Từ năm 2016, EVNSPC đã triển khai thí điểm 2 mô hình tiết kiệm điện tại 161 hộ dân ở tỉnh Sóc Trăng, bao gồm: Thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, vận động hộ nuôi tôm chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo ôxy nuôi tôm để tiết kiệm điện, giúp điện năng tiết kiệm được 15,2% (tương đương 951 triệu đồng/năm); Đồng trục hóa môtơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay, thay thế gối đỡ chữ U giúp điện năng tiết kiệm được 38,7% (tương đương gần 2,5 tỷ đồng).
Không dừng lại ở đối tượng tôm nuôi, nhiều đối tượng thủy sản nuôi khác cũng được nhiều hộ dân thay đổi từ mô hình nuôi nhỏ lẻ, truyền thống, lạc hậu, sang mô hình nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại. Với việc quản lý ao nuôi tốt hơn thông qua các thiết bị công nghệ quan trắc môi trường ao nuôi, công nghệ quản lý thức ăn, phương pháp kiểm soát dịch bệnh, phân tích dữ liệu nước và cảnh báo…đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời giảm phát thải carbon.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhìn chung hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế, trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao là rất lớn.
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào lĩnh vực thủy sản.