Xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Tận dụng tiềm năng sẵn có, vài năm gần đây, một số hộ đã phát triển các mô hình nuôi cá tầm và bước đầu đạt những thành công.
Ưu thế về địa hình, có nguồn nước sạch dồi dào, nước lạnh chảy từ núi cao xuống cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện thích hợp để nuôi các giống cá nước lạnh như cá tầm. Sau khi đi tham quan, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá tầm ở nhiều nơi như: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, năm 2020, anh Đặng Văn Thắng, thôn Tham Vè đã đầu tư 200 triệu để xây 4 bể chứa nuôi gần 3.000 nghìn con cá tầm. Sau 4 năm triển khai xây dựng, đến nay anh đã có 9 bể cá với gần 6.000 con.
Anh Thắng chia sẻ: “Nhờ chủ động nguồn nước ra vào liên tục nên cá tầm phát triển mạnh, cho năng suất cao. Đây là giống cá có giá trị kinh tế cao và không phải địa phương nào cũng nuôi được. Nuôi cá tầm không mất nhiều công chăm sóc, song yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, khử trùng, điều chỉnh nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn thì cá sẽ ít bị nhiễm bệnh và sinh trưởng phát triển tốt. Tính bình quân mỗi năm sau khi trừ tất cả chi phí mang về lợi nhuận cho gia đình khoảng gần 400 triệu đồng/năm”.
Cá tầm là loài cá đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món ăn được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, cá tầm được đánh giá là đối tượng nuôi khó tính, đòi hỏi điều kiện môi trường sống khắt khe hơn các đối tượng thủy sản nước ngọt khác như phải có nguồn nước lưu thông tốt, ngưỡng nhiệt độ để sinh trưởng, phát triển không quá 27 độ C. Cá tầm thương phẩm nuôi khoảng 13 tháng đạt trọng lượng từ 2 – 2,5 kg/con trở lên và có thể xuất bán. Thị trường tiêu thụ cá giống, cá thương phẩm hầu hết là tại địa phương và một số tỉnh lân cận. Giá bán thương phẩm dao động từ 190 – 220 nghìn đồng/kg, cao hơn so với các loại cá khác.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết: Hiện nay, xã có 8 hộ nuôi cá tầm với quy mô nhỏ và vừa. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi; khuyến khích các hộ liên kết chặt chẽ với nhau trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Do nuôi cá tầm cần nhiều nguồn vốn nên hiện nay chưa nhiều người làm. Trong thời gian tới, xã mong có thêm các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư để phát huy tiềm năng sẵn có, nhân rộng mô hình này và tạo thêm việc làm cho người dân. Việc nuôi cá tầm được nhân rộng sẽ có thêm mô hình mới cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng nguồn nước lạnh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: Thu Biên – NG. Mai (Vị Xuyên)
Nguồn: Báo Hà Giang