Khoảng 1 tháng nay, bệnh lạ hoành hành trên đàn tôm khiến người nuôi tôm Vạn Ninh (Khánh Hòa) ăn ngủ không yên. Người nuôi đang hy vọng cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và cách điều trị bệnh cho tôm.
Bệnh lạ hoành hành
Thời gian gần đây, người nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh đứng ngồi không yên vì tôm hùm bị bệnh. Điều khiến người nuôi hết sức đau đầu là ngoài các loại bệnh đã xuất hiện trước đây như: Bệnh sữa, đỏ thân, long đầu… thì một loại bệnh lạ, mới xuất hiện khoảng 1 tháng nay trên đàn tôm đã nuôi được 10 – 12 tháng khiến người nuôi thiệt đơn thiệt kép. Gặp chúng tôi khi đang phơi lồng nuôi tôm, Ông Nguyễn Văn Bình (người nuôi tôm ở khu vực Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) buồn rầu nói: “Cách nay gần 1 tháng, 8 lồng tôm của gia đình tôi có 500 con tôm hùm, tôm đã đạt trọng lượng hơn 0,7kg/con, chuẩn bị xuất bán thì bị bệnh lạ. Ban đầu, khi lặn cho tôm ăn tôi thấy một vài con xuất hiện bọng nước ở các đốt khớp, cứ nghĩ là tôm bị xây xát thông thường. Ai ngờ khoảng 1 tuần sau, vỏ tôm chuyển sang màu nho, những vị trí bị bọng nước vỡ ra và thối dần khiến tôm chết. Ban đầu chỉ một vài con bị bệnh, sau bệnh lây lan đến gần 1/3 đàn tôm. Tôi đã mua đủ thứ thuốc để điều trị cho tôm nhưng vẫn không khỏi. Để tránh thiệt hại nặng, tôi đã phải xuất bán số tôm khỏe mạnh còn lại. Tính ra vụ tôm vừa rồi gia đình tôi lỗ mấy chục triệu đồng”.
Bè của gia đình ông Nguyễn Vũ Bảo cũng có đến 30% trong tổng số 700 con tôm gần đến ngày xuất bán bị bệnh. Theo ông Bảo, hầu hết người nuôi tôm ở khu vực cảng giữa Đầm Môn, khu vực Sơn Đừng đều có 30 – 60% số tôm nuôi có biểu hiện của bệnh lạ này. Những hộ phát hiện sớm, khi tôm mới phát bệnh xuất bán ngay thì còn được giá, hộ nào để đến giai đoạn cuối thì gần như mất trắng. Ông Bảo cho hay: “Gia đình tôi thả nuôi gần 1.000 con tôm giống, sau 13 tháng nuôi, hao hụt còn lại 700 con chờ xuất bán. Với 700 con tôm này, gia đình tôi đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Cách nay gần 1 tháng, tôi phát hiện 30% đàn tôm của mình có biểu hiện bệnh lạ nên phải xuất bán cả đàn vì sợ bệnh lây lan. Tôi vẫn may mắn hơn những hộ xung quanh, nhờ phát hiện tôm bệnh sớm nên bán được giá, tính ra lãi được vài chục triệu đồng. Nếu tôm không bị bệnh thì vụ này ít nhất tôi cũng lãi được gần 150 triệu đồng”. Theo ông Bảo, gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi tôm hùm ở Đầm Môn cả chục năm nay, trước đó tôm hùm chưa bao giờ xuất hiện bệnh lạ này.
Tại vùng nuôi tôm xã Vạn Thạnh hiện nay, hàng ngày thương lái không chỉ thu mua tôm khỏe mà còn mua cả tôm bệnh, tôm dạt. Ông Hà, một thương lái chúng tôi gặp khi mua tôm trên bè của ông Bảo cho biết: “Tại khu vực Vạn Thạnh, mỗi ngày có hơn 10 thương lái đến thu mua tôm hùm. Cách nay khoảng 2 – 3 tuần, số tôm bệnh thu mua lên đến 700 – 800 con/ngày. Đến thời điểm này, tuy phần lớn tôm hùm nuôi bà con đã xuất bán, nhưng số tôm bị bệnh lạ chúng tôi thu mua cũng đến 200 – 300 con/ngày”. Về giá thu mua, thương lái này cho biết, thời điểm hiện nay, tôm loại 1, khỏe mạnh có giá hơn 1,5 triệu đồng/kg, những con tôm mới phát bệnh giá chỉ còn 600.000 đồng/kg, tôm bị bệnh nặng, gần chết thì chỉ mua với giá 200.000 – 300.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thành Thênh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh cho biết: “Vạn Thạnh là địa phương có số lượng lồng bè nuôi tôm hùm lớn nhất huyện Vạn Ninh với 700 hộ nuôi khoảng 4.000 lồng tôm hùm. 1 tháng trở lại đây, vùng nuôi tôm Vạn Thạnh xuất hiện bệnh lạ trên tôm hùm, gây thiệt hại nặng cho bà con. Tôm bị bệnh chủ yếu có trọng lượng từ 0,5 – 0,7 kg/con. Vì bệnh xuất hiện trên đàn tôm chuẩn bị xuất bán nên người nuôi không chỉ bị thiệt hại về tiền đầu tư giống khoảng 200.000 đồng/con, tiền thức ăn trong suốt quá trình nuôi khoảng 200.000 đồng/con mà còn thiệt hại do giá bán tôm bệnh thấp. Vụ nuôi này, hầu hết số hộ nuôi tôm đều thua lỗ, hộ ít vài chục triệu đồng, hộ nhiều vài trăm triệu đồng; số hộ nuôi hòa vốn và có lãi chỉ vài chục hộ”.
Mong sớm tìm ra nguyên nhân
Tôm bị bệnh lạ đang làm khó người dân.
Những năm qua, người nuôi tôm hùm luôn phải đối mặt với các bệnh trên con tôm như: Bệnh sữa, đỏ thân… Những bệnh này đã có phác đồ điều trị giúp người nuôi giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh lạ xuất hiện đã đặt người nuôi tôm vào một thách thức mới, nan giải hơn bởi người nuôi không biết đâu là nguyên nhân, loại thuốc nào hữu hiệu để điều trị bệnh cho tôm. Khi thấy tôm bị bệnh lạ ai cũng cuống cuồng vì sợ tôm chết nên người nào chỉ cho loại thuốc, cách điều trị gì cũng làm theo; được vài ngày thấy không có chuyển biến lại thử loại thuốc khác nhưng đến nay người nuôi vẫn chưa tìm ra loại thuốc hữu hiệu để trị bệnh cho tôm. “Điều mong muốn của chúng tôi là được các cơ quan chức năng hỗ trợ, tìm nguyên nhân gây bệnh lạ khiến tôm chết bất thường hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu phác đồ điều trị bệnh để hướng dẫn cho bà con cách điều trị hữu hiệu”, ông Bảo nói.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh, năm 2013 huyện Vạn Ninh có khoảng 10.000 ô lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Vạn Thạnh, Vạn Hưng, thị trấn Vạn Giã… Tỷ lệ hao hụt do các loại bệnh trong quá trình nuôi tôm hùm lên đến 40 – 50%. Ông Đặng Tri Thông – Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh nhận định: “Năm 2013, các loại bệnh sữa, đen mang không phải là nguyên nhân gây chết tôm. Qua nắm bắt tình hình nuôi tôm tại khu vực Đầm Môn thì khoảng 1 tháng nay, tôm hùm có hiện tượng chết bất thường. Nguyên nhân có thể do môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm, chất lượng thức ăn cho tôm không đảm bảo do thức ăn tươi ngày càng khan hiếm, người nuôi phải mua từ nhiều địa phương khác như: Bình Thuận, Bình Định, Vũng Tàu… để bảo quản dài ngày, những thức ăn này có thể đã bị tẩm các loại hóa chất”. Trước thực trạng này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh kiến nghị các cơ quan chức năng, các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh lạ trên tôm hùm thời gian qua, nghiên cứu phác đồ điều trị thích hợp để hướng dẫn cho người nuôi. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người nuôi bị thiệt hại do bệnh lạ gây ra trên tôm, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện giãn nợ, đồng thời tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận vốn vay mới để tái đầu tư vụ mới. Về phía các địa phương, cần giám sát chặt chẽ mật độ lồng bè nuôi tôm, môi trường nước; kịp thời báo cáo cơ quan chức năng những biểu hiện lạ trên tôm hùm…
Trước thực trạng tôm hùm bị bệnh lạ hiện nay, mới đây lãnh đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh và các nhà khoa học đã đến xã Vạn Thạnh để nắm bắt tình hình, tìm hiểu nguyên nhân. Trước mắt, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh khuyến cáo người nuôi nên san thưa mật độ tôm trong lồng nuôi; hàng ngày phải theo dõi, quản lý kỹ thức ăn cho tôm, tránh tình trạng dư thừa gây ô nhiễm môi trường, bổ sung định kỳ vitamin cho tôm để tăng sức đề kháng; định kỳ 10 – 15 ngày phải vệ sinh lưới lồng; không nên sử dụng kháng sinh và hóa chất một cách bừa bãi; đối với tôm bệnh cần tách nuôi riêng để theo dõi, xử lý; tôm chết cần được thu gom, đưa vào bờ xử lý.