VietShrimp 2024, với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm” diễn ra từ ngày 20 – 22/3/2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau. Sự kiện quy tụ khoảng 200 gian hàng từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Không chỉ là nơi kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, đối tác và khách hàng, VietShrimp 2024 còn là diễn đàn quy tụ đại diện của “bốn nhà” – Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông – để cùng thảo luận, tìm kiếm giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững và tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra trong quý III/2024 ước đạt 544 triệu USD, tăng gần 14% so với quý III/2023. Hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, Hoa Kỳ đạt 240 triệu USD, tăng 23%; Brazil đạt 81 triệu USD, tăng 26%; Thái Lan đạt 43 triệu USD, tăng 9%. Điểm nổi bật trong xuất khẩu cá tra 9 tháng năm 2024 là nhóm cá tra chế biến, tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng về kim ngạch tăng đột phá 42%; tiếp đến là cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%, cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng nhẹ 4%.
Năm 2024, đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Trên hành trình 10 năm, nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã được triển khai…Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế biển, lực lượng Kiểm ngư tiếp tục hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, giữ vững an ninh, trật tự nghề cá trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếp nối thành công của Lễ hội cá, tôm sông Đà lần thứ nhất, ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức “Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình” lần thứ hai tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh. Hoạt động nhằm khẳng định và xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, thông qua lễ hội sẽ giới thiệu tới người dân và du khách hình ảnh ấn tượng về tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Hòa Bình nói chung, khu du lịch vùng hồ sông Đà nói riêng, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường du lịch trong và quốc tế đến với tỉnh Hòa Bình.
Lễ hội tôm hùm Cam Ranh – năm 2024 có chủ đề “Vịnh xanh bừng sáng”, diễn ra từ ngày 3 – 11/8, do UBND TP. Cam Ranh tổ chức. Lễ hội tôm hùm năm 2024 là một trong những hoạt động văn hóa – du lịch quy mô và trọng điểm của thành phố, hướng đến duy trì tổ chức thường niên để thông qua sự kiện nhằm giới thiệu, phát huy giá trị văn hóa và con người Cam Ranh; đồng thời giới thiệu quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế – du lịch, thu hút các nguồn vốn đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển Cam Ranh.
Ngày 16/8/2024, đại diện tổ chức Bureau Veritas tại Việt Nam đã trao giấy chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu) cho Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú, đơn vị đồng hành cùng nông dân thực hiện “Dự án tôm – lúa xã Biển Bạch Đông” ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận quốc tế thứ 2 (sau ASC) tại vùng chuyên canh tôm – lúa của huyện Thới Bình và là chứng nhận BAP đầu tiên được triển khai tại vùng chuyên canh tôm – lúa của Việt Nam.
Cụ thể, theo công văn của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), Cục này đã nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA ngày 14/2/2024 của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.
Chiều 16/10/2024, trong buổi tiếp xúc cử tri tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và xem xét nâng gói tín dụng dành cho nông, lâm, thủy sản lên 60.000 tỷ đồng. Buổi tiếp xúc này thuộc hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024. Hiện tại, cả nước đang triển khai 8 chương trình và cơ chế tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản. Ngoài ra, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn được bổ sung thêm 4 chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù, nâng tổng số cơ chế hỗ trợ tín dụng cho khu vực này lên 12 chương trình.
Ngày 4/11/2024, Ủy ban Châu Âu đã ban hành Quy định thực hiện (EU) 2024/2794, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2021/1378 nhằm tăng cường kiểm soát các tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ tại các quốc gia ngoài EU, trong đó có Việt Nam. Đây là bước tiến mới trong nỗ lực của EU để đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm hữu cơ nhập khẩu, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Quy định (EU) 2018/848. Động thái này là một phần trong chiến lược của EU nhằm thắt chặt các tiêu chuẩn hữu cơ, loại bỏ các chứng nhận chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EU. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam củng cố uy tín sản phẩm hữu cơ tại thị trường châu Âu thông qua các tổ chức chứng nhận đạt chuẩn.
Nghị định 122/2024, có hiệu lực từ 1/12/2024, đưa ra nhiều quy định siết chặt quản lý thương mại biên giới. Theo nghị định, từ 1/1/2029, cư dân biên giới phải trực tiếp làm thủ tục xuất nhập khẩu khi mua bán hàng hóa qua biên giới. Đặc biệt, từ 1/1/2030, hàng hóa Việt Nam sẽ không còn được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Việc xuất nhập khẩu sẽ chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, lối mở biên giới được quy định và đạt thỏa thuận song phương. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh các chính sách miễn thuế nhập khẩu trong năm 2029 trước khi áp dụng quy định mới. Những thay đổi này nhằm tăng cường quản lý thương mại biên giới, đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.