Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét với các hiện tượng thời tiết bất thường, đặc biệt là mùa mưa lũ đến sớm hoặc muộn không theo quy luật tự nhiên làm cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, người NTTS trên địa bàn huyện Quảng Trạch cần làm gì để thích ứng, hạn chế được những rủi ro, thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nói chung, nghề NTTS nói riêng đang phải đối mặt với thách thức từ BĐKH, đặc biệt là tình hình bão lũ ngày càng diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế, nếu người NTTS không có biện pháp để thích ứng và chủ động ứng phó.
Gắn bó với nghề nuôi tôm đã hàng chục năm nay, gia đình ông Đặng Xuân Lệ (xã Quảng Châu, Quảng Trạch) cho biết: Cùng với việc đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi trồng, gia đình ông thường xuyên theo dõi tình hình dự báo thời tiết và tuân thủ tối đa lịch thời vụ của địa phương và cơ quan chức năng.
Theo ông Đặng Xuân Lệ, hồ nuôi tôm rộng hơn 1,5ha của gia đình ông nằm cạnh sông Loan, nên hàng năm khi mùa mưa về, nước sông thường dâng cao, tràn vào hồ gây thiệt hại. Đã có những mùa vụ, khi tôm lớn chưa kịp thu hoạch, thì xảy ra mưa lớn, nước tràn bờ vào hồ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Một số hộ dân ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) đã đầu tư lồng bè hiện đại để nuôi cá bớp, cá mú trên biển.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Châu Đặng Ngọc Tý cho biết, toàn xã hiện có trên 23ha NTTS với hơn 60 hộ tham gia nuôi tôm, cá. Hàng năm, nghề NTTS ở Quảng Châu đã mang về doanh thu hơn 6 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy vậy, do diện tích NTTS của xã chủ yếu nằm bên sông Loan nên nguy cơ ngập úng khi có mưa, lũ là rất cao, đặc biệt là thời điểm hồ Vực Tròn xả lũ.
Để bảo đảm an toàn, địa phương thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, xây dựng khung lịch thời vụ hợp lý, đặc biệt khuyến cáo bà con tuyệt đối không thả giống vào mùa mưa bão. Theo đó, để chủ động tránh mùa mưa lũ, người NTTS ở Quảng Châu tính toán vụ nuôi đến tầm đầu tháng 8 âm lịch là thu hoạch hết tôm, cất trang thiết bị; sau đó treo ao, tăng cường gia cố bờ, cống lấy nước, nhằm hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ, chờ đợt mùa mưa bão đi qua mới tập trung nguồn lực nuôi tôm, phục vụ cho Tết Nguyên đán…
Những năm qua, tại vùng biển vịnh Hòn La-Đảo Yến nhiều hộ dân ở xã Quảng Đông đã triển khai mô hình nuôi cá bớp, cá mú trên biển khá thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số hộ dân đã đầu tư hệ thống lồng bè hiện đại, hệ thống nuôi bằng vật liệu HDPE, chịu được sóng gió. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân vẫn nuôi bằng lồng bè thủ công chưa chống chịu với bão lũ. Cá bớp, cá mú là loài sinh vật nuôi có chi phí đầu tư nuôi khá lớn, thời gian nuôi dài ngày nên người nuôi luôn thấp thỏm, lo lắng.
Anh Cao Minh Thái-một chủ lồng nuôi cá bớp ở vùng biển xã Quảng Đông-chia sẻ: “Ngay từ đầu mùa mưa bão, chúng tôi đã chủ động gia cố các lồng nuôi, công trình phụ trợ có khả năng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, gió bão. Tuy nhiên, tình trạng BĐKH ngày càng phức tạp, những cơn bão thường rất lớn, đặc biệt là khi bão xảy ra, chúng tôi phải rời lồng bè vào trú tránh nên rất lo lắng cho tài sản của mình. Bà con NTTS ở đây mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thêm để đầu tư lồng bè hiện đại, tránh được gió bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”.
Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền cho biết, để phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Quảng Đông, chính quyền địa phương cũng như người dân mong muốn UBND tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành quan tâm đầu tư thêm hệ thống lồng bè hiện đại, hệ thống nuôi bằng vật liệu HDPE chịu được sóng, gió. Đặc biệt là đầu tư một con đê chắn sóng dài khoảng 100m, cùng với Đảo Yến tạo thành một “âu thuyền” để người NTTS kéo bè, lồng vào tránh mỗi khi có bão.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch Phan Thị Lệ Hằng chia sẻ: Để tránh thiệt hại cho NTTS trong mùa mưa bão, phòng đã tham mưu UBND huyện và các địa phương thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân tranh thủ lịch thời vụ để sản xuất. Khi tôm, cá thương phẩm đã đạt chất lượng tốt, cần bán sớm, trước khi mùa mưa bão đến.
Các cơ sở nuôi lồng cần tu sửa lồng bè, chằng chống dây chắc chắn, bảo đảm an toàn cho người làm việc trên lồng, bè. Với các hộ nuôi trong ao, cần nạo vét kênh mương, kiểm tra các ống xả tràn ao nuôi, gia cố hệ thống thoát nước, bờ ao, các công trình nuôi trước khi mùa mưa bão đến.
Huyện Quảng Trạch hiện có 261ha NTTS; trong đó có 98,3ha nuôi trồng mặn, lợ và 162,7ha nuôi nước ngọt. Đến thời điểm này, người NTTS trên toàn huyện đã thu hoạch được 1/2 diện tích; số diện tích còn lại do tôm, cá chưa đạt kích cỡ, chất lượng. Để thích ứng với BĐKH và mùa mưa bão, thời gian qua, người NTTS trên địa bàn huyện đã chủ động áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất và tuyệt đối tranh thủ lịch thời vụ, bảo đảm thu hoạch hoàn thành trước mùa mưa bão. Huyện cũng tranh thủ các nguồn lực để bố trí đầu tư hạ tầng hiện đại cho vùng NTTS, giúp người nuôi tăng cao năng suất, sản lượng, bảo đảm môi trường và phòng, chống mưa, bão.
Phan Phương
Nguồn: Báo Quảng Bình