Thủy sản Việt Nam đang mất dần sức cạnh tranh do giá thành tăng cao và chất lượng gặp nhiều vấn đề về kháng sinh.
Đang bị “thắt cổ chai”
Ông Trần Thiện Hải – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định rằng năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành thủy sản, dự kiến có khoảng 20% doanh nghiệp (DN) trong ngành sẽ phải đóng cửa.
Xuất khẩu thuỷ sản năm nay đang đối mặt với nhiều khó khăn.
|
“Ngành nghề của chúng ta đang ngày càng ít hấp dẫn đi, năng lực cạnh tranh giảm sút nhiều” – ông Hải đánh giá. Theo đó, sự giảm sút năng lực cạnh tranh đến từ việc DN lẫn người dân thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu nguyên liệu đúng chuẩn chế biến, chi phí đầu vào tăng cao, chất lượng con giống giảm sút đến tình hình khó khăn về tài chính trên thế giới và các nước ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Ông Dương Ngọc Minh -Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, ngành thủy sản VN đang bị “thắt cổ chai” về tài chính trong khi giá thành lại tăng cao. Theo ông Minh, mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD của ngành thủy sản trong năm nay cần nguồn vốn rất lớn nhưng ngân hàng lại đang giảm cho vay, kế hoạch này sẽ khó thực hiện.
Khó kiểm soát dư lượng kháng sinh
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Nafiqad thừa nhận, hiện các lô hàng thủy sản lấy mẫu kiểm tra là hơi nhiều. Nguyên nhân do một số nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada,… đang cảnh báo gay gắt trước tình trạng nhiều lô hàng thủy sản của VN nhiễm kháng sinh thời gian gần đây.
“Quyết định tăng cường kiểm tra các lô hàng như là biện pháp khẩn cấp chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định nhằm tránh việc các nước này cấm nhập khẩu thủy sản VN và sẽ được xem xét điều chỉnh hoặc bãi bỏ ngay khi tình hình được cải thiện” – ông Tiệp giải thích.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh – TGĐ Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi, việc Nafiqad cho rằng DN sai nên phải tăng cường kiểm soát, làm tăng chi phí giá thành, giảm sức cạnh tranh của DN. “Xuất khẩu năm nay của công ty chúng tôi đã giảm hơn 50% so với năm 2011 tại thị trường EU và thị trường Nhật Bản cũng đang bị đe dọa. Tất cả đều do vấn đề nhiễm kháng sinh. Nhưng chất kháng sinh đó từ đâu mà có? Chính do Bộ NNPTNT cho phép người dân sử dụng trong ao nuôi” – ông Anh bức xúc.
Về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, ngành đang rà soát và đã cấm một số loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản như Cypermethrim, Deltamethrin và Enrofloxacin và công việc này đang được tiếp tục. Thế nhưng việc kiểm soát kháng sinh từ ngay ao nuôi lại không thể làm được.
“Vì hiện có đến hàng triệu hộ nông dân đang nuôi tôm và các loại thủy hải sản khác, mà ngành không có đủ lực lượng để xuống từng ao nuôi kiểm tra. Chính vì thế việc kiểm tra sẽ theo hướng chuỗi và kiểm soát theo hệ thống”- ông Phát nói.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Nafiqad
Ngọc Minh – Thuận Hải, DV
Theo Báo An Giang