/m3, đảm bảo tỷ lệ sống trên 95%, giảm 60% – 70% lượng khí thải chăn nuôi.
Ngày 24/8, Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi, tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày liên tục. Kế hoạch xả thải vấp phải phản đối từ phía các nghiệp đoàn đánh cá trong nước và các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản vào ngày 24/8. Ngày 27/ 7, giới chức Hàn Quốc tuyên bố áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để phát hiện phóng xạ nếu có trong hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Rosselkhoznadzor, cơ quan nông nghiệp Nga, ngày 16/10 thông báo hành động tương tự Trung Quốc, áp biện pháp hạn chế tạm thời đối với hải sản từ Nhật Bản. Chính phủ Nhật đã phân bổ 80 tỷ yên (550 triệu USD) để hỗ trợ, giải quyết các thiệt hại tiềm tàng mà ngành chế biến thủy hải sản ở Fukushima có thể gặp phải.
Trong năm tài khóa 2023, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) thu gần 2,6 triệu USD từ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Phần lớn số tiền thu được từ thịt tôm hùm đất nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 2,3 triệu USD và fillet cá đông lạnh của Việt Nam, trị giá hơn 302.000 USD. CBP cũng thu hơn 3.200 USD từ thuế chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh và tôm sú nhập khẩu từ Ecuador, Brazil, Ấn Độ và Thái Lan. Ngày 1/6/2023, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) thông báo nhất trí giữ nguyên lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Tháng 10/2023, Hiệp hội Chế biến Thủy sản Mỹ (ASPA) nộp đơn lên Bộ Thương mại (DOC) khởi kiện chống bán phá giá với tôm từ Ecuador và Indonesia; đồng thời cũng khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Thượng nghị sĩ Hyde-Smith bang Mississippi cũng đề xuất dự thảo luật cấm nhập khẩu thủy sản Trung Quốc; đồng thời xử phạt các công ty nhập khẩu thủy sản Trung Quốc và đánh thuế những quốc gia tạo điều kiện cho việc vận chuyển sản phẩm này.
Sản lượng tôm của Ecuador đang dẫn đầu thế giới, ước 1,49 triệu tấn năm 2023, đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng thừa nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu thụ tôm tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất, giảm mạnh chưa từng có. Lần đầu tiên, các container chứa đầy tôm Ecuador trên đường đến Trung Quốc mà không có thỏa thuận bán hàng trước hoặc với giá chiết khấu cao. Tiếp đến, tôm Ecuador ngậm ngùi “vắng khách” tại Hội chợ Triển lãm Thủy sản Quốc tế Quảng Đông hồi cuối tháng 6/2023. Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA) cho biết, giá tôm xuất khẩu trung bình tháng 8 đạt 4,9 USD/kg, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2010. Đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Ecuador được nhận định sẽ tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, mức tăng chậm của tháng 10 cho thấy dấu hiệu xuất khẩu tôm của nước này đã bắt đầu hạ nhiệt khi năm 2023 đang dần khép lại.
Trong ba năm liên tiếp từ 2024 đến 2026, châu Âu đã nhất trí mở lại hệ thống hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQs) cho một số sản phẩm thủy sản. Quyết định này nhằm mục đích bảo đảm ngành chế biến thủy sản của EU có thể tiếp tục duy trì nguồn cung nguyên liệu thô giá rẻ và tiêu chuẩn thấp từ các đội tàu nước ngoài, gồm cá ngừ, cá minh thái Alaska, cá tuyết, cá đáy và tôm… Theo đó, những mặt hàng nằm trong chế độ hưởng ưu đãi chính sách ATQs sẽ được giảm hoặc miễn thuế. Hội đồng châu Âu cho biết, hạn ngạch thuế quan tự trị chỉ được cấp cho những sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu phục vụ nhà máy chế biến thủy sản tại châu Âu trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung. Quy định ATQs mới đã được thông qua ngày 28/11/2023, và có hiệu lực với một số sản phẩm thủy sản nhất định với số lượng hạn chế. Các sản phẩm hải sản xuất xứ Nga và Belarus sẽ không được hưởng lợi từ chính sách nhập khẩu ATQs của châu Âu, do căng thẳng chính trị giữa hai bên vẫn chưa được cải thiện.
El Nino đã tác động đến nghề đánh bắt cá cơm của Peru, khiến chính phủ nước này buộc phải ngừng đánh bắt cá vào ngày 14/6. Đây là lần thứ hai Peru đóng cửa ngư trường khai thác cá cơm, sau đợt El Nino lớn năm 2014 – 2015. Dự báo, năm 2023, sản lượng bột cá và dầu cá của Peru sẽ giảm so với 5,3 triệu tấn bột cá và 1,28 triệu tấn dầu cá được sản xuất vào năm 2022. Ước tính năm 2023 nước này sẽ đạt 4,5 triệu tấn bột cá và 1,14 triệu tấn dầu cá. Ngành tôm Ecuador cũng trong tình trạng báo động khi một đợt El Nino xuất hiện vào ngày 15/11/2023 gây ngập lụt diện rộng. Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA) cảnh báo rằng khoảng 50% diện tích nuôi tôm nằm trong vùng lũ, ước tính 110.000 ha diện tích nuôi tôm có nguy cơ mất trắng. Ngoài ra, ngành khai thác cá của Ecuador cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ El Nino suốt 7 tháng đầu năm 2023, khiến nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá.
Sau khi Mỹ và châu Âu cấm nhập khẩu, hải sản Nga chuyển hướng bán sang châu Á với sản lượng thu mua từ Nhật Bản, Trung Quốc tăng mạnh. Giá thịt cua nhập khẩu giảm đáng kể ở Nhật Bản nhờ nguồn cung từ Nga tăng mạnh kéo theo giá cua Canada và Na Uy giảm. Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản vào ngày 24/8/2023, Nga chớp thời cơ tăng mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Cơ quan nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor công bố kế hoạch đối thoại với Trung Quốc về an toàn hải sản, hoàn thành đàm phán về các quy định cung cấp hải sản Nga cho Trung Quốc.
Tháng 9/2023, Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) phát triển khung Dự án cải tiến nuôi trồng thủy sản toàn cầu (AIPs) hỗ trợ các trang trại chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ điều kiện đạt chứng nhận ASC nhưng cam kết cải thiện phương pháp canh tác tại trang trại của mình. Các trại nuôi tôm chọn một trong hai lộ trình AIP: Đầu tiên là lộ trình chứng nhận từ AIP lên ASC gồm 4 giai đoạn để cải thiện hiệu suất lên mức sẵn sàng – đây là thời điểm cuối AIP để bắt đầu quy trình chứng nhận ASC; Thứ hai là lộ trình AIP lên Better Practices, được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trại tôm không muốn chứng nhận ASC nhưng muốn cải thiện phương thức thực hành chăn nuôi có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Mô hình thí điểm AIP – ASC đầu tiên được thực hiện ở Indonesia và Bangladesh.
Tháng 11/2023, các công ty nuôi thủy sản Israel gồm Colorr Farm, Evogene đã hợp tác với Viện nghiên cứu hàn lâm Israel, Đại học Ben-Gurion (BGU) đưa kỹ thuật chỉnh sửa gen vào ngành nuôi tôm. Những đối tượng nghiên cứu trọng tâm gồm tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng và tôm hùm đất. Qua nghiên cứu, các chuyên gia tại Israel đặt mục tiêu tăng cường tính trạng chính trên tôm gồm tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh và thích ứng môi trường. Các đơn vị tài trợ nghiên cứu kỳ vọng kỹ thuật chỉnh sửa gen tôm sẽ giúp Israel nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp chính xác. Colors Farm tiến hành chỉnh sửa gen tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng thông qua các giải pháp gen mục tiêu. Evogene triển khai công nghệ GeneRator dựa trên nền tảng AI để dự đoán RNA (gRNAs) tối ưu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉnh sửa gen bằng công nghệ CRISPR. Giáo sư Amir Sagi, thuộc Đại học Ben-Gurion sẽ phát triển nền tảng chỉnh sửa gen cho tôm hùm đất.