Việt Nam Food: Biến phụ phẩm thành chính phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, việc quản lý và tái sử dụng phụ phẩm trở thành một vấn đề cấp bách. Với tầm nhìn phát triển bền vững, công ty CP Việt Nam Food (VNF) đã chủ động tìm kiếm giải pháp nhằm biến phụ phẩm ngành tôm thành nguồn nguyên liệu giá trị. Trong cuộc phỏng vấn này, bà Nguyễn Vân An, Giám đốc Chiến lược của VNF, chia sẻ về những nỗ lực trong việc thu hồi và tận dụng phụ phẩm, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam.

Bà Nguyễn Vân An: Ngay từ những ngày đầu thành lập, ThS. Phan Thanh Lộc, Đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành của VNF, đã tìm kiếm một lĩnh vực có thể tận dụng thế mạnh nội tại của Việt Nam và có tiềm năng cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế. Sau khi nghiên cứu nhiều ngành, ông nhận thấy rằng ngành phụ phẩm là một lựa chọn tiềm năng.

Vào thời điểm đó, phụ phẩm từ ngành nông nghiệp thường bị bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường và không được tận dụng. ThS. Phan Thanh Lộc nhận ra rằng, nếu được xử lý đúng cách, phụ phẩm có thể trở thành một tài nguyên quý giá. Ông đã xác định rằng đã đến lúc cần biến phụ phẩm thành chính phẩm. Hơn nữa, ngành nông nghiệp là một trụ cột kinh tế của Việt Nam và phụ phẩm đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị này.

Về phần mình, tôi từng làm việc cho một quỹ đầu tư và chính quỹ này đã quyết định đầu tư vào VNF để khai thác tiềm năng của ngành phụ phẩm. Tôi được giao nhiệm vụ hỗ trợ VNF trong giai đoạn đầu phát triển. Từ đó, tôi đã đồng hành cùng công ty từ những ngày đầu sơ khai cho đến khi VNF phát triển thành một doanh nghiệp tiên phong như hiện nay.

Bà Nguyễn Vân An: Thực ra, khi mới thành lập, VNF hoạt động theo mô hình kinh tế tuyến tính, chủ yếu thu mua phụ phẩm tôm để sản xuất glucosamine và bán thô cho các công ty sản xuất thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, sau khoảng 1 – 2 năm vận hành, chúng tôi nhận thấy mô hình này không bền vững và khá nhất thời. Ngành phụ phẩm trong quá trình sản xuất chitin gây ra nhiều ô nhiễm, sử dụng nhiều hóa chất và tài nguyên, cùng với đó là lượng chất thải lớn khó xử lý.

Để giải quyết những vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành phân tích và tham khảo nhiều mô hình từ quốc tế. Rõ ràng là ở nước ngoài, ngành phụ phẩm đã được xử lý hiệu quả từ lâu. Hầu hết các sản phẩm thực phẩm chức năng như glucosamine và collagen đều được chiết xuất từ phụ phẩm cá và tôm, nhưng chúng ta chưa nhận thức rõ điều này.

Qua việc nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy ngành phụ phẩm rất tiềm năng, nhưng cần đầu tư đúng vào khoa học công nghệ. Nếu chỉ sản xuất thô và bán thô, sản phẩm sẽ mãi chỉ là một phần rất nhỏ so với tiềm năng vốn có. Vì vậy, VNF đã quyết định đầu tư vào công nghệ chiết xuất và nghiên cứu sâu hơn về phụ phẩm tôm để xác định các hoạt chất và nguyên liệu có thể chiết xuất.

Chúng tôi phát hiện phụ phẩm tôm chứa nhiều dinh dưỡng như protein, lipid, chitin và các vi chất khác. Đặc biệt, đầu vỏ tôm chứa một hoạt chất gọi là astaxanthin, được mệnh danh là “vua của các chất chống ôxy hóa” với hoạt lực rất cao. Nhờ những phát hiện này, chúng tôi đã phát triển công nghệ chiết xuất, tạo ra các sản phẩm hiện tại.

Với nguồn nguyên liệu sẵn có, VNF tiếp tục nghiên cứu và phát triển ứng dụng cho các ngành khác. Chúng tôi nhận thấy ngành nông nghiệp ở Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề mà phụ phẩm có thể giải quyết. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, khi khoảng 80% nguyên liệu nông nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu, đặc biệt là bột cá và các phụ gia. Nguồn đạm từ phụ phẩm có chất lượng cao, vì vậy chúng tôi tập trung vào việc chuyển hóa nguồn đạm này thành các giải pháp cho ngành chăn nuôi.

Ngoài giải pháp nguồn đạm cho chăn nuôi, chúng tôi còn chiết xuất được các hoạt chất khác như Astaxanthin và Chitosan, giúp giảm phụ gia và thậm chí là kháng sinh. Đồng thời, chúng tôi cũng mở rộng ứng dụng qua trồng trọt, thực phẩm, và nhiều ngành khác.

Bà Nguyễn Vân An: Vào năm 2019, mảng thực phẩm của VNF chỉ mới được 2 năm tuổi. Chúng tôi tham gia Fi Global 2019 tại Paris với hy vọng giới thiệu các giải pháp của mình đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, một bất ngờ thú vị đã đến khi chúng tôi nhận được lời mời sang Paris để trình bày về những giải pháp mà VNF đang phát triển.

VNF nhận thấy rằng đây là một giải thưởng có uy tín toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm. Điều thú vị là những giải thưởng này thường thu hút sự tham gia của các công ty lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ hoặc các công ty từ châu Á như chúng tôi thường ít có cơ hội góp mặt. Đó là lý do khiến tôi cảm thấy rất vui mừng khi VNF có cơ hội tham gia.

Tại Fi Global 2019, VNF đã vinh dự đạt Giải thưởng Sáng tạo trong hạng mục Dinh dưỡng cho Tương lai. Ban giám khảo đã đánh giá cao rằng các giải pháp mà chúng tôi phát triển từ phụ phẩm hoàn toàn có tiềm năng trở thành các giải pháp dinh dưỡng cho tương lai của con người.

Đây thực sự là một vinh dự lớn đối với chúng tôi và là động lực để VNF tiếp tục phát triển và đổi mới trong lĩnh vực này. Thành công này không chỉ khẳng định giá trị của những nỗ lực mà chúng tôi đã bỏ ra, mà còn mở ra nhiều cơ hội để chúng tôi góp phần giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng trong tương lai.

Bà Nguyễn Vân An: Ngay từ khi VNF bắt đầu xây dựng mô hình tận dụng phụ phẩm từ tôm để tái sử dụng trong ngành nông nghiệp, chúng tôi chưa hề biết đến khái niệm kinh tế tuần hoàn. VNF chỉ đơn giản coi đây là một mô hình kinh doanh bền vững, không chỉ cho ngành tôm mà còn cho nền kinh tế Việt Nam. Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu thêm về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), chúng tôi mới nhận ra rằng mô hình này thực sự phù hợp với nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.

Về cơ hội, có rất nhiều yếu tố thuận lợi. Đây là xu hướng toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việc chúng tôi đi theo xu hướng này sớm sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các công ty khác. Hiện tại, phần lớn khách hàng và đối tác của VNF đều tìm kiếm các nhà cung cấp hoặc đối tác có mô hình bền vững. Do đó, chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng cũng như các bên liên quan.

Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ. Ngành phụ phẩm tôm, không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, vẫn chưa có công nghệ chiết xuất bền vững. Hầu hết các công nghệ hiện tại chỉ tập trung vào việc chiết xuất một nguyên liệu cụ thể, trong khi bỏ qua những phần khác. Điều này khác biệt so với ngành phụ phẩm cá, vốn đã được phát triển nhiều năm. Phụ phẩm tôm có đặc thù rất phức tạp, phần vỏ và phần thịt tôm có tính chất hoàn toàn khác nhau. Do đó, chúng tôi cần một công nghệ có khả năng xử lý đồng thời cả 2 phần này, nhưng rất ít công ty dám đầu tư vào nghiên cứu.

Là một trong những công ty tiên phong, VNF đã phải đầu tư nhiều, bao gồm cả thời gian và tiền bạc vào những mô hình chưa thành công, từ đó rút ra bài học và điều chỉnh. Chúng tôi đã phải thuyết phục nhà cung cấp và nhân viên rằng việc thay đổi công nghệ là cần thiết. Ban đầu, VNF hoạt động như một công ty sản xuất chitin truyền thống với công nghệ thô sơ. Thay đổi tư duy là một quá trình khó khăn, nhưng đội ngũ VNF đã đồng lòng và cùng nhau tiến bước.

Ngoài ra, khi sản xuất các dòng sản phẩm như Chitosan, VNF đã phải đối mặt với vấn đề về tiêu chuẩn cơ sở. Thời điểm đó, tại Việt Nam chưa có tiêu chuẩn rõ ràng cho Chitosan, dẫn đến thiếu kiểm soát Chitosan lưu hành trên thị trường với rất nhiều mức giá và chất lượng khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã tích cực hợp tác với các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở của Chitosan và bộ tiêu chuẩn này đã được phê duyệt. Đây là một nỗ lực lớn của chúng tôi nhằm định hình và phát triển ngành Chitosan tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Vân An: Trước khi bắt tay vào nghiên cứu mô hình phụ phẩm trong ngành tôm, VNF đã tham khảo mô hình kinh tế phụ phẩm từ cá tuyết của Iceland. Chúng tôi nhận thấy rằng mô hình này rất thú vị, đặc biệt là ở giai đoạn đầu, khi ngành cá tuyết cũng gặp tình trạng tương tự như ngành phụ phẩm tại Việt Nam hiện nay: chỉ tập trung vào chính phẩm và bỏ qua phụ phẩm.

Tại Iceland, ngành cá tuyết đã phải đối mặt với những hạn ngạch đánh bắt do chính phủ áp đặt. Khi ngành phát triển đến một mức độ nhất định, những hạn ngạch này trở thành rào cản lớn cho sự tăng trưởng. Tuy nhiên, chính phủ Iceland nhanh chóng nhận ra rằng giá trị của cá tuyết không chỉ nằm ở sản phẩm chính mà còn ở phần phụ phẩm. Vì vậy, họ quyết định đầu tư vào khoa học và công nghệ để khai thác tối đa giá trị từ phụ phẩm này.

Đây cũng chính là bài học mà VNF rút ra khi giải quyết vấn đề phụ phẩm trong ngành tôm. Chúng tôi hiểu rằng không chỉ sản xuất những gì có sẵn mà còn phải nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bằng cách hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ các nhà khoa học đến các doanh nghiệp sản xuất, truyền thông và người tiêu dùng, VNF đã tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành phụ phẩm.

Kết quả là, hiện tại ngành cá tuyết của Iceland đã tái sử dụng được tới 95% phụ phẩm. Trong khi đó, ngành tôm ở Việt Nam nếu chỉ dùng để làm chitin thì mới chỉ đạt khoảng 4%, nhưng với nỗ lực của VNF, chúng tôi đã đạt được tỷ lệ tái sử dụng từ 60% đến 80%. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của ngành phụ phẩm và khả năng phát triển bền vững mà chúng tôi hướng tới.

Bà Nguyễn Vân An: Khoa học công nghệ gần như là yếu tố cốt lõi để phát triển ngành phụ phẩm theo hướng gia tăng giá trị. Nếu không có công nghệ, sản phẩm từ phụ phẩm sẽ chỉ là nguyên liệu thô, khó có thể ứng dụng vào các sản phẩm cao cấp. Chính vì vậy, ngay từ những bước đầu, chúng tôi đã xác định cần đầu tư mạnh vào công nghệ.

VNF chọn đi theo con đường công nghệ sinh học, khác với cách tiếp cận truyền thống dựa trên hóa chất. Công nghệ sinh học cho phép chúng tôi chiết xuất các hoạt chất mà vẫn giữ được tính toàn vẹn của chúng, đảm bảo giá trị khi ứng dụng vào các sản phẩm. Điều này đòi hỏi một quá trình nghiên cứu chuyên sâu với chi phí đầu tư lớn.

Ngoài công nghệ, các thiết bị cũng phải hiện đại và tự động hóa để nâng cao hiệu suất. Tôi tin rằng bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển ngành phụ phẩm đều cần đầu tư vào công nghệ, thậm chí phải chấp nhận chi phí đầu tư cao hơn so với các phương pháp truyền thống. Đây là điều cần thiết, bởi công nghệ mới có khả năng chiết xuất và nâng cao giá trị của các hoạt chất, giúp chúng tôi đạt được mục tiêu tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.

Bà Nguyễn Vân An: Để ngành thủy sản của Việt Nam duy trì vị thế quốc tế và khắc phục khoảng trống tỷ đô, có 4 yếu tố mà chúng ta cần chú trọng.

Thứ nhất, tự chủ nguồn nguyên liệu. Hiện nay, khoảng 80% nguyên liệu thủy sản vẫn phải nhập khẩu, điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Việt Nam có nguồn tài nguyên nông nghiệp rất phong phú, nhưng tiềm năng này chưa được khai thác triệt để. Chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nguyên liệu nội địa để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó cải thiện chất lượng và giảm chi phí.

Thứ hai, chuyển hướng sang chế biến giá trị cao. Ngành thủy sản không thể tiếp tục phụ thuộc vào chế biến thô và xuất khẩu như trước đây. Điều này là điểm mà chúng ta cần khai thác triệt để. Ví dụ như ngành tôm, Ecuador từng không nổi bật, nhưng giờ đây đã vươn lên dẫn đầu nhờ tập trung vào xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế trong sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm và chúng ta cần giữ vững thế mạnh này để tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt. Để đảm bảo chất lượng ổn định, Việt Nam cần phát triển các mô hình canh tác bền vững và hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ, vì xu hướng thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi sản phẩm sạch và an toàn.

Cuối cùng, các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường liên kết chuỗi từ đầu vào đến đầu ra. Việc ưu tiên sử dụng nguyên liệu nội địa sẽ giúp giảm thiểu chi phí và tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh. Thay đổi tư duy về việc sử dụng hóa chất trong sản xuất cũng rất quan trọng, bởi dù nhiều loại hóa chất mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng có thể gây hại lâu dài cho môi trường. Khi chúng ta thay đổi được tư duy này, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết.

Bà Nguyễn Vân An: Trong thời gian tới, VNF sẽ tiếp tục tập trung phát triển chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng. Đầu tiên, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thu hồi các loại phụ phẩm khác, vì mỗi năm Việt Nam tạo ra khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, trong khi VNF hiện chỉ mới khai thác được một phần nhỏ. Điều này cho thấy tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn.

Chúng tôi cũng sẽ nâng cấp công nghệ để chiết xuất thêm nhiều hoạt chất sinh học và gia tăng giá trị cho những hoạt chất này. Ví dụ, các sản phẩm thủy phân mà VNF đang phát triển đã có ứng dụng trong chăn nuôi và trồng trọt. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn mở rộng ứng dụng sang lĩnh vực thực phẩm và thực phẩm chức năng, như sữa dành cho trẻ em, người cao tuổi hay thực phẩm cho người tập luyện thể thao. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo thêm giá trị thương hiệu cho VNF.

Hiện tại, VNF đã có 6 nhóm ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, từ trồng trọt, chăn nuôi, thức ăn thú cưng, đến thực phẩm, thực phẩm chức năng, và công nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều ứng dụng mới vì tiềm năng vẫn còn rất nhiều.

Về thị trường đầu ra, VNF định hướng theo hai hướng chính. Thứ nhất, mở rộng thị trường quốc tế. Một số sản phẩm của chúng tôi đã được xuất khẩu, nhưng chúng tôi muốn đẩy mạnh hơn nữa, vì khi tiếp xúc với thị trường quốc tế, chúng tôi nhận thấy rất nhiều đối tác yêu thích mô hình phát triển bền vững của VNF. Thứ hai, chúng tôi muốn cung cấp nhiều hơn sản phẩm đến các trang trại trong nước (mô hình B2B2F), vì hiện nay chúng tôi chủ yếu hoạt động theo mô hình B2B.

Tóm lại, VNF sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!