Ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá mất kết nối VMS khi đang hoạt động trên biển là 1 trong 4 nhóm khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu để được xem xét gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10/2023) đến nay, tình trạng tàu cá từ 15 m trở lên mất kết nối trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên việc xử phạt vẫn còn hạn chế.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 1.943/1.951 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS (đạt 100% tàu cá hoạt động); 8 tàu cá đã ngừng hoạt động chưa lắp đặt thiết bị VMS (5 tàu đang thi hành án, 3 tàu chờ bán), các tàu này được các địa phương quản lý, giám sát chặt chẽ. Từ ngày 19/5 đến 10/9/2024, số lượt tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét mất kết nối trên 6 giờ đã phát hiện vi phạm hoặc nhận thông báo từ Cục Thủy sản là 499 lượt/167 tàu, trong đó Chi cục Thủy sản đã phát thông báo cho 167 tàu, các lực lượng chức năng đang xác minh xử lý vụ việc. Số lượt tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên mất kết nối trên 6 giờ là 65 lượt/17 tàu. Số lượt tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m mất kết nối trên 10 ngày là 61 lượt/61 tàu, đã xử lý 4 trường hợp với số tiền 100 triệu đồng. Số lượt tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên mất kết nối trên 10 ngày là 2 lượt/2 tàu, Chi cục Thủy sản đã phát thông báo cho 2 tàu và các lực lượng chức năng đang xác minh xử lý vụ việc. Đặc biệt trong thời gian này, Bình Thuận không có trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển.
Tàu cá Bình Thuận đang hoạt động trên biển (ảnh: N. Lân)
Để ngăn ngừa tình trạng tàu cá mất kết nối VMS khi đang hoạt động trên biển, thời gian qua Chi cục Thủy sản cùng đơn vị chức năng tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Qua đó, thường xuyên cập nhật thông tin danh sách tàu cá mất kết nối 6 giờ, trên 10 ngày trên biển, danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, tàu vượt ranh giới trên biển để gửi tới các địa phương, lực lượng chấp pháp trên biển phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định. Tuy nhiên, việc xác minh, xử lý trường hợp tàu cá mất kết nối VMS gặp nhiều khó khăn với nhiều lý do như: lỗi mạng vệ tinh, mất nguồn do bình ắc quy hết điện; thiết bị chạy không ổn định; máy tàu bị sự cố… Công tác xác minh, xử lý tốn nhiều thời gian do tàu cá thường xuyên hoạt động trên biển và neo đậu tại các tỉnh, thành phố khác nên chủ tàu, thuyền trưởng ít có mặt tại địa phương. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm GSTC, thiết bị VMS để làm căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt tàu cá mất kết nối VMS, tàu vượt ranh giới chưa được hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ xử phạt nên các cơ quan quyết định xử phạt còn lúng túng chưa dám triển khai thực hiện quyết liệt.
Việc xác minh, xử lý trường hợp tàu cá mất kết nối VMS gặp nhiều khó khăn (ảnh: N. Lân)
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản giải thích thêm: “Trước đây, chưa có Nghị định 38, các địa phương có thể xử lý những tàu mất kết nối VMS thông qua các thiết bị kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa nghị định này, do đó các địa phương lúng túng, e ngại khi xử lý vì chưa có cơ sở để “phạt nguội” và theo quy định phải lập biên bản trong 3 ngày, rất khó vì tàu cá đang hoạt động trên biển. Đặc biệt, hiện nay việc mất kết nối VMS do chất lượng thiết bị và đường truyền vệ tinh không ổn định chiếm đến 50%. Vì thế yêu cầu chủ tàu báo cáo về trung tâm giám sát 4 lần/ngày là không khả thi. Đặc biệt, số lượng tàu cá mất kết nối trên 6 giờ hàng ngày quá lớn, có ngày trên 100 tàu và trong đó đa phần lỗi không phải do chủ tàu, thuyền trưởng mà do thiết bị, nên việc xử phạt rất khó khăn”.
Hiện nay việc mất kết nối VMS do chất lượng thiết bị và đường truyền vệ tinh không ổn định chiếm đến 50%. Ảnh: N.Lân
Nhằm tăng chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 37, Nghị định số 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đây là một trong những lý do phía EC lùi thời hạn kiểm tra, gỡ “thẻ vàng” IUU từ tháng 5 sang tháng 10/2024 để có thời gian xem xét việc Việt Nam triển khai thực thi các nghị định này như thế nào trong thực tế…
Đẩy mạnh tuyên truyền các nghị định mới đến các ngư dân.
Với những vướng mắc trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành hướng dẫn sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, cao điểm từ nay đến tháng 31/10/2024, yêu cầu Chi cục Thủy sản duy trì việc giám sát 24/24 giờ hoạt động tàu cá qua hệ thống giám sát. Tổ công tác liên ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường theo dõi, tiếp nhận, điều tra xác minh, xử lý vi phạm VMS. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ, thiết bị VMS trên địa bàn tỉnh. Vì đây là một trong những tiêu chí quan trọng EC sẽ kiểm tra để gỡ “thẻ vàng” IUU.
Tổ công tác liên ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường theo dõi, tiếp nhận, điều tra xác minh, xử lý vi phạm VMS.
Theo Nghị định số 38 của Chính phủ, hành vi tắt thiết bị VMS sẽ bị xử phạt từ 500 - 700 triệu đồng. Đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản bị phạt tiền mức tối đa 1 tỷ đồng…
Minh Vân
Nguồn: Báo Bình Thuận