6 tháng đầu năm: Nuôi trồng thắng lớn, khai thác đuối sức

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù được dự báo trước những thuận lợi và khó khăn sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên, ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm đã có sự tăng tốc vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là về xuất khẩu; mặc dù trở ngại đối với ngành hàng này là không ít, đặc biệt khi giá xăng dầu và giá thức ăn thủy sản liên tục tăng cao.

Kết quả vượt mong đợi

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, ước tính đến hết tháng 6/2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,16 triệu tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2021, đạt 47,7% kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,98 triệu tấn, giảm 0,9%; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 2,17 triệu tấn, tăng 5,8%.

So với chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng đạt 105% kế hoạch; trong đó, sản lượng khai thác đạt 107%, sản lượng nuôi trồng đạt 103,3%. Còn so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 47,7%; trong đó sản lượng khai thác đạt 52,6%, sản lượng nuôi trồng đạt 43,9%.

Cũng trong 6 tháng, nền kinh tế thế giới phục hồi sau COVID-19, nhiều nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch nên thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam khá hanh thông đến nay, hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt là những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Kết quả, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6 tỷ USD, tăng 46% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 67% kế hoạch.

Gỡ khó trong khai thác

So với thời điểm tháng 12/2021 thì hiện nay giá dầu diesel tăng khoảng 45%, dẫn đến giá các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản đội lên 10 – 20%, kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao nhưng giá bán hải sản chỉ tăng từ 10 – 20%. Điều này đặc biệt tác động mạnh đến các tàu cá hoạt động vùng khơi. Tại một số địa phương đặc biệt là miền Trung, nhiều tàu cá nằm bờ từ rất lâu.

Cùng với đó, sự việc tàu cá vi phạm trong khai thác IUU vẫn chưa chấm dứt. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã xử phạt 381 vụ với tổng số tiền hơn 7,38 tỷ đồng. Một số tỉnh còn hạn chế trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính như: Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên…

Hơn nữa, tỷ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với thực tế và chưa đồng đều giữa các địa phương. Đáng chú ý là các hành vi vi phạm khai thác IUU như: không ghi, nộp nhật ký khai thác, không duy trì hoặc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, khai thác sai vùng, sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm…

Chưa kể, hiện nay việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên vẫn chưa hoàn thành. Tính đến nay, mới lắp đặt được 28.219/30.345 tàu, đạt 92,99%. Điều này ít nhiều sẽ gây trở ngại trong thực thi quản lý tàu cá, đặc biệt là theo khuyến cáo của EC.

Giải pháp cho những tháng cuối năm

Trước tình hình khó khăn của ngư dân, Tổng cục Thủy sản đang đệ trình Bộ NN&PTNT báo cáo kiến nghị Chính phủ áp dụng các giải pháp, công cụ nhằm giảm giá dầu phục vụ khai thác thủy sản. Cùng đó, Nhà nước cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ ngư dân có vay vốn từ các ngân hàng thuơng mại nhà nước, tổ chức tín dụng để góp phần giảm khó khăn sản xuất.

Tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường; xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển. Đồng thời, tổ chức đàm phán điều ước quốc tế mới về hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ thay thế Hiệp định hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, sẽ bám sát tình hình sản xuất tại các địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến để tham mưu Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả trong bối cảnh giá thức ăn, giá vật tư sản xuất trong NTTS tăng cao. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, loại bỏ các loại thức ăn, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong NTTS kém chất lượng, không bảo đảm an toàn ra khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Song song với đó, ngành thủy sản còn phải chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra của EC kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam. Tiếp tục tham mưu tổ chức kiểm tra tại các địa phương về việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị mà EC đưa ra.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!