Huyện Kim Thành (Hải Dương) có 4 nhánh sông lớn chảy qua gồm Lai Vu, Kinh Môn, Rạng và Lạch Tray cùng nhiều vùng, đầm ven sông. Đây là lợi thế để huyện phát triển thủy sản.
Với 2,5 ha nuôi thủy sản, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông Trần Văn Pha ở xã Tam Kỳ (Kim Thành) thu lãi khoảng 500 triệu đồng
Hơn 10 năm trước, gia đình ông Vũ Văn Tỉnh là một trong những hộ đầu tiên ở xã Đại Đức xung phong ra khu đầm Tôm, giáp sông Lạch Tray để thuê ruộng đầu tư, cải tạo lập ao nuôi thủy sản.
Ông Tỉnh cho biết ban đầu gia đình ông chỉ có 4 – 5 mẫu ruộng, chủ yếu nuôi các loại cá như trắm, chép, trôi… nhưng đến nay diện tích nuôi thủy sản đã lên đến 1 ha với nhiều loại mới như cá trắm đen, cá diêu hồng…
Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Tỉnh thu lãi trên 300 triệu đồng. Cùng với nuôi cá, ông Tỉnh còn sản xuất cá giống cung cấp cho bà con trong xã và các vùng lân cận. “Lợi thế của vùng này là gần sông Lạch Tray nên nguồn nước ra vào rất thuận lợi cho việc nuôi thủy sản”, ông Tỉnh nói.
Gia đình ông Trần Văn Pha ở xã Tam Kỳ ra vùng chuyển đổi hơn 10 năm trước. Hiện nay, gia đình ông Pha có 2,5 ha chuyên nuôi các loại cá nước ngọt như trắm, chép, trôi…
Đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xã Tam Kỳ xây dựng mô hình nuôi cá lăng, gia đình ông đã mạnh dạn nhận 1 mẫu. Đến nay, mô hình phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Trần Văn Pha nói: “Mỗi năm gia đình tôi thu 2 đợt cá, tổng sản lượng khoảng 80-90 tấn. Trừ chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng 500 triệu đồng”.
Do vùng đất bãi chỉ cấy được 1 vụ lúa/năm nên nhiều nông dân ở xã Liên Hòa đã bỏ không. Để tận dụng lợi thế vùng bãi, hơn 10 năm nay, xã Liên Hòa đã quy hoạch, chuyển gần 30 ha ruộng sang nuôi thủy sản tập trung. Trong đó có hơn 10 ha khai thác rươi, cáy, còn lại là nuôi cá. Sau khi đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm vùng này cho sản lượng hơn 200 tấn cá (riêng rươi, cáy hơn 20 tấn) với nguồn thu gần 20 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Liên Hòa cho biết đánh thức tiềm năng nuôi thủy sản vùng bãi, sông là ưu tiên hàng đầu của địa phương. Tùy theo đặc trưng từng khu vực, địa phương khuyến khích nông dân đưa vào nuôi những thuỷ sản phù hợp. Như khu vực giáp sông sẽ tạo vùng, cải tạo đất để khai thác rươi, cáy, phía trong thì lập ao, nuôi cá…
Bà Vũ Thị Liên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Thành chia sẻ với lợi thế, tiềm năng phát triển về nuôi thủy sản, khai thác rươi, cáy, thời gian qua ngành nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con vùng nuôi; khuyến khích nông dân đa dạng mô hình nuôi và đối tượng nuôi.
Đối với vùng rươi, cáy, huyện khuyến khích bà con cải tạo đất tốt, làm sạch đất, đánh rạch, khơi nước, sau đó rắc phân ủ mục với trấu để tạo chất dinh dưỡng, bảo đảm cho đất xốp, tạo thức ăn sạch cho rươi.
Đối với vùng nuôi cá, địa phương hướng dẫn bà con chuyển sang các mô hình nuôi công nghệ cao. Ngoài những loại cá truyền thống, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương hoặc các vùng nuôi, các địa phương đưa thêm nhiều thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chép giòn, diêu hồng… vào cơ cấu nuôi phù hợp, định hướng phát triển bền vững.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi thủy sản, năm 2019, huyện Kim Thành đã đề xuất và được tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng 2 vùng nuôi thủy sản tập trung gồm Tam Kỳ và Đại Đức.
Các địa phương trong huyện có diện tích nuôi thủy sản lớn như Ngũ Phúc, Kim Tân, Kim Đính, Lai Vu… cũng đã quan tâm đầu tư kinh phí cải tạo, sửa chữa các tuyến đường nội đồng ra vùng nuôi thủy sản; hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật; thành lập các hợp tác xã thủy sản, tổ liên kết nuôi thủy sản, tổ khuyến nông cộng đồng.
Các khu, vùng nuôi thủy sản tập trung trong huyện đã và đang đi vào sản xuất, khai thác ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Toàn huyện Kim Thành hiện có trên 600 ha nuôi thủy sản với khoảng 10 vùng sản xuất tập trung từ 20 – 50 ha. Giá trị sản xuất thủy sản trung bình đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm.
Giai đoạn 2024 – 2025, huyện Kim Thành (Hải Dương) cũng có 3 dự án nuôi thuỷ sản tập trung được đầu tư gần 70 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng. Các dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển vùng sản xuất rươi, cáy và nuôi thủy sản tại khu đầm Tôm và đầm cây Chanh ở xã Đại Đức (gần 26 tỷ đồng); xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Kim Tân (hơn 27 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển vùng sản xuất rươi, cáy và nuôi thủy sản tại xã Liên Hòa (hơn 16,6 tỷ đồng). Tổng diện tích 3 dự án trên gần 200 ha. Cùng với ngân sách địa phương, các dự án trên cũng được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản tập trung.
Hiện nay, Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung xã Kim Tân đang được triển khai xây dựng. Các dự án còn lại sẽ được thực hiện vào năm 2025.
“Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ sẽ giúp các hộ dân ở vùng thủy sản có thêm điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn phục vụ chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tiềm năng các vùng thủy sản sẽ được khai thác hiệu quả, từ đó giá trị kinh tế chắc chắn sẽ tăng”, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đức nói.
Trương Hà
Nguồn: Báo Hải Dương