TS. Trần Ngọc Thiên Kim: Ngay từ nhỏ, tôi đã có niềm yêu thích đặc biệt với biển và say mê các tiểu thuyết phiêu lưu. Nhờ gia đình cho học bơi từ rất sớm, ước mơ sống và làm việc gần biển trong tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, cuốn sách “Biển – Cái nôi của sự sống” đã giúp tôi nhận ra vai trò quan trọng của biển: không chỉ là nguồn gốc của sự sống mà còn là sinh kế cho nhiều gia đình. Điều này đã thúc đẩy tôi quyết định theo học ngành thủy sản tại trường đại học. Thật bất ngờ, ngành học này đã mở ra cho tôi một thế giới hoàn toàn mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng và khởi đầu cho hành trình của tôi sau này.

Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục con đường học thuật với chương trình thạc sĩ về thủy sản bền vững tại Australia, nơi tôi thực hiện đề tài “Tối ưu hóa thức ăn cho cá chẽm”. Kết quả từ nghiên cứu này không chỉ củng cố niềm đam mê của tôi đối với lĩnh vực dinh dưỡng thủy sản mà còn thúc đẩy tôi tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ tại Hà Lan. Trong thời gian này, nghiên cứu của tôi chủ yếu tập trung vào mối tương tác giữa môi trường nuôi, nguyên liệu thức ăn và sức khỏe đường ruột của các loài thủy sản. Qua đó, tôi nhận thấy rằng việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho các loài thủy sản nuôi vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Khi gia nhập Grobest, tôi có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Mỗi ngày làm việc tại đây là một thử thách, khi tôi phải đối mặt với những biến động của nguồn nguyên liệu trên thị trường và phải tìm cách duy trì chất lượng thức ăn, đồng thời cân bằng giữa giá cả và dinh dưỡng cho người nuôi. Tuy nhiên, chính điều đó đã trở thành động lực thúc đẩy tôi, khiến tôi cảm thấy mình đã chọn đúng nghề, hoặc có lẽ nghề đã chọn đúng người. Chính những lý do đó đã giữ tôi tiếp tục gắn bó với ngành thủy sản đến tận hôm nay.

TS. Trần Ngọc Thiên Kim: Grobest chính thức gia nhập thị trường thức ăn thủy sản Việt Nam vào năm 2000 và từ đó luôn khẳng định vị thế là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chức năng chất lượng cao. Grobest luôn áp dụng các công nghệ tiên tiến và quy trình lựa chọn nguyên liệu khắt khe, nhằm đảm bảo chất lượng tối ưu cho sản phẩm, giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn và góp phần cải thiện hiệu suất nuôi tôm trong các điều kiện môi trường ngày càng khó khăn.

Ngành nuôi tôm hiện nay đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Nguồn cung nguyên liệu chất lượng cao ngày càng khan hiếm, trong khi áp lực về chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm lại gia tăng mạnh mẽ. Đối với Grobest, việc duy trì vị thế tiên phong giữa những thách thức đó đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất và tìm ra các giải pháp phù hợp.

Dù thị trường có nhiều biến động, Grobest vẫn kiên định với mục tiêu cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho ngành nuôi trồng thủy sản. Các công nghệ tiên tiến và quá trình lựa chọn nguyên liệu khắt khe không chỉ là nền tảng cốt lõi giúp Grobest vượt qua các khó khăn hiện tại mà còn là lý do khiến công ty duy trì được danh tiếng hàng đầu trong suốt hơn 20 năm qua. Chính nhờ sự cam kết vào chất lượng và hiệu suất của sản phẩm, Grobest luôn đảm bảo rằng dù điều kiện thị trường thay đổi, chúng tôi vẫn đứng vững ở vị trí dẫn đầu về chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của ngành.

TS. Trần Ngọc Thiên Kim: Thị trường phụ gia hiện nay rất phong phú và không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chúng trong việc tăng cường hiệu quả sử dụng thức ăn, cải thiện độ tiêu hóa và kích thích sự thèm ăn của vật nuôi. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng cần được xem xét cẩn thận, đặc biệt là khi chi phí cho phụ gia đang khá cao như hiện nay. Trong bối cảnh thị trường Việt Nam có nhiều loại phụ gia khác nhau, việc chọn lựa phụ gia cần thiết cho thức ăn là một nhiệm vụ không dễ dàng.

Tại Grobest, chúng tôi chú trọng sử dụng phụ gia có nguồn gốc tự nhiên, điều này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng. Chúng tôi luôn xác định 4 yếu tố quan trọng trong việc ứng dụng phụ gia: đầu tiên là kích thích sự ngon miệng, để đảm bảo vật nuôi ăn đủ; thứ hai là cải thiện sức khỏe đường ruột; thứ ba là hỗ trợ hệ miễn dịch tự nhiên và cuối cùng là sự kết hợp hài hòa giữa liều lượng và giá cả.

Thức ăn của Grobest chứa nhiều loại phụ gia khác nhau, được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn nuôi. Ví dụ, trong giai đoạn ương vèo, chúng tôi sẽ tập trung vào việc hỗ trợ hệ gan và đường ruột để xây dựng một hệ vi sinh khỏe mạnh cho tôm. Ngược lại, khi tôm gần về đích, việc kích thích thèm ăn để tăng trọng nhanh chóng sẽ là ưu tiên hàng đầu. Mỗi loại thức ăn sẽ có phụ gia tương ứng, đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng của tôm, thay vì chỉ sử dụng một loại phụ gia duy nhất cho mọi trường hợp.

Tóm lại, việc ứng dụng phụ gia trong thức ăn thủy sản không chỉ là thêm vào các thành phần, mà còn là một quá trình cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tối ưu hóa lợi ích cho cả người nuôi và môi trường nuôi tôm.

TS. Trần Ngọc Thiên Kim:Trong ngành thủy sản, việc đạt được thành tựu nổi bật thường không phải là một nỗ lực cá nhân mà là kết quả của sự hợp tác đồng bộ từ nhiều phía.

Nếu nói về một thành công cụ thể, dòng thức ăn 36% đạm ADVANCE PRO có lẽ là điều mà tôi cảm thấy tự hào nhất. Sản phẩm này đã “thách thức” các tiêu chuẩn thị trường thông thường, với hàm lượng đạm thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển tối ưu cho tôm nuôi ở mật độ cao. Việc thuyết phục người nuôi tin tưởng vào giá trị của sản phẩm không phải là điều dễ dàng, nhưng với những kết quả tích cực trong hơn 2 năm qua, chúng tôi đã chứng minh được hiệu quả rõ ràng.

Ngoài ra, tôi cũng rất tự hào khi nhìn lại những học trò của mình, những người đã thành công trong lĩnh vực này. Họ chính là minh chứng cho thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng tiếp tục phát triển ngành thủy sản của Việt Nam. Tôi cảm thấy tự hào vì đã góp phần nhỏ vào sự phát triển của thế hệ kế tiếp. Thủy sản, giống như nông nghiệp, là một trong những thế mạnh của Việt Nam và tôi tin rằng những nỗ lực của chúng tôi sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy cho các thế hệ tương lai.

TS. Trần Ngọc Thiên Kim: Thực tế, chúng ta đều nhận ra rằng công thức thức ăn thủy sản đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua. Áp lực từ việc giá nguyên liệu tăng cao cùng với các cam kết về phát triển bền vững trong khai thác tài nguyên biển đã khiến việc tìm kiếm các nguồn protein thay thế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để các nguồn protein thay thế thực sự trở thành giải pháp bền vững, cần cân nhắc 3 yếu tố chính. Thứ nhất, các nguồn nguyên liệu thay thế phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi. Thứ hai, giá của nguyên liệu thay thế cần phải cạnh tranh với các nguồn protein truyền thống. Thứ ba, các nguồn protein thay thế phải đạt đủ sản lượng để có thể thương mại hóa.

Mặc dù hiện tại, các nguồn protein thay thế chưa thể hoàn toàn đáp ứng đủ yêu cầu so với các nguồn protein truyền thống về giá cả và sản lượng, nhưng chúng vẫn là một tiềm năng lớn cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

TS. Trần Ngọc Thiên Kim: Thực tế, giá sản xuất tôm tại Việt Nam hiện dao động từ 3,5 – 4,2 USD/kg, trong khi đó, giá tôm sản xuất tại Ấn Độ chỉ khoảng 2,7 – 3 USD/kg và tại Ecuador thậm chí còn thấp hơn, từ 2,2 – 2,4 USD/kg. Rõ ràng, sự chênh lệch này khiến người nuôi tôm Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Một trong những nguyên nhân chính là chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam quá cao, trong đó chi phí thức ăn chiếm hơn 60%.

Để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần có một chương trình thức ăn đa dạng, không chỉ dựa vào một loại thức ăn duy nhất mà có thể giải quyết tất cả vấn đề. Chương trình thức ăn này cần cân đối về mặt kinh tế và dinh dưỡng, giúp người nuôi giảm thiểu chi phí.

Hiện nay, nhiều công ty trong ngành đang đưa ra các giải pháp tổng thể để hỗ trợ người nuôi tôm, từ con giống, quy trình nuôi đến thức ăn. Tại Grobest, chúng tôi đã phát triển mô hình GROFARM nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất từ đầu vào, bao gồm chi phí hóa chất, quản lý nước và chi phí thức ăn. Nếu người nuôi chọn đúng quy trình cho ăn và đủ dinh dưỡng trong các thời điểm quan trọng, họ có thể giảm chi phí nuôi và nâng cao năng suất.

Cuối cùng, theo tôi, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong ngành thủy sản. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ không thích hợp có thể dẫn đến tăng giá thành sản xuất tôm. Do đó, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn những giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất.

TS. Trần Ngọc Thiên Kim: Theo tôi, có một số yếu tố chính đã khiến các doanh nghiệp trong nước bỏ lỡ cơ hội gia nhập và cạnh tranh trong thị trường thức ăn thủy sản, đặc biệt là thức ăn cho tôm.

Trên thực tế, các quốc gia phương Tây đã có ưu thế đáng kể về bề dày lịch sử trong nghiên cứu và phát triển dinh dưỡng cho vật nuôi. Nhờ vào nền tảng nghiên cứu vững chắc đó, các công ty nước ngoài có thể đảm bảo rằng sản phẩm dinh dưỡng của họ luôn đạt tiêu chuẩn cao và giành được lòng tin từ phía khách hàng.

Bên cạnh đó, để nghiên cứu được một loại thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi trong từng giai đoạn, doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều thời gian và chi phí nghiên cứu. Chính vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài thường ưu tiên cho các khoản đầu tư này, giúp họ duy trì vị thế trên thị trường. Để cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần có thời gian và chiến lược dài hạn trong nghiên cứu và phát triển dinh dưỡng, nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ riêng biệt.

Một vấn đề khác là nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường phải sản xuất theo nhu cầu thị hiếu ngắn hạn mà không có định hướng phát triển lâu dài. Việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ mới có thể mất từ 5 – 10 năm, điều này khiến họ khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Do đó, khi các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu phát triển gần đây, họ cần thêm thời gian để khẳng định thương hiệu và giành được lòng tin từ người nuôi. Dù điều này chưa thể xảy ra ngay lập tức, tôi hy vọng rằng với khát vọng phát triển và đạo đức kinh doanh tốt, các công ty Việt Nam sẽ tạo ra những sản phẩm phù hợp và có giá trị.

error: Content is protected !!