3,5 tỷ USD xuất khẩu hải sản và chiếc ‘thẻ vàng’ của EU

Chưa có đánh giá về bài viết

Mục tiêu xuất khẩu hải sản 3,5 tỷ USD năm 2019 có thể bị gặp khó với “thẻ vàng” của EU…

Ảnh minh họa

Theo lịch trình, trong tháng 1/2019, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ xem xét lại vấn đề thẻ vàng của ngành hải sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng đến doanh số của nhiều doanh nghiệp thuỷ sản, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong khi EU là một thị trường rất lớn.

Năm 2019, ngành thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD, trong đó ngành tôm đạt 4,2 tỉ USD, cá tra 2,3 tỉ USD và hải sản 3,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, với sự chậm trễ từ việc gỡ “thẻ vàng” chống khai thác IUU của EU có thể ảnh hưởng đến doanh số rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), Chủ tịch Ủy ban Hải sản Vasep nhận định việc bị “thẻ vàng” cảnh báo của EU vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã tác động làm giảm xuất khẩu hải sản Việt Nam sang khối thị trường này.

“Xuất khẩu các sản phẩm hải sản sang EU đều giảm từ 4 – 20%, trừ xuất khẩu cá ngừ. Giá trị xuất khẩu cá ngừ năm 2018 tăng 11,5% so với năm 2017, tuy nhiên mức tăng trưởng này chỉ bằng ½ mức tăng trưởng của năm 2017 (23%)”, bà Sắc nói.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã áp dụng Chương trình giám sát nhập khẩu Thủy sản (SIMP) với 12 loài thủy sản quy định sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ phải tuân thủ theo bộ quy tắc mới về truy xuất nguồn gốc.

Dữ liệu của toàn bộ quá trình từ nuôi trồng hay đánh bắt đến khi nhập khẩu phải được khai báo và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của NOAA. Do đó, việc thu mua nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu của thị trường trở nên khó khăn hơn.

Đáng chú ý, do sản lượng khai thác không đủ để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp hải sản của Việt Nam đang phải gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước.

Dù đối mặt nhiều thách thức, ngành hải sản vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2019 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17%. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ do còn dư địa và tận dụng cái lợi thế và thuế quan từ các hiệp định thương mại đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước, bên cạnh đó nâng cao chất lượng các sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Dự kiến giá trị xuất khẩu cá ngừ sẽ đạt 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2018.

Dù thẻ vàng chưa được dỡ bỏ song Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sang EU 420 triệu USD, tăng 8%. Muốn làm được điều này, theo lãnh đạo Vasep phải thực hiện tốt chứng nhận xác nhận hải sản khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc và cá biển. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ thẻ vàng, và tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) để tăng xuất khẩu sang khối thị trường này.

Một số thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… được dự báo tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật dự kiến đạt 900 triệu USD, tăng 27%; thị trường Hàn Quốc dự kiến đạt 600 triệu USD, tăng 27% so với năm trước; thị trường Mỹ đạt 480 triệu USD, tăng 10%; ASEAN dự kiến đạt 480 triệu USD, tăng 18%…

“Cả ngành xuất khẩu hải sản cần phải tập trung ưu tiên gỡ bỏ thẻ vàng. Trong đó, tiếp tục các giải pháp và kế hoạch cải thiện nhằm giải quyết vấn đề Thẻ vàng EU. Doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông phải tiếp tục cùng thực hiện các khuyến nghị của EU, làm chuẩn hồ sơ C/C, nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng IUU để tạo tâm lý tốt để các nhà nhập khẩu yên tâm đặt hàng nhiều hơn”, Phó chủ tịch Vasep nói.

Ngoài ra, vị này khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp với ngư dân tham gia chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu nguyên liệu hải sản hợp pháp để gia công/ chế biến xuất khẩu theo hướng có chọn lọc đối tượng khách hàng nhằm đảm bảo đạt giá trị xuất khẩu cao; chủ động mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường EU và một số thị trường chính khác; đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng, hàng chất lượng cao để tăng giá trị.

Bên cạnh đó, cần phải quan tâm xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam đã ký các FTA (Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, các nước tham gia CPTPP), tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan.

Bạch Huệ

Vneconomy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!