Ngành thủy sản Việt Nam trải qua một năm 2018 đầy cảm xúc và bất ngờ. Trong khi cá tra thắng lớn, hải sản xuất khẩu có lãi thì con tôm lại không thể đạt kỳ vọng. Chưa kể là những lo toan để hy vọng sớm đổi màu “thẻ” từ thị trường EU. Cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam điểm lại những sự kiện đáng chú ý của ngành trong năm qua.
1. Xuất khẩu lập kỷ lục mới
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2018 đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017. Trong đó, 3 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là: Mỹ với 1,48 tỷ USD, EU 1,31 tỷ USD và Nhật Bản 1,27 tỷ USD (tính đến hết tháng 11/2018). Đây cũng là con số ấn tượng của ngành thủy sản sau những tháng đầu năm chật vật.
2. Con tôm không đạt kỳ vọng
Năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt khoảng 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% so với năm 2017. Đồng thời, đây cũng là năm nhiều biến động của tôm khi nhu cầu thị trường không cao, giá tôm toàn cầu giảm, giá bán trong nước thấp kỷ lục. Thời điểm tháng 5/2018, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg bán tại đầm chỉ 70.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng. Nguyên nhân được cho là do nhiều nước sản xuất tôm lớn như Ấn Độ, Thái Lan… vào vụ thu hoạch nên sản lượng nhiều, giá tôm toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, việc người nuôi tôm tăng thu hoạch để bán tháo cũng khiến tình hình thêm rối ren và ảm đạm.
3. Cá tra thay đổi ngoạn mục
Trái ngược với con tôm, 2018 lại là một năm “trở mình” mạnh mẽ của cá tra Việt Nam. Theo VASEP, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm cán đích với kỷ lục trên 2,26 tỷ USD. Trong nước, tình hình sản xuất cá tra cũng vô cùng khởi sắc, giá cá nguyên liệu trung bình 30.000 – 32.000 đồng/kg, thậm chí cá loại 1 có thời điểm đạt 35.000 – 36.000 đồng/kg, người nuôi lãi lớn. Giá cá tăng đã khiến cho “phong trào” thả nuôi cá tra thương phẩm và cá tra giống bùng phát mạnh.
4. Thị trường xuất khẩu biến động
Năm 2018 đánh dấu thị trường Mỹ “bừng sáng” trở lại, khi hàng loạt rào cản được tháo gỡ và Mỹ vững vàng vị trí số 1 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trái ngược lại, do hiệu ứng từ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EC), năm 2018, xuất khẩu nhiều mặt hàng hải sản của Việt Nam sang EU giảm đáng kể. Cùng đó, nhiều thị trường cũng có sự trồi sụt, kể cả thị trường Trung Quốc. Xét về mặt tăng trưởng, 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sang Campuchia tăng mạnh nhất 81,9%, đạt 19,21 triệu USD; UAE tăng 78,8%, đạt 62,16 triệu USD… Ngược lại, xuất khẩu sang Saudi Arabia giảm mạnh nhất 71%, đạt 14,1 triệu USD; Séc giảm 43,9%, đạt 4,3 triệu USD.
5. Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” từ IUU
Sau khi bị Liên minh châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng hình thức “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU với 9 khuyến nghị, phía Việt Nam đã rất nỗ lực để thay đổi. Từ ngày 16 – 24/5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC đã sang Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện 9 khuyến nghị về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Kết thúc, Đoàn ghi nhận sự nỗ lực của phía Việt Nam, tuy nhiên, đánh giá tình hình tại các địa phương chưa được cải thiện đáng kể. Cuối tháng 10/2018, Đoàn Nghị viện châu Âu gồm 30 thành viên, trong đó có 8 Nghị sĩ sang làm việc và kiểm tra việc thực hiện IUU tại Việt Nam. Qua thực tế tại Bình Định và Hải Phòng, Đoàn đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ phía Chính phủ và các địa phương.
6. Phê duyệt 3 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực
Ngày 13/12/2018, Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Bao gồm: cá tra (Pangasianodon hypophthalmus), tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Ba đối tượng này đều đáp ứng tốt các tiêu chí: Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; Tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; phát huy hiệu quả tài nguyên, điều kiện tự nhiên của đất nước và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; Có năng suất và hiệu quả sản xuất cao; có khả năng thu hút đầu tư để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; Tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao; có khả năng cạnh tranh với đối tượng thủy sản của quốc gia khác trên thị trường nội địa và xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tối thiểu đạt 100 triệu USD/năm.
7. Phát triển nghề khai thác viễn dương
Ngày 17/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1047/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước. Mục tiêu làm điểm tổ chức mô hình đưa doanh nghiệp và ngư dân đi hợp tác khai thác thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản với một số nước, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm mở rộng các hình thức hợp tác, từng bước phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài… Đề án chia làm hai giai đoạn: Đến năm 2020, tổ chức làm điểm tại 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu với các nước đã có thỏa thuận hợp tác: Brunei, Papua New Guinea, Micronesia; Từ 2020 – 2025, mở rộng ra các địa phương: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau và một số tỉnh khác; với các nước trong khu vực, các quốc đảo ở Thái Bình Dương và các nước có thỏa thuận, hợp tác về nghề cá với Việt Nam.
8. VietShrimp 2018 tiếp tục thành công
VietShrimp 2018 thu hút 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Ảnh: Minh Vũ
Năm 2018, lần thứ hai Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp) trở lại. Với tâm thế là hội chợ duy nhất của chủ lực ngành thủy sản, nên ngay từ khi khởi động, VietShrimp đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nuôi tôm trên cả nước. VietShrimp 2018 tiếp tục diễn ra tại TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) trong 3 ngày, từ 27 – 29/4/2018; hội chợ thu hút 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm với khoảng 150 gian hàng, trong đó có sự góp mặt đầy đủ tên tuổi lớn trong nước và nước ngoài. Trong 3 ngày, VietShrimp 2018 thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham quan. Cùng với các gian hàng triển lãm, các buổi hội thảo trong khuôn khổ VietShrimp cũng thu hút đông đảo đại biểu tham dự.
9. Cơ sở sản xuất tôm giống đầu tiên đạt chuẩn OIE
Ngày 25/12/2018, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức công bố cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn an toàn dịch bệnh đầu tiên tại Việt Nam theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Đó là cơ sở sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt – Úc. Khu sản xuất tôm giống của Việt – Úc có vị trí tách biệt về mặt địa lý với các nguồn có nguy cơ ô nhiễm, dễ vệ sinh, sát trùng và không có rủi ro lây nhiễm. Đây là bước tiến quan trọng của ngành tôm, mở ra cơ hội lớn để con tôm Việt Nam có được “tấm vé vàng” để gia nhập vào các thị trường nhập khẩu khắt khe nhất trên thế giới.
10. Giá trị nhập khẩu tăng mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng, trong 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu thủy sản đã tăng 20,8% so với 10 tháng đầu năm 2017, đạt 1,57 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu thủy sản chủ yếu từ Ấn Độ, Na Uy, các thị trường Đông Nam Á, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ chiếm tới 20,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của cả nước, đạt 321,6 triệu USD.