(TSVN) – Khi nguồn cung bột cá, dầu cá dần cạn kiệt, nhiều sinh vật biển khác có tiềm năng trở thành nguyên liệu thức ăn thủy sản cần thiết thay thế.
Có ít nhất 3 động vật biển được đánh giá là nguồn protein tiềm năng trong thức ăn thủy sản: vẹm, Artemia và giáp xác chân 2 loại. Đây đều là nhóm sinh vật ở bậc dinh dưỡng thấp và hấp thu chất dinh dưỡng từ vi tảo, hoặc các hạt vật chất hữu cơ trong môi trường biển.
Giáp xác chân 2 loại
Vẹm xanh và vẹm lục tăng trưởng nhanh trong môi trường giàu dinh dưỡng và hoạt động như những tác nhân điều chỉnh sinh học, biến đổi chất dinh dưỡng trong chất thải thành protein. Vẹm chứa hàm lượng protein cao (50 – 70% khối lượng khô – DW) và lipid (5 – 16% DW), với lượng axit amin và axit béo tương đương bột cá. Theo nhiều nghiên cứu, vẹm là nguồn protein tiềm năng trong thức ăn thủy sản với lượng bổ sung tối đa 25%. Ngoài ra, vẹm đóng một số vai trò quan trọng trong cố định carbon và giảm hiện tượng phú dưỡng.
Ấu trùng Artemia (nauplius) là thức ăn sống quan trọng, cho hầu hết các trại sản xuất giống thủy sản. Nguồn cung Artemia nauplius phụ thuộc vào trứng Artemia khai thác trong tự nhiên, đã thúc đẩy các nỗ lực nuôi Artemia để sản xuất trứng. Sử dụng Artemia trưởng thành làm thức ăn, cũng bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý. Nuôi Artemia có thể cho sản lượng tương đối cao (2 tấn/ha/vụ) trong ao nước nông, bằng thức ăn tận dụng từ phụ phế phẩm. Hàm lượng protein trong sinh khối Artemia tương đối cao, khoảng 51- 60% DW với lượng lipid 5 – 10% DW.
Giáp xác chân 2 loại lớn rất nhanh trong môi trường giàu dinh dưỡng. Theo một nghiên cứu gần đây, giáp xác chân 2 loại nuôi bằng vi tảo và phân bò, có thể được sử dụng làm thức ăn duy nhất cho ấu trùng TTCT Thái Bình Dương.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về một số loài rong biển làm thức ăn thô, phụ gia trong hợp chất hoạt tính sinh học như: flavonoid, prebiotic, and carotenoid, hoặc như nguồn dinh dưỡng đa lượng và vi lượng. Rong biển còn là chất hấp thụ sinh học hiệu quả các chất dinh dưỡng trong môi trường xung quanh.
Rong biển Ulva pertusa
Các loài rong biển thuộc chi Ulva spp.có tiềm năng nhất, để trở thành nguyên liệu thức ăn thủy sản và thực phẩm chức năng. Nhờ khả năng loại bỏ ammonia nitơ (89%) và phosphate (44%), U. pertusa còn là một cỗ máy cải tạo môi trường trong ao nuôi tôm, hoặc cá thâm canh ở vùng ven biển, hoặc nuôi cấy trong các hệ thống nuôi thủy sản đa loài. Hàm lượng protein của Ulva spp lên đến 32% DW với lượng lipid <2% DW. Nhiều loài rong này đã được nghiên cứu như nguyên liệu thức ăn, cho một số đối tượng NTTS với tỷ lệ bổ sung tối đa 25%.
Rong câu (Gracilaria sp.) được trồng phổ biến nhất để sản xuất thạch agar, với lượng protein lên tới 18,9% DW, lipid <1% DW. Tỷ lệ tiêu hóa protein của Gracilaria vermiculophylla khoảng 87,8% và 51,4% lần lượt ở cá hồi vân và rô phi Nile. Sử dụng Gracilaria spp trong thức ăn thủy sản, được thử nghiệm trên nhiều đối tượng NTTS, với tỷ lệ bổ sung cao nhất trên cá chẽm châu Âu là 25%.
Vi sinh vật cũng có tiềm năng làm thức ăn như vi tảo, nấm men, vi khuẩn và tảo lam. Vi tảo chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như: axit amin, axit béo, vitamin, và hợp chất mang hoạt tính sinh học có lợi cho vật nuôi và con người. Trong đó có nhiều loại tiềm năng làm thức ăn thủy sản gồm: Nannochloropsis spp., Chlorella spp., Schizochytrium spp., Tetraselmis spp., và Isochrysis spp. Riêng Nannochloropsis spp. là nguồn dưỡng chất giàu axit béo omega-3 không bão hòa (HUFAs) cho sản lượng cao (33,6 – 84 tấn/ha/năm).
Vi tảo
Tảo Spirulina spp. cho sản lượng cao (20 – 90 tấn/ha/năm) và được sử dụng làm thực phẩm hoặc phụ gia thức ăn. Với khả năng loại bỏ phosphate (99,97%) và nitơ (81,10%) trong nước, nhóm tảo này còn có vai trò điều chỉnh sinh học trong hệ thống NTTS đa loài.
Bột biofloc với thành phần chính là hỗn hợp không đồng nhất các vi khuẩn, cũng được coi là thức ăn tiềm năng. Biofloc được sản xuất từ nước thải ao tôm và cá với lượng protein 23 – 49% DW, có thể được sử dụng làm thức ăn cho tôm với tỷ lệ bổ sung lên đến 60%.
Dù tiềm năng, mỗi sinh vật biển nói trên đều có hạn chế riêng về thành phần dinh dưỡng, năng suất phụ thuộc vào môi trường, rủi ro nhiễm độc tố và kim loại nặng, và các yếu tố kháng dinh dưỡng. Do đó, muốn tận dụng các nguyên liệu này, cần phát triển công nghệ như tiền xử lý, tinh chế sinh học hoặc lên men… Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm về yêu cầu dinh dưỡng, môi trường của sinh vật, để cải thiện năng suất và chất lượng dinh dưỡng.
Mi Lan
Theo InternationalFishFarming