Mới đây, Bộ NN-PTNT đã gửi văn bản tới 7 Bộ ngành khác và các địa phương có liên quan cùng Bộ này góp ý đưa ra các giải pháp khắc phục để giúp hải sản Việt Nam thoát khỏi “thẻ vàng” của EU.
Hải sản Việt Nam bị rút “Thẻ vàng” vì nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, vào ngày 23/10 vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định áp dụng biện pháp cảnh báo bằng “Thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu vì Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các khuyến nghị của EC về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU).
Ngày 27/10 Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc EC áp dụng biện pháp cảnh báo bằng “Thẻ vàng” đối với xuất khẩu hải sản vào thị trường Châu Âu và trình dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về khai thác IUU.
Theo đó, để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ NN-PTNT đề nghị các Bộ gồm: Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin truyền thông cùng UBND các địa phương có liên quan góp ý dự thảo chỉ tiêu nêu trên để giúp hải sản Việt thoát khỏi thẻ vàng.
Liên quan đến vấn đề hải sản Việt Nam bị rút “Thẻ vàng”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Những hệ lụy có thể xảy ra là uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng; xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ – nước chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1/1/2018,…
Hơn nữa, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu,…
VASEP cũng cho hay, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu không có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình, theo đánh giá của EU, chúng ta sẽ bị chuyển sang cảnh báo “Thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.